Hà Nội đang khẩn trương tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (QH1259) sau 10 năm triển khai thực hiện. Trong điều chỉnh quy hoạch lần này, nhiều tồn tại do vướng mắc về cơ chế sẽ được định hướng giải pháp cụ thể để đưa quy hoạch Thủ đô thật sự khả thi, hiệu quả, giá trị lâu dài, phục vụ phát triển bền vững…
Việc điều chỉnh quy hoạch sẽ đưa ra 2 nguyên tắc: Giữ nguