Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cao hơn nước mực biển 0,8m

Cảnh báo của các nhà khoa học Hà Lan là rất may mắn, kịp thời nhưng sẽ gây tranh cãi…

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chủ tịch Hội thiên nhiên và môi trường biển cho rằng, cảnh báo của các nhà khoa học Hà Lan công bố rằng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m (so với mức 2,6m theo công bố hiện tại), đồng nghĩa với nguy cơ 12 triệu dân vùng đồng bằng này sẽ phải di cư trong 50 năm tới là rất may mắn, kịp thời.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng công bố của các nhà khoa học Hà Lan sẽ tiếp tục gây ra những tranh cãi do có mâu thuẫn lớn với kết quả đo đạc, tính toán và đánh giá của Việt Nam cũng như các nước, tổ chức quốc tế khác, đặc biệt là về tính xác thực của các con số.

Theo vị chuyên gia, vấn đề không phải là người ta cảnh báo thế nào mà chúng ta sẽ ghi nhận những cảnh báo đó ở mức độ nào? Nếu xem những cảnh báo trên là thông tin quan trọng thì sẽ có cách nhìn nhận và ứng phó chủ động, tích cực và ngược lại, không khéo lại “bằng chân như vại” cho đến khi “nước đến chân mới nhảy”. Cho nên, nói chung nên xem đây là một cảnh báo cần tham khảo, vì chỉ có tốt chứ không gây hại gì. Việc ra các quyết định cụ thể cuối cùng vẫn thuộc quyền của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý lãnh thổ.

Bởi, với sự phát triển của khoa học – công nghệ, đặc biệt ở các nước tiên tiến thì khả năng đo đạc, đánh giá tác động trong lĩnh vực môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu bằng các thiết bị đo thực, phân tích không ảnh, mô hình tính,… thường thay đổi nhanh, có nhiều cải tiến, hiện đại và chính xác hơn. Nhất là lĩnh vực đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng vừa mới, vừa khó trên thực tế.

Vị chuyên gia cho biết, việc đo đạc, đánh giá nguy cơ sụt lún cũng như tác động của nước biển dâng của Việt Nam hay các nước đều có rất nhiều phương pháp, như: đánh giá dựa trên dữ liệu vệ tinh toàn cầu; dựa trên các số liệu đo thực, mô hình mô phỏng, phương pháp tính cụ thể,…Tuy nhiên, kết quả đạt được “tốt, xấu” còn tùy thuộc vào việc có lựa chọn tính đúng, tính đủ các mối quan hệ biện chứng, phức tạp,… phản ánh bản chất của một đồng bằng châu thổ “phức” như ĐBSCL hay không. Gần đây, khi tiến hành dự án “Cải thiện sức chống chịu của vùng ven biển 3 nước Việt Nam – Thái Lan – Campuchia” các chuyên gia quốc tế cũng tiến hành tự tính toán, đánh giá kịch bản nước biển dâng bằng cách riêng cùng với việc tham khảo kịch bản của Việt Nam.

Vì thế, PGS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, dù chưa thể khẳng định chắc chắn tính chính xác về báo cáo của các nhà khoa học Hà Lan, song cũng nên xem đó là một kênh thông tin cần tham khảo để cảnh báo khi đánh giá hoặc xác định lộ trình xây dựng các giải pháp ứng phó, đặc biệt là những nguy cơ ĐBSCL đang phải đối diện. Đấy cũng là cách tiếp cận “thận trọng” bên cạnh tiếp cận tổng hợp và tiếp cận dựa vào hệ sinh thái mà trên thế giới hay áp dụng.

PGS Nguyễn Chu Hồi cho biết, ĐBSCL là một hệ thống “phức”, một loại hình châu thổ “lấn tiến” điển hình của thế giới, nhưng đang phải đối mặt với những thách thức của cả tự nhiên và con người. Có lẽ, thách thức lớn nhất với ĐBSCL là chịu tác động “cộng hưởng” của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; của các hoạt động phát triển và vận hành một loạt đập thủy điện trên thương nguồn lưu vực sông Mê Kông và của những hoạt động ở hạ nguồn, nội tại của đồng bằng này (đắp đập, ngăn sông, chống ngập lũ, chia cắt không gian đồng bằng, khai thác cát bất hợp pháp quy mô lớn, phá hủy rừng ngập mặn ven biển, đô thị hóa nhanh với mật độ cao trên nền đất yếu,…).

