Đồng bằng sông Cửu Long: Đào hàng trăm ao tích nước chống xâm nhập mặn

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng xâm nhập mặn, nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có xây dựng các ao tích trữ nước phục vụ đời sống, sản xuất.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PNTT), tổng diện tích lúa vụ Đông Xuân 2020 – 2021 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 1,517 triệu héc-ta. Đến nay, nông dân các địa phương đã thu hoạch được khoảng 400.000ha.

Trong các đợt xâm nhập mặn xảy ra từ đầu năm 2021, một số điểm đã có ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, do xuất hiện các đợt mưa trái vụ diện rộng ở đồng bằng trong tháng 1 với tổng lượng mưa từ 30 – 70mm, và trong tháng 2 với tổng lượng mưa từ 10 – 47mm nên mức độ ảnh hưởng không lớn.

Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đã chủ động các phương án tích trữ nước cho vườn cây ăn trái. Đơn cử như tại Tỉnh Bến Tre, nông dân đã đào khoảng 500 ao với dung tích bình quân 500 m3/ao. Tại huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), bà con cũng đã đầu tư 1.200 dụng cụ tích nước tưới, đào 109 ao với dung tích trung bình 2.000 m3/ao.

Trong khi đó tại các tỉnh Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, hệ thống ao, hồ, kênh, rạch cũng được quan tâm, đầu tư xây dựng, nâng cấp để chủ động tích nước chống hạn mặn. Nhờ đó đến nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn cơ bản chưa ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù vậy, báo cáo ngày 6/3 của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đưa ra dự báo mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong thời gian tới có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 40.000ha cây ăn quả, chủ yếu thuộc các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Cùng với đó là 5.000ha lúa vụ Đông Xuân 2020 – 2021 tại tỉnh Trà Vinh.

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, Tổng cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh đề nghị các địa phương tiếp tục cập nhật thường xuyên diễn biến của xâm nhập mặn. Trong thời kỳ triều thấp, khi độ mặn cho phép thì chủ động vận hành các công trình thủy lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh, mương, ao, hồ, đặc biệt là tại các vùng cây ăn quả.

Đại diện Tổng cục Thủy lợi cũng khuyến cáo các địa phương chỉ tổ chức xuống giống vụ Hè Thu 2021 ở những khu vực chủ động được nguồn nước. Đối với những khu vực chưa chủ động được nguồn nước thì cần đợi đến mùa mưa chính vụ để xuống giống nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất.

Lâm Nguyễn – Báo KTĐT

Theo Kinh tế & Đô thị

Ảnh: Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng ao tích trữ nước ngọt. Ảnh: TTXVN.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://kinhtedothi.vn/dong-bang-song-cuu-long-dao-hang-tram-ao-tich-nuoc-chong-xam-nhap-man-412066.html