Đổi rừng lấy khu nghỉ dưỡng:Nguy cơ phá di sản suối Bang

Trong bất kỳ trường hợp nào việc phá rừng lấy đất đều sẽ làm mất sự cân bằng của thiên nhiên và đều gây ra những hậu quả lớn.

Di sản quý hiếm bị xâm hại

Trước thông tin UBND tỉnh Quảng Bình ký quyết định thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 20.300 m2 đất cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh thuê thực hiện Dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng Suối nước nóng Bang tại xã Kìm Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, GS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam bày tỏ nhiều lo ngại.

Dự án được khởi động từ năm 2004 nhưng sau đó bị bỏ hoang. Đến năm 2008 lại được giao cho một chủ đầu tư khác nhưng số phận dự án này không khá hơn. Toàn bộ khu vực này đến nay vẫn là khu hoang phế, biến dạng, nhiều khu vực bị cày xới san lấp luôn một số mạch nước lộ thiên, xâm hại nhiều cảnh quan nguyên sơ, gây ô nhiễm môi trường của suối nước khoáng nóng Bang.

Đến năm 2016 dự án bị thu hồi và giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh tiếp tục thực hiện.

“Tôi đến nghiên cứu các tầng địa chất tại suối Bang rất nhiều lần, hai lần trở lại gần đây nhất, khu vực này làm tôi rất thất vọng và lo lắng”, GS Tạ Hòa Phương chia sẻ.

GS Phương cho hay, suối nước nóng Bang, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình là suối nước nóng nhất Việt Nam với nhiệt độ lên tới 105 độ C, có vẻ đẹp hoang sơ, nằm lộ thiên giữa cánh rừng nguyên sinh.

Nước của Suối Bang có chứa các nguyên tố vi lượng quý hiếm đặc biệt nhất cả nước cũng đã được ghi nhận.

Thứ nhưng, để phát triển khu nghỉ dưỡng, du lịch mà doanh nghiệp đã đào xới, phá nát toàn bộ khu vực này.

“Nước nóng ở suối Bang rất đặc biệt, những mạch nước suối trong lòng đất được đẩy lên, cất đọng lại xung quanh thành như hình chiếc nón, giống miệng núi lửa và trên các họng nón đó nước nóng được phun ra ngoài. Đó là những hình ảnh đặc biệt, đáng quý, đáng được xem nhất tại khu vực suối nóng suối Bang.

Tuy nhiên, gần đây khu vực này đã bị doanh nghiệp đào xới, bê tông hóa, bịt lại những miệng nón nước nóng tự nhiên để dẫn vào đường ống phục vụ cho mục đích phát triển khu nghỉ dưỡng của doanh nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tài nguyên thiên nhiên của đất nước, tài sản của cả quốc gia nhưng lại đang phục vụ cho lợi ích của một doanh nghiệp.

Việc làm này không những gây tác động lớn tới hạ tầng địa chất của khu vực này, gây ảnh hưởng lớn tới mạch nước khoáng ngầm mà còn phá hủy hoàn toàn một di sản tiêu biểu của suối khoáng Bang, khó có thể khôi phục được”, GS Tạ Hòa Phương nói.

Đổi rừng làm du lịch, bài học từ thủy điện

Tiếp tục phân tích, vị GS bày tỏ lo ngại với mối nguy phá rừng tại khu vực này nếu thực hiện việc thu hồi một diện tích rừng quá lớn như vậy.

Vị GS cho biết, thiết kế địa tầng khu vực được quy hoạch xây dựng và phát triển dự án bao gồm cả đất rừng sản xuất, rừng tự nhiên nếu phá rừng, chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác, hậu quả không khác gì thủy điện phá rừng lấy đất. Nguy cơ gây lũ lụt, sạt lở hoàn toàn có thể xảy ra như từng xảy ra với thảm họa tại Rào Trăng 3 mới đây.

“Trong bất kỳ trường hợp nào việc phá rừng lấy đất đều sẽ làm mất sự cân bằng của thiên nhiên và đều gây ra những hậu quả lớn. Việc này phải hết sức thận trọng”, vị GS cảnh báo.

Bên cạnh đó, GS Tạ Hòa Phương cũng cho hay, phát triển dự án nghỉ dưỡng, du lịch cũng đồng nghĩa với việc phải phát triển hạ tầng, đường xá, khu vui chơi, ăn nghỉ… như vậy, điều ông lo ngại không chỉ có 20.300 m2 bị xâm hại mà diện tích đất rừng có thể còn bị xâm hại còn lớn hơn nữa.

“Những tác động là rất lớn, cá nhân tôi không khuyến khích việc phá rừng để phát triển du lịch”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Bộ Văn hóa yêu cầu không xâm hại di tích

Đáng nói, quyết định thu hồi 20.300 m2 đất của UBND tỉnh Quảng Bình đã đi ngược với chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL mới đây.

Theo văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình của Bộ VH-TT-DL ký hồi tháng 3/2020 cho thấy, cơ quan này mới có ý kiến thống nhất nội dung Quy hoạch chi tiết dự án này với ranh giới và phạm vi nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch giai đoạn 1 là 471.496,3m2.

Cũng tại văn bản này, Bộ đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình không xâm hại Di tích Suối nước khoáng Bang (nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Đường 16) là một trong số các điểm di tích thuộc hệ thống di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tại tỉnh Quảng Bình.

Bộ Văn hóa nhấn mạnh, yếu tố cấu thành giá trị của di tích gồm: khu vực bia di tích, hạng mục bể tắm của bộ đội Trường Sơn và đoạn suối cùng cảnh quan hai bên bờ suối (thuộc khu vực bảo vệ I của di tích) cần được bảo tồn. Do đó, UBND tỉnh Quảng Bình phải bổ sung hồ sơ đầy đủ hiện trạng và phương án bảo tồn các hạng mục công trình di tích.

Đồng thời, các hạng mục đầu tư xây dựng mới phục vụ việc khai thác du lịch không được làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn các giá trị di tích, tránh làm thay đổi địa hình để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trong khu vực. Không tổ chức xây dựng công trình tại khu vực phía nam khu quy hoạch thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Đường 16.

Bộ Văn hóa cũng đặc biệt lưu ý, đối với khu vực quy hoạch có hiện trạng là đất rừng sản xuất, rừng tự nhiên và việc chuyển đổi mục đích sử dụng cần được rà soát để đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Lam Nguyễn – Báo Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Những miệng nước nóng tự nhiên tại suối nước nóng suối Bang, Quảng Bình. Ảnh: Cộng đồng Travelers Việt Nam

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/doi-rung-lay-khu-nghi-duongnguy-co-pha-di-san-suoi-bang-3421503/