Định giá sính lễ tại đền, chùa khác gì ‘buôn thần bán phật’?

Câu chuyện chùa Phúc Khánh, Hà Nội từ chối dâng sao giải hạn chỉ vì người dân thiếu 50 ngàn đồng vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo ông Nguyễn Hùng Vỹ, nhà nghiên cứu văn hóa, “định giá” các sính, lễ “dâng sao giải hạn” ở đền, chùa chẳng khác gì hành vi “buôn thần bán phật”.

Chuyên gia nghiên cứu văn hóa nhấn mạnh: “Hiện tượng “dâng sao giải hạn” ồ ạt ở chùa Phúc Khánh nhiều năm nay gây ách tắc giao thông khiến dư luận bức xúc đã không còn là câu chuyện xa lạ”.

“Năm nào, thực trạng này cũng được báo chí phản ánh nhưng vì sao sự việc vẫn tiếp diễn?”, ông Nguyễn Hùng Vỹ đặt câu hỏi.

“Không thể đứng trên pháp luật hay vì một lý do nào đó mà dung dưỡng mãi các vấn đề gây bức xúc dư luận”, ông nói.

Ách tắc giao thông vì cúng dâng sao giải hạn.

“Dâng sao giải hạn được quy định 150.000 đồng/người. Người người thi nhau lạy, bái tràn ra bên ngoài làm ách tắc cả một con phố dài. Vậy mà bao nhiêu năm nay chính quyền vẫn không xử lý được”, chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho biết.

Ông tiết lộ, cách đây nhiều năm, khi tham gia một cuộc hội thảo về văn hóa tín ngưỡng, ông đã kiến nghị việc chuyển “dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh” sang một địa điểm khác. Nếu chưa thể có một giải pháp tốt nhất là ngăn chặn việc “dâng sao giải hạn” thì cách đầu tiên là chuyển địa điểm để giúp đường phố thông thoáng, giao thông đi lại được đảm bảo.

“Hoạt động dâng sao giải hạn gây cản trở giao thông, bức xúc dư luận kéo dài trong nhiều năm như vậy là bất chấp các quy định? Cần đặt câu hỏi vì sao chùa Phúc Khánh lại nổi tiếng về dâng sao giải hạn?”, nhà nghiên cứu văn hóa cho biết.

Về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, cư sĩ Giới Minh Ban, đại diện Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, đã nắm được những thông tin báo chí phản ánh.

“Dâng sao giải hạn là hoạt động tín ngưỡng dân gian. Hiện nay, chưa thể kết luận điều này tốt hay xấu. Nhưng nếu những hoạt động này làm ảnh hưởng đến đời sống người dân thì cần có sự xem xét để hạn chế. Trong Phật giáo, bất kỳ một nghi lễ nào cũng không được phép làm ảnh hưởng đến tín đồ”.

Theo cư sĩ Giới Minh Ban, sự việc người dân đi dâng sao giải hạn bị thiếu 50 ngàn đồng và bị từ chối cho thấy, hoạt động dâng sao giải hạn đã mang lại những lo lắng cho người đó.

“Nghi lễ tôn giáo cần làm cho con người cảm thấy bình an. Trường hợp ngược lại đã là phi tôn giáo. Cũng giống như việc dâng sao giải hạn, nếu hoạt động này khiến con người thêm lo âu, gây tranh cãi thì cần có những chế tài sớm để quản lý”.

Đại diện Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trường hợp chùa Phúc Khánh, cần có động thái dừng lại những hoạt động dâng sao giải hạn gây tranh cãi dư luận.

Phi Phi – Báo Lao Động

Theo Lao Động

Ảnh: Người dân tràn ra đường để vái lạy trước cửa chùa Phúc Khánh, Hà Nội.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodong.vn/van-hoa/dinh-gia-sinh-le-tai-den-chua-khac-gi-buon-than-ban-phat-657957.ldo