Ðồng bằng sông Cửu Long xuống giống sớm lúa đông xuân để tránh hạn, mặn

Vụ lúa đông xuân 2020 – 2021, toàn vùng Nam Bộ có kế hoạch gieo sạ 1,63 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt hơn 11,37 triệu tấn. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) gieo sạ 1,55 triệu ha.

Vụ lúa đông xuân 2020 – 2021, toàn vùng Nam Bộ có kế hoạch gieo sạ 1,63 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt hơn 11,37 triệu tấn. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) gieo sạ 1,55 triệu ha.

Theo dự báo, mùa khô năm 2020 – 2021, mặn xâm nhập sớm và diễn biến khốc liệt nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương chủ động xuống giống sớm để né hạn, mặn vào cuối vụ, trong đó vụ chính xuống giống dứt điểm trong tháng 11 (khoảng 636 nghìn héc-ta)…

* Kiên Giang là tỉnh có diện tích lúa đông xuân 2020 – 2021 lớn nhất khu vực ÐBSCL. Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, vụ này toàn tỉnh gieo cấy 290 nghìn héc-ta. Ngành nông nghiệp đã đề xuất lịch gieo sạ lúa đông xuân chính vụ làm ba đợt. Ðợt gieo cấy đầu tiên đã kết thúc trong tháng 10. Hiện toàn tỉnh đang triển khai đợt 2 từ ngày 18 đến 30-11. Ðợt 3 từ ngày 20 đến 31-12.

* Tại Tiền Giang, để bảo đảm an toàn sản xuất thích ứng với hạn hán xâm nhập mặn, nhất là trong mùa khô tới, ngành nông nghiệp tỉnh chủ trương bỏ vụ lúa thu đông để tập trung sản xuất vụ đông xuân sớm né hạn, mặn. Vụ thu đông vừa qua, diện tích lúa toàn tỉnh chỉ còn 2.800 ha.

* Tại Vĩnh Long, vụ đông xuân năm nay dự kiến gieo sạ 52.800 ha, tập trung xuống giống trong ba đợt chính. Ðợt 1 khoảng 12.000 ha, tập trung ở vùng ven quốc lộ 54 của các huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, thị xã Bình Minh và vùng đất gò ven sông Măng. Ðợt 2 là đợt tập trung chính với diện tích 35.000 ha, xuống giống từ ngày 24-11 đến 9-12 tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Ðợt 3 xuống giống từ 15 đến 25-12 phân bố ở vùng còn lại và nơi lúa thu đông muộn vừa thu hoạch với diện tích 5.800 ha.

* UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.645,9 ha đất sản xuất bị bồi lấp, trong đó 1.459,1 ha thay đổi hiện trạng cần phải cải tạo kịp thời để tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2020 – 2021.

* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cử đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đến Quảng Bình kiểm tra thực tế, đánh giá thiệt hại đối với các công trình thủy lợi để có kế hoạch hỗ trợ khắc phục. Sau kiểm tra, Tổng cục Thủy lợi đề nghị tỉnh Quảng Bình ưu tiên nguồn vốn để tu sửa ngay các hư hỏng nhỏ để bảo đảm nước tưới cho vụ đông xuân. Ðợt mưa lũ lớn đã làm hư hỏng các công trình thủy lợi, công trình nước sạch, thiệt hại hơn 720 tỷ đồng. Trong đó 40 trong số 150 hồ có nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến cung cấp nguồn nước tưới cho hàng chục nghìn héc-ta lúa đông xuân sắp tới.

* Sau mưa, bão, nông dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bắt tay vào sản xuất vụ tỏi đông xuân 2020 – 2021. Do mưa bão khắc nghiệt, vụ tỏi này, nông dân trên đảo Lý Sơn đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí đầu tư tăng cao, nguồn cát trắng khan hiếm. Do ảnh hưởng các đợt mưa bão vừa qua, diện tích trồng tỏi của huyện có 60 ha đất bị cát, đất đá bồi lấp, hơn 260 ha đất bị xói lở.

* Tại thành phố Sa Ðéc (Ðồng Tháp) dù những cơn mưa kèm theo triều cường xuất hiện gây ra những diễn biến phức tạp nhưng nhờ sự chủ động ứng phó nên đến nay hầu hết diện tích hoa kiểng Tết tại làng hoa Sa Ðéc phát triển bình thường, không bị thiệt hại nhiều.

* Thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho thấy nước dâng cao do triều cường trong thời gian qua đã làm cho gần 700 căn nhà của người dân, hơn 36 km lộ giao thông nông thôn bị ngập sâu; gần 1.500 ha lúa thu đông, nhiều diện tích mía, vườn cây ăn trái, rau màu bị ngập, thiệt hại từ 30 đến hơn 70%. Do huyện Phụng Hiệp nằm trong vùng có địa hình trũng thấp vì vậy nước rút rất chậm cho nên khi đỉnh triều trên các tuyến kênh dâng cao, kết hợp với mưa lớn trong nhiều ngày thì tình trạng ngập lụt diễn ra gay gắt và kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

* Theo Trung tâm dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao cho nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Dự báo, đêm 28 và ngày 29-11, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi, trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 15 – 18oC, vùng núi 13 – 16oC, vùng núi cao dưới 10oC.

* Trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Ðỉnh lũ trên các sông chính ở Quảng Bình, Quảng Trị khả năng ở mức báo động (BÐ)1 và trên BÐ1; các sông ở Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên ở mức BÐ1 – BÐ2, có sông trên BÐ2; các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên có khả năng lên mức BÐ2 – BÐ3, các sông nhỏ có khả năng lên trên mức BÐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt: Cấp độ 2.

* Chiều 28-11, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam xả nước hồ Phú Ninh, lưu lượng điều tiết từ 50 – 1.000 m3/s. Sáng 28-11, mực nước hồ cao ở mức +31,64 m. Công ty đã có thông báo đến các cơ quan liên quan và người dân vùng hạ du theo dõi, chủ động triển khai các phương án tránh ngập trên diện rộng.

* Toàn huyện M’Drắk (Ðắk Lắk) hiện có 63 công trình thủy lợi, trong đó 60 công trình đã đưa vào danh mục quản lý. Các công trình này ngoài cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp còn có nhiệm vụ cắt lũ, giảm úng cục bộ cho vùng hạ lưu. Do được xây dựng từ lâu, đến nay hầu hết các hồ đã xuống cấp, khả năng tích nước hạn chế, có nguy cơ xảy ra mất an toàn khi mưa bão.

* Sáng 28-11, tại UBND tỉnh Quảng Trị, Văn phòng Chính phủ đồng hành cùng Tập đoàn Quốc tế Pou Chen (Ðài Loan, Trung Quốc) trao sáu tỷ đồng ủng hộ cho ba tỉnh miền trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam (mỗi tỉnh hai tỷ đồng) để khắc phục hậu quả do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt vừa qua.

PV và CTV – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Ảnh: Nông dân xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa. Ảnh: KIỀU MY

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.com.vn/kinhte/ong-bang-song-cuu-long-xuong-giong-som-lua-dong-xuan-de-tranh-han-man-626192/