Sau một vài cơn mưa đầu mùa, nhiều tuyến đường tại TPHCM đã tái diễn ngập nước. Trong khi đó, các dự án chống ngập vẫn chưa ‘về đích’ đúng hẹn.
Mới mưa đầu mùa đã ngập
Cơn mưa chiều 24-4 kéo dài nhiều giờ, khiến nhiều tuyến đường bị ngập, như: đường Cộng Hòa (đoạn qua giao lộ Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Bình); đường Điện Biên Phủ (đoạn qua giao lộ Nguyễn Văn Thương, quận Bình Thạnh); đường Quốc Hương (khu Thảo Điền, TP Thủ Đức)… Mưa to đúng giờ tan tầm còn khiến ùn tắc giao thông, người dân “bì bõm” di chuyển về nhà rất khó khăn.
Trước đó, cơn mưa vào rạng sáng ngày 16-4 cũng khiến nhiều tuyến đường bị ngập, như các tuyến đường: Kha Vạn Cân, Hiệp Bình, Tô Ngọc Vân (TP Thủ Đức), Bình Lợi (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (quận 12)… Trong đó, đường Tô Ngọc Vân (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Linh Đông, TP Thủ Đức) có đoạn ngập quá nửa bánh xe, nước chảy xiết. Tại đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), 30 phút sau mưa nước vẫn chưa rút hết, khiến hàng loạt xe qua đây bị chết máy.
UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 299/QĐ-UBND ngày 25-1-2021 phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2020-2045 và Kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030. Theo đó, trong giai đoạn 2020-2025, về thoát nước mưa và chống ngập úng đô thị, 80% dân số đô thị của TP sẽ được hưởng dịch vụ thoát nước. Về thoát nước thải và xử lý nước thải, 80% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường. TP cần tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm rộng hơn 100km2 và cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại.
Theo Th.s Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng, năm nay mùa mưa đến sớm khoảng 1 tuần, lượng mưa lớn. Dự báo mùa mưa chính thức rơi vào đầu tháng 5, xuất hiện các cơn mưa kèm theo giông, lốc…
Mong ngóng công trình chống ngập
Năm 2018, TPHCM đã cho khảo sát, dự tính xây 7 hồ điều tiết ngầm tại nhiều vị trí để chống ngập. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có hồ điều tiết nào được triển khai xây dựng. Trong đó, dự án cải thiện hệ thống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) được người dân chờ đợi, và đến tháng 10-2020 mới được khởi công. Theo quy mô, các đơn vị sẽ xây dựng lại hệ thống thoát nước có chiều dài 2,5km, giá trị dự toán hơn 129 tỷ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành trong 17 tháng. Vậy nhưng, đến thời điểm này, dự án vẫn… án binh bất động!
Trong khi đó, dự án chống ngập do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn gần 10.000 tỷ đồng, gồm 6 cống ngăn triều (Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân và Tân Thuận), với mục tiêu kiểm soát ngập cho diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố, được khởi công từ tháng 6-2016, dự kiến hoàn thành trong 36 tháng. Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), đã thi công 90% khối lượng công việc nhưng đang đứng trước nguy cơ dừng thi công do vướng mắc về ký kết phụ lục hợp đồng, thủ tục thanh toán…
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TPHCM), trong giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí đã đầu tư cho công tác chống ngập của TP là 25.998 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TP đầu tư cho hoạt động chống ngập là 7.047 tỷ đồng; các dự án giải quyết ngập theo hình thức PPP là 9.927 tỷ đồng; dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là 9.024 tỷ đồng.
GS-TSKH Lê Huy Bá, chuyên gia đô thị – môi trường, cho rằng, TPHCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng ngập do thời tiết, triều cường nặng nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước. TP có nhiều dự án xây nhà cao tầng, chung cư nhưng không đầu tư hệ thống thoát nước nên không thể giải quyết triệt để thực trạng ngập nước, thậm chí các điểm đã hết ngập vẫn có nguy cơ tái ngập. Để đồng bộ quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập, TP cần tháo gỡ được những vấn đề khó khăn về nguồn lực và quan tâm tính liên kết giữa các công trình thoát nước để đạt hiệu quả cao. Làm được những điều này, nhất định phải thực hiện hợp tác đa ngành, trong đó cần một bộ phận đủ quyền hành, nguồn lực và chịu trách nhiệm trực tiếp điều phối các ban, ngành cùng tham gia.
Lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho hay, một số dự án chống ngập đã được đưa vào sử dụng trước dịp lễ 30-4. Tiêu biểu là dự án nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3,2km, tổng mức đầu tư gần 473 tỷ đồng (qua địa bàn quận 1 và quận Bình Thạnh). Cùng đó là dự án xây dựng hệ thống thoát nước và cải tạo mặt đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh, huyện Nhà Bè), tổng vốn gần 300 tỷ đồng, với các hạng mục làm hệ thống cống tròn dọc tuyến, bề rộng từ 80cm đến 2m và xây cửa xả tăng khả năng thoát nước ra kênh rạch. Ngoài ra, cao độ mặt đường được hoàn thành cùng với quy mô tuyến cống thoát nước D800-D2000 sẽ đảm bảo giải quyết hiệu quả thoát nước mặt đường khi mưa và thoát nước sinh hoạt cho lưu vực tuyến đường.
Trong năm 2021, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM phối hợp với UBND TP Thủ Đức dự kiến bàn giao mặt bằng để đơn vị triển khai thi công dự án đường Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức). Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần giải quyết tình trạng ngập ở tuyến đường này. Bên cạnh đó, còn có dự án nâng cấp, cải tạo đường và tuyến kênh Nước Đen (quận Bình Tân) và gói G, F2 của Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2… sẽ khơi thông dòng chảy, cải tạo đường ven kênh để khắc phục tình trạng ngập nước, ô nhiễm ở các khu vực này.
Đức Chung – Báo SGGP
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Ảnh: Đường Lê Đức Thọ (phường 13, quận Gò Vấp, TPHCM) ngập nặng sau cơn mưa ngày 24-4
Xem bài viết gốc tại đây:
https://www.sggp.org.vn/dong-bo-quy-hoach-day-nhanh-cac-du-an-chong-ngap-729046.html