Sở Tài Nguyên- Môi trường tỉnh Đồng Nai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đề xuất khai thác 9 khu đất thuộc vùng phụ cận 5 dự án giao thông với tổng diện tích đất thu hồi gần 550 ha.
Cụ thể, đó là khu đất 120 ha tại xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch), phụ cận dự án đường liên cảng. Khu đất này hiện là đất lúa, trồng cây lâu năm và có khoảng 50 căn nhà. Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Nhơn Trạch, khu này vẫn là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu khai thác quỹ đất sẽ chuyển đổi khoảng 70 ha sang đất ở.
Đường liên cảng là dự án giao thông lớn đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua. Nếu khai thác được khu đất này, nguồn vốn đầu tư dự án hơn 2.900 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.300 tỷ đồng sẽ được giải quyết. Ngoài ra, còn dư khoảng 3,3 tỷ đồng bổ sung cho ngân sách địa phương.
Khu đất có diện tích lớn nhất được đề xuất khai thác là hơn 184 ha trên địa bàn thị trấn Long Giao và xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ). Khu đất thuộc vùng phụ cận dự án Đường vành đai Long Giao. Khu đất đang thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai.
Trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Cẩm Mỹ, đây là đất ở. Dự kiến sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng, tiền làm đường, tiền thu từ khai thác quỹ đất lợi thế còn dư gần 2.600 tỷ đồng bổ sung cho ngân sách địa phương.
Ngoài ra, còn 5 khu đất thuộc vùng phụ cận 3 dự án đường giao thông trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu. Đó là khu đất gần 40 ha phụ cận đường D5 – N3 (xã Thạnh Phú); 2 khu đất gần 19ha và gần 15 ha (thị trấn Vĩnh An) phụ cận đường Quang Trung – Lê Đại Hành; khu đất 97 ha (xã Bình Lợi) và hơn 13 ha (giáp ranh 2 xã Thiện Tân và Thạnh Phú) phụ cận đường vành đai TP. Biên Hòa. Khu đất tại TP. Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ.
Theo sở Tài nguyên- Môi Trường, hiện chỉ còn khu đất 120 ha tại huyện Nhơn Trạch cần lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để gia tăng giá trị cho khu đất lợi thế. Các khu đất còn lại đã được địa phương điều chỉnh theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030.
Một số khu đất lợi thế khai thác được sau khi trừ chi phí đầu tư, giải phóng mặt bằng vẫn còn dư tiền cho địa phương, một số đủ hoặc hụt không đáng kể, giải quyết được bài toán nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng kết nối đồng bộ.
Trần Lê/VietnamFinance
Theo VietnamFinance
Ảnh: Sở Tài Nguyên- Môi trường tỉnh Đồng Nai đề xuất khai thác 9 khu đất thuộc vùng phụ cận 5 dự án giao thông với tổng diện tích đất thu hồi gần 550 ha (ảnh minh họa)
Xem bài viết gốc tại đây: