Chất thải nguy hại có tính chất nguy hiểm, nếu quản lý không tốt sẽ gây nên những tác hại khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường.
Sau vụ việc đổ dầu thải gây “cuộc khủng hoảng” nước sạch sông Đà vừa qua, dư luận lại nóng lên câu chuyện quản lý chất thải nguy hại. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo với không chỉ cơ quan, doanh nghiệp mà ngay cả người dân khi không thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý chất thải nguy hại một cách có trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật.
Về báo cáo quản lý chất thải nguy hại (BCQLCTNH) mà chủ nguồn thải phải nộp định kỳ hàng năm cho cơ quan quản lý, thể hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải đối với công tác bảo vệ môi trường.
Thông qua báo cáo, cơ quan quản lý thống kê, theo dõi số lượng, phương pháp xử lý chất thải nguy hại (CTNH) mà chủ nguồn thải đã thực hiện từ ngày 01/01 đến 31/12 hàng năm và xem xét, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của chủ nguồn thải. Có 5 nội dung mà doanh nghiệp nên biết về báo cáo quản lý chất thải nguy hại. Cụ thể:
1.Những đối tượng nào phải lập BCQLCTNH?
Tất cả các Doanh nghiệp trong quá trình hoạt động có phát sinh CTNH.
2.Vì sao Doanh nghiệp phải lập BCQLCTNH?
Đó là trách nhiệm của chủ nguồn thải CTNH được quy định tại Khoản 6 Điều 7 Nghị định 38/2015/NĐ-CP và Khoản 6 Điều 7 Thông tư 36/2015/TT-BTNMT.
Nếu Doanh nghiệp không lập BCQLCTNH định kỳ sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
3.Thời gian nộp BCQLCTNH tới cơ quan quản lý?
Từ ngày 01/01 – 31/01 của năm tiếp theo.
4.Cơ quan nào thụ lý?
Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh CTNH.
5.Lập và nộp báo cáo như thế nào?
Lập BCQLCTNH định kỳ hàng năm (kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12) theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 (A) Thông tư 36/2015/TT-BTNMT và nộp Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo.
Trường hợp cơ sở phát sinh CTNH có thời gian hoạt động không quá 01 (một) năm, chủ nguồn thải CTNH chỉ báo cáo một lần trong thời hạn 01 (một) tháng kể từ ngày chấm dứt hoạt động.
Một số giải pháp:
Giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác quản lý chất thải nguy hại thời gian qua chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm của các chủ nguồn thải CTNH; tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý CTNH đối với các chủ nguồn thải, trong đó ngành công an và ngành tài nguyên và môi trường đã thực hiện nhiều đợt thanh, kiểm tra chuyên đề về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn địa phương mình quản lý.
Thông qua công tác thanh, kiểm tra đã nhắc nhở, chấn chỉnh những biểu hiện, hành vi chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Chất thải nguy hại chưa được thu gom, bảo quản lưu giữ theo đúng quy định; chưa thực hiện lập báo cáo định kỳ hàng năm hoặc lập báo cáo chưa đúng theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Đồng thời yêu cầu xử lý ngay những trường hợp vi phạm trong quá trình thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải nguy hại không đúng quy định của pháp luật nhằm hạn chế thấp nhất những vụ việc vi phạm, gây tác động xấu đến môi trường và cộng đồng dân cư.
Cùng với lực lượng chức năng, thiết nghĩ mỗi cá nhân, doanh nghiệp đều cần nâng cao ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
LUẬT SƯ ĐỒNG XUÂN THỤ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Vừa tuyên truyền nhắc nhở, vừa kiểm tra giám sát để từ đó phát hiện, xử lý ngay những trường hợp vi phạm trong quá trình thu gom, lưu giữ, chuyển giao CTNH không đúng quy định của pháp luật.