Theo vị chuyên gia, vấn đề cấp bách của ĐBSCL cần cân nhắc, đánh giá không chỉ là nguy cơ từ nước biển dâng mà còn là việc liệu ĐBSCL có đang bị sụt lún nhanh hơn so với nước biển dâng?. Ngoài những tác động ngập tự nhiên do đây là một vùng đất thấp không cố kết chiếm diện tích lớn ở ven biển, địa hình thấp, ĐBSCL còn là một châu thổ trẻ, chưa ổn định, lại bị tác động cộng hưởng và “đan xen” của quá nhiều hoạt động khác nhau cả trên thượng nguồn và hạ nguồn lưu vực sông Mekong.

Tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, khai thác cát bất hợp pháp quy mô lớn, “chia ô” tùy tiện,…làm thay đổi tương tác ở vùng cửa sông theo hướng có lợi cho quá trình biển và thay đổi tiến hóa ngoại sinh của vùng ĐBSCL theo xu thế chung “sụt lún không được đền bù bồi tích”, khiến cho quá trình sụt lún diễn ra ngày càng nhanh hơn nhiều lần nước biển dâng. Điều này cũng cho thấy đừng cố đổ lỗi “cho trời”!

Đây là cảnh báo xuất phát từ thực tế, muốn tồn tại ổn định, về lâu dài ĐBSCL phải tìm cách thích ứng thay vì loay hoay nghĩ cách đối phó. Vấn đề này đã được đề cập trong Nghị quyết số 120 của Chính phủ về ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải thay đổi được tư duy, thay đổi được cách làm. Vì rằng “môi trường nào, sinh vật nấy”, khi hạn mặn tăng đang trở thành xu thế, vùng ngọt bị lợ hóa, lợ thì bị mặn hóa, đòi hỏi chúng ta phải có các quyết sách mang tầm chiến lược theo hướng thích ứng với “mặn, lợ”.

Nhà khoa học Hà Lan: ĐBSCL cao hơn nước biển 0,8m

Cần phải có bước đi cụ thể, chắc chắn để vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà vựa lúa này phải đảm trách, được xem là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, không thể bị xem nhẹ. Bên cạnh đó, phải nhanh chóng thay đổi tư duy về an ninh lương thực, bao gồm cả lúa và tôm, chuyển lúa sang tôm bao nhiêu là vừa, ở đâu và khi nào phải được các nhà khoa học liên ngành giúp Chính phủ và chính quyền các địa phương xem xét, tính toán cụ thể bằng các quy hoạch đúng đắn nhất, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích trong dài hạn, PGS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Luân canh mô hình lúa thông minh trên nền đất nuôi tôm, xen canh tôm lúa, phục hồi rừng ngập mặn để tăng diện tích khai thác thủy sản tự nhiên gắn với phòng chống thiên tai; chuyển đổi diện tích nuôi tôm trên phần đất nông nghiệp bị hoang hóa, không hiệu quả vừa thể hiện được ưu thế vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều quan trọng nhất với người dân ĐBSCL hiện nay khả năng thích ứng nhanh, hiệu quả chứ không phải cứ loay hoay bảo thủ, không thay đổi, cố bảo vệ cây lúa. Địa phương nào ở ven biển ĐBSCL chủ động thích ứng, và thích ứng hiệu quả, mạnh dạn và thận trọng sẽ có những thắng lợi thấy rõ, PGS Nguyễn Chu Hồi nhận xét.

Hoài An – Báo Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Thách thức lớn nhất với ĐBSCL là chịu tác động “cộng hưởng” của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Ảnh: Báo Hậu Giang

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodatviet.vn/khoa-hoc/su-kien/dong-bang-song-cuu-long-chi-cao-hon-nuoc-muc-bien-08m-3387231/