Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục sạt lở

Tại khu vực ĐBSCL tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển liên tiếp xảy ra, nhiều tuyến đường giao thông nằm cặp các con sông, kênh xuất hiện các vết nứt nguy hiểm khiến cho người dân sinh sống và đi lại nơi đây lo lắng, bất an…

Cuối tháng 5/2021 vừa qua, tại đoạn đường tỉnh 946 ven bờ sông Ông Chưởng thuộc xã Long Điền B, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang đã xuất hiện vết nứt sâu, ăn vào gần nửa mặt đường, khiến giao thông nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Ngày 3/6, tại khu dân cư dọc bờ sông Châu Đốc, chạy cặp tuyến tỉnh lộ 957, thuộc tổ 44 ấp An Thạnh, thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang, người dân cũng phát hiện nhiều vết nứt, rộng khoảng 5 cm, chạy dài khoảng 35 m, có nguy cơ sạt lở rất cao.

Sau 2 ngày xuất hiện vết nứt, ngày 5/6, tại vị trí đã xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 70 m, ăn sâu vào bờ từ 10 đến 15 m; trong đó có 1 đoạn sạt lở rất nghiêm trọng dài hơn 30 m, sâu khoảng 18 m. Điểm sạt lở cách đường tỉnh lộ 957 gần 20 m, đe dọa tuyến giao thông huyết mạch từ huyện An Phú đi TP Châu Đốc.

Mới đây, trên địa bàn quận Ô Môn, TP Cần Thơ cũng đã xảy ra vụ sạt lở tại phía bờ trái sông Ô Môn, đoạn qua khu vực Thới Trinh B thuộc phường Thới An, làm sụp đổ một đoạn đường giao thông ở phường này, gây gián đoạn việc đi lại của người dân. Điểm sạt lở trên có chiều dài khoảng 60 m, ăn sâu vào bờ khoảng 4 m làm sụp tuyến đường giao thông ven sông Ô Môn.

Riêng tại Cần Thơ, thống kê 5 tháng đầu năm 2021, địa phương tiếp tục xuất hiện 6 điểm sạt lở làm sụp đổ hoàn toàn 1 căn nhà, 25 căn bị sụp một phần, thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng.

Còn tại Bạc Liêu, theo ông Trịnh Thanh Hải, Trưởng Phòng quản lý công trình và phòng chống thiên tai (Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu) cho biết, những năm gần đây, mỗi mùa mưa bão đến thường xảy ra tình trạng giông lốc cục bộ gây đổ sập nhà cửa và đáng lo hơn là tình trạng sạt lở bờ sông gây nguy hiểm tính mạng và tài sản của nhân dân.

Để giải quyết vấn đề này về lâu dài phải thực hiện việc di dời dân vào các tuyến dân cư. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là việc di dời dân vào khu tái định cư đã khó, khó hơn là phải đảm bảo sinh kế sau di dời để người dân ổn định cuộc sống. Hiện nay, tỉnh đã xin Trung ương bố trí vốn đầu tư xây kè những đoạn bị sạt lở và nguy cơ sạt lở.

Trước mắt, đối với những hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở huyện đã bố trí vào ở trong khu dân cư, đồng thời khuyến khích các hộ dân sống dọc theo tuyến kênh nguy cơ sạt lở cao có biện pháp đảm bảo an toàn, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

QuốcTrung – Nguyên Bảo – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Ảnh: Một vụ sạt lở ở Cần Thơ.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://daidoanket.vn/dong-bang-song-cuu-long-tiep-tuc-sat-lo-5655700.html