Doanh nghiệp khai thác cát gây sạt lở bờ sông, chính quyền nói gì?

Hơn 2 năm nay, những hộ dân sinh sống và có đất canh tác dọc sông Krông Nô, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông khá bức xúc về việc một số doanh nghiệp rầm rộ khai thác cát, gây sạt lở bờ sông, làm ảnh hưởng đến cuộc sống yên bình của người dân. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

Ruộng nương bỗng chốc “biến” thành sông

Giữa tháng 3/2023, phóng viên CAND đã có chuyến ngược sông Krông Nô (đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) để tìm hiểu thực tế. Từ chân cầu Nam Kar (giữa xã Nam Kar, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) với xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), đi men theo bờ sông khoảng 6km, phóng viên ghi nhận trên đoạn sông này có đến 5 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Phước Lộc; Doanh nghiệp tư nhân Văn Hồng; Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Quảng Phú… đang đua nhau khai thác cát.

Trên khúc sông này, có hơn chục chiếc tàu hút cát của các doanh nghiệp máy nổ rầm vang. Một số tàu còn tiến vào gần bờ sông khu vực sạt lở để hút cát. Có những đoạn sông bị ngoạm vào bờ hàng trăm mét, phải dừng khai thác nhưng các tàu hút cát vẫn ngang nhiên hoạt động hết công suất. Theo người dân, việc khai thác cát quá mức ở đoạn sông ngắn, cùng với hoạt động bất ngờ của thủy điện Chư Pông Krông (công suất 8MW, do Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc làm chủ đầu tư) vào cuối năm 2022 khiến nhiều đoạn sông bị sạt lở nghiêm trọng.

Ông Y Chim Niê, một hộ dân có ruộng tại đây than thở, mỗi năm sông lại lấn vào bờ mấy chục mét. Gia đình ông khiếu nại, công ty cát lại đến thỏa thuận bồi thường diện tích đất đã bị sạt lở để dân rút đơn. “Cuối năm 2022, nhà máy thủy điện Chư Pông Krông tích nước, xả đáy bất ngờ, thêm nhiều diện tích đất của dân lại sạt lở, “làm mồi” cho các tàu hút cát của Doanh nghiệp tư nhân Văn Hồng. Tôi nghe xã nói, theo quy định tàu hút cát phải cách bờ 20m nhưng đất sạt đến đâu tàu cũng lấn theo đến đó. Ruộng cứ sạt mãi, thành sông, thành cát cho họ hút hết cả rồi”, ông Y Chim bức xúc nói.

Một tàu hút cát ngay gần bờ sông khiến đất canh tác của người dân bị sạt lở nghiêm trọng.

Một tàu hút cát ngay gần bờ sông khiến đất canh tác của người dân bị sạt lở nghiêm trọng.

Cũng theo ông Y Chim Niê, trước phản ánh của người dân, mới đây, Công ty Hưng Phúc và Doanh nghiệp tư nhân Văn Hồng đã tiến hành thỏa thuận, bồi thường thiệt hại cho các hộ dân bị sạt lở đất. “Chúng tôi nhận tiền rồi. Tuy nhiên, với tình trạng khai thác cát rầm rộ, không được kiểm soát như thế này thì chỉ sợ năm sau sông lại ngoạm thêm vào bờ, ruộng vườn, nhà cửa… của người dân lại biến thành sông. Nguồn lợi thì các doanh nghiệp hưởng, dân mất đất canh tác lấy gì sống đây(?)”, ông Y Chim Niê lo lắng.

Đại diện Công ty Hưng Phúc cho biết, khi có yêu cầu của ngành chức năng, doanh nghiệp đã rà soát và bồi thường cho các hộ dân bị thiệt hại. “Việc sạt lở bờ sông diễn ra từ nhiều năm nay, do các đơn vị khai thác cát là chủ yếu, không thể đổ lỗi hết cho chúng tôi”, đại diện Công ty Hưng Phúc nói.

Phải cấm việc khai thác ở vùng sạt lở

Ông Nguyễn Chung Huy, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Nô cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, đã có 30 hộ dân tại xã Quảng Phú gửi đơn kiến nghị về việc đất canh tác bị sạt lở nghiêm trọng. “Hiện chỉ có Công ty thủy điện Hưng Phúc và 2 công ty khai thác cát là đối thoại, thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ tổng cộng khoảng 8 tỉ đồng cho tất cả các hộ dân. Riêng các công ty khác vẫn lặng thinh, chưa có báo cáo”, ông Huy nói.

Tàu hút cát đua nhau tiến gần bờ để khai thác cát.

Tàu hút cát đua nhau tiến gần bờ để khai thác cát.

Ông Nguyễn Chung Huy cho biết thêm, theo quy định các doanh nghiệp chỉ được khai thác cát cách bờ 20m. Nhưng bờ thời điểm ban đầu cấp phép hay lúc tàu đang hút lại chưa thấy quy định. Điều này dẫn đến việc sạt lở càng nghiêm trọng vì sông sạt đến đâu, tàu cát vào hút đến đó. “Huyện cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông kiểm tra, đánh giá lại tình hình diễn biến sạt lở bờ sông. Với những vùng sạt lở, đề xuất tạm dừng khai thác theo quy định tại Nghị định 23 của Chính phủ, để phục hồi môi trường”, ông Huy thông tin thêm.

Nói thêm về nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông kéo dài, nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đất canh tác cũng như cuộc sống của người dân, ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết, vào năm 2022, UBND tỉnh cũng như Sở đã có kết luận nguyên nhân chính là do nhà máy thủy điện Chư Pông Krông xả đáy.

Một đoạn sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng.

Một đoạn sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng.

“Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây, không phải mỗi do thủy điện làm sạt lở bờ sông mà có nhiều nguyên nhân cộng hưởng như địa chất, khai thác cát, hoạt động thủy điện. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông có kết luận nguyên nhân, yêu cầu Công ty thủy điện Hưng Phúc phối hợp với các công ty khai thác cát để đánh giá lại nguyên nhân gây sạt trượt khu vực này. Qua đó có phương án phục hồi bờ sông, bồi thường cho dân”, ông Minh nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói tỉnh đã họp, đã có kết luận, đề nghị phóng viên liên hệ với Văn phòng UBND tỉnh lấy văn bản.

Văn Thành – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Nhiều diện tích đất canh tác của người dân ngập chìm trong nước do tình trạng khai thác cát gây sạt lở.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/doanh-nghiep-khai-thac-cat-gay-sat-lo-bo-song-chinh-quyen-noi-gi–i687120/