Dở dang dự án nghìn tỷ đồng vào tay Út ‘trọc’: Ai chịu trách nhiệm?

Ngày 22/6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình đã ký văn bản chấm dứt trước thời hạn Hợp đồng BOT (số 3233/HĐ.BOT-UBND) ngày 25/6/2016 giữa UBND TP HCM ký với Tập đoàn Yên Khánh do Đinh Ngọc Hệ (tức Út ‘trọc’) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, xây dựng tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương. Dự án này được tổ chức khởi công rầm rộ, nhưng chỉ xây dựng được mấy cái mố cầu, sau đó ngừng thi công cho đến nay. Hiện Út ‘trọc’ và nhiều đối tượng phạm pháp khác đã bị xử lý trách nhiệm hình sự vì vi phạm pháp luật, tham nhũng. Tuy nhiên, với hệ lụy của dự án nói trên, ai là người phải chịu trách nhiệm?

Bài 1: Vì sao phải chấm dứt hợp đồng BOT?

Tháng 6/2016, dự án đầu tư xây dựng tuyến nối cao tốc TP HCM – Trung Lương được Tập đoàn Yên Khánh và Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP HCM (Doanh nghiệp được thành lập để thực hiện dự án – PV) khởi công xây dựng rầm rộ, hoành tráng. Theo đó, dự án xây dựng có chiều dài 2,7 km (lộ giới 60 m), bao gồm xây dựng đường đô thị với 2 nút giao khác mức hai đầu tuyến và 2 cầu đường bộ trên tuyến.

Thời gian thi công dự kiến 20 tháng kể từ ngày khởi công công trình. Thời gian thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư công trình dự án khoảng 17 năm 8 tháng, tổng mức đầu tư là 1.557.518 triệu đồng.

Thế nhưng, sau đó, Tập đoàn Yên Khánh và Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP HCM đã ngừng thi công dự án này. Công trình trọng điểm này rơi vào cảnh “đắp chiếu phơi sương”, còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Yên Khánh là Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) và Tổng giám đốc tập đoàn là bà Vũ Thị Hoan vướng vào vòng lao lý.

Xung quanh dự án, UBND TP HCM, Sở GTVT và một số sở, ngành đã nhiều lần kiểm tra, có văn bản nhắc nhở Tập đoàn Yên Khánh và Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP HCM, về tiến độ thực hiện dự án. Ngày 10/9/2019, Sở GTVT TP HCM; UBND huyện Bình Chánh, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Bình Chánh, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình Giao thông Thành phố, Công ty BOT kiểm tra thực tế tại hiện trường, cho thấy công trình đã bị ngừng thi công hoàn toàn, không có thiết bị xe máy, nhân công hoạt động xây dựng.

Qua kiểm tra thực tế, nhà đầu tư đã được bàn giao 82% mặt bằng; sản lượng xây lắp chỉ đạt khoảng 140 tỷ đồng/ 1.143,6 tỷ đồng (chi phí xây lắp và chi phí thiết bị), tương đương 12%, Sở GTVT đã yêu cầu Tập đoàn Yên Khánh và doanh nghiệp dự án – Công ty BOT khắc phục trong vòng 90 ngày. Thế nhưng, 4 tháng trôi qua kể từ ngày Sở GTVT TP HCM ra “tối hậu thư”, công trình vẫn “đắp chiếu”. Trong khi đó, người dân thì bức xúc vì tuyến đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương thường xảy ra kẹt xe và không biết đến năm nào sẽ được đưa vào sử dụng.

Ngày 7/4/2020, Sở GTVT TP.HCM tiếp tục có văn bản yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện đúng hợp đồng BOT đã ký kết với Sở GTVT TP HCM. Nhà đầu tư Tập đoàn Yên Khánh và doanh nghiệp dự án – Công ty BOT đã không thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu và đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đối với phần việc liên quan đến hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán từng hạng mục công trình.

Còn đối với phần việc chứng minh nguồn tài chính để thực hiện các hạng mục khối lượng đã giao mặt bằng và cam kết bên vay đối với khối lượng trong phạm vi mặt bằng dự kiến bàn giao để hoàn thành toàn bộ dự án, nhà đầu tư Tập đoàn Yên Khánh và doanh nghiệp dự án Công ty BOT cũng không cung cấp được hồ sơ tài liệu đúng yêu cầu, đảm bảo thu xếp đủ nguồn vốn để thực hiện dự án theo đúng qui định.

Ngày 8/3/2021, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã có văn bản gửi cho Tập đoàn Yên Khánh, Công ty BOT và Sở GTVT TP HCM thể hiện rõ, để huy động vốn thực hiện dự án, Công ty BOT đã vay vốn tại ngân hàng Bưu điện Liên Việt với hạn mức 1.438.000.000.000 đồng. Đến nay nhà đầu tư Tập đoàn Yên Khánh không thực hiện đúng yêu cầu tại hợp đồng BOT về tiến độ thực hiện dự án từ tháng 6/2018. Ngoài ra, Tập đoàn Yên Khánh và Công ty BOT đã vi phạm hợp đồng tín dụng (số 002-17/HĐTD-NSG ngày 17/1/2017), không trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, khoản nợ đã chuyển thành nợ xấu.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình, Sở GTVT tổ chức nhiều cuộc họp với Sở Tư Pháp, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông và các sở ngành, huyện Bình Chánh để bàn về hợp đồng BOT (số 3233/HĐ.BOT-UBND ngày 25/6/2016) đã ký với Tập đoàn Yên Khánh.

Việc xử lý vi phạm, chấm dứt hợp đồng BOT dự án xây dựng tuyến nối cao tốc TP HCM – Trung Lương, là trường hợp chưa có tiền lệ tại TP HCM, liên quan đến nhiều lĩnh vực về tư pháp, tài chính,… Cuối cùng các sở, ngành đi đến thống nhất, chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT với công ty của Út “trọc”.

Mới đây, ngày 22/6/2021, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình ký văn bản thông báo về việc chấm dứt hợp đồng BOT, UBND thành phố giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND TP HCM thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT số 3233/HĐ.BOT-UBND ngày 25/6/2016 giữa UBND TP HCM và Tập đoàn Yên Khánh.

Việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và nhanh chóng triển khai xây dựng dự án là mong mỏi của người dân, bởi lẽ tuyến đường này thường xuyên xảy ra kẹt xe. Tuy nhiên, hậu quả nặng nề để lại suốt 6 năm qua, như lãng phí tài sản của Nhà nước, niềm tin của nhân dân đối với chính quyền thì ai chịu trách nhiệm?

Trung Lĩnh – Lê Anh – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Ảnh: Nhà đầu tư Út “trọc” xây mố cầu rồi để phơi sương năm này qua năm khác. Ảnh: H.L.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://daidoanket.vn/do-dang-du-an-nghin-ty-dong-vao-tay-ut-troc-ai-chiu-trach-nhiem-5656818.html