Đồng bằng Sông Cửu Long, mối lo con tàu đang chìm

Nguyên nhân chính của việc sụt lún đất là do khai thác nước ngầm, muốn giảm khai thác nước ngầm thì phải có giải pháp thay thế…

Mới đây, ngày 27/3, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc thực hiện các biện pháp phù hợp để hạn chế tốc độ sụt lún đất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), báo Đất Việt đã có cuộc trò truyện với Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL xung quanh vấn đề này.

PV:- Theo các báo cáo khoa học, trong 25 năm qua, tốc độ sụt lún đất trung bình của toàn đồng bằng là 18cm, có những điểm trên 30cm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Xin ông phân tích vì sao, hiện tượng sụt lún tại ĐBSCL lại ngày càng nghiêm trọng và do những nguyên nhân nào?

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện:- Đối với một đồng bằng do phù sa sông bồi đắp tạo nên, tức là đồng châu thổ, thì vấn đề sụt lún gồm có ba nguyên nhân như sau.

Một là tất cả các đồng bằng do phù sa sông bồi đắp tạo nên trên thế giới đều sụt lún tự nhiên do đất bị nén dẻ tự nhiên với tốc độ khoảng 3-5mm/năm. Khi các con sông vẫn được tự do chảy, mang phù sa về bồi đắp thì sẽ bù lại lượng sụt lún này. Đối với ĐBSCL, số liệu của MRC (Ủy hội Mekong quốc tế) nếu so sánh giữa 1992 và 2014 thì lượng phù mịn của sông Mekong đã giảm 50% từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm và sắp tới sẽ còn tiếp tục giảm khi có thêm các đập thủy điện. Ngoài ra, ở ĐBSCL các ô đê bao khép kín để làm lúa ba vụ hoặc các vùng ruộng vườn ở vùng giữa có đê bao khép kín thì cũng đã mất lượng phù sa bù lún này.

Nguyên nhân thứ hai là do sức nặng của các công trình xây dựng đè lên mặt đất. Tuy nhiên, việc này chỉ xảy ra cho các trung tâm đô thị lớn kéo theo vùng phụ cận, không phải là nguyên nhân trên toàn đồng bằng.

Nguyên nhân thứ ba là do khai thác nước ngầm. Đây mới là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng sụt lún đất ở ĐBSCL. Khi ta rút nước ngầm tại một nơi, thì mực nước ngầm trong đất sẽ bị sụt giảm. Đầu tiên là sụt giảm rất nhanh xung quanh chỗ giếng khoan đó, tạo thành một hình nón. Nếu sau đó chúng ta ngưng bơm thì nước ngầm từ vùng xung quanh sẽ len lỏi dồn về bổ sung cho chỗ bị mất nước và cân bằng lại. Nhưng tiếp vẫn tiếp tục bơm thì hình nón càng ngày càng sâu hơn và làm cho mực nước vùng xung quanh bị hạ thấp hơn, sự hạ thấp ngày càng lan rộng ra. Nếu một nơi có nhiều giếng khoan tập trung cùng hoạt động liên tục trong nhiều năm thì sự hạ thấp mực nước sẽ lan tỏa có khi đến hàng trăm km.

Cho nên, không phải khai thác nước ngầm chỗ nào thì gây sụt giảm nước ngầm ở đó mà thôi. Khai thác nước ngầm ở một nơi cũng làm cho vùng rộng lớn xung quanh gia tăng chi phí và công sức để lấy nước ngầm, trong kinh tế học gọi là gia tăng chi phí ngoại vi (externalities).

Khi nước ngầm bị khai thác quá mức thì các lỗ rỗng trong đất bị mất nước bị mất sức chống đỡ sức nặng từ tầng đất bên trên. Các lỗ rỗng này bị biến dạng hoặc mất hoàn toàn làm cho đất bị nén lại. Điều này dẫn đến việc mất, có thể lã vĩnh viễn, khả năng chứa nước của tầng nước ngầm. Chúng ta hình dung mình đang sống trên vỏ quả dưa hấu mà thọc nhiều ống tiêm vào rút nước từ ruột quả dưa hấu thì chuyện gì xảy ra.

PV:- ĐBSCL được mệnh danh là vùng sông nước, tại sao không sử dụng nước sông mà lại có chuyện khai thác nước ngầm nhiều như thế? Có phải do tăng dân số kéo theo tăng nhu cầu nước và nước sông không đủ nên phải sử dụng nước ngầm? Xin ông phân tích.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện:- Câu hỏi rất hay. Chúng ta đều biết ĐBSCL nằm ở cuối trong lưu vực sông Mekong với lưu lượng trung bình hàng năm 475 tỉ m3. Còn ở ĐBSCL, lượng mưa tại chỗ cũng từ 1.4 đến 2.0 mét nước, đóng góp đến 11% lượng nước của lưu vực Mekong. Trên thế giới thì xét về tổng lượng nước hàng năm, sông Mekong đứng thứ ba, sau Amazone, Congo, và Trường Giang, còn về lưu lượng (m3/s) thì đứng thứ 18. Vậy có thể nói, ĐBSCL là một trong những nơi dồi dào nước ngọt nhất trên trái đất. Vùng đất ngày được mệnh danh là vùng sông nước là vì vậy. Thế nhưng, với lượng nước sông ngòi to lớn như vậy, tại sao chúng ta không sử dụng mà lại khai thác nước ngầm nhiều như thế?

ĐBSCL có thể chia làm 3 lớp. Lớp ngoài cùng là vùng mặn hẳn, lớp ở giữa là vùng nước lợ với 6 tháng mặn vào mùa khô và 6 tháng ngọt vào mùa mưa. Đối với vùng ven biển, trước đây dù là khó khăn nhưng người dân sống thích nghi và hoàn toàn biết trước sẽ có 6 tháng mặn, do đó người ta tích cực trữ nước trong bồn, trong lu chứa nước mưa để nấu ăn, uống và trữ nước trong ao gần nhà để sinh hoạt. Bây giờ vì sử dụng nước ngầm tiện lợi và nghĩ là vô tận và lả tải nguyên của chung nên người ta sử dụng vô tư, cho sinh hoạt, tưới hoa màu, và pha loãng độ mặn ao tôm thâm canh khi nắng nóng, v.v. Trong 6 tháng mùa mưa, người ta cũng chuộng nước ngầm hơn vì nước sông ngòi quá ô nhiễm và nước mưa cũng không còn sạch.

Còn đối với cùng nước ngọt nội địa, cách đây vài chục năm thôi thì con người và sông ngòi rất gắn bó. Sông ngòi được sử dụng cho tất cả các mục đích, tắm, bơi lội, nấu ăn, bắt cá, giao thông. Sông ngòi mang nước và phù sa tưới mát, bồi bổ cho ruộng vườn. Nét văn hóa sông nước Cửu Long được xây dựng trên nền tảng này đây…

Theo Đất Việt

Ảnh: Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL. Ảnh: VNN

Xem bài viết gốc tại đây:

http://baodatviet.vn/khoa-hoc/su-kien/dong-bang-song-cuu-long-moi-lo-con-tau-dang-chim-3377218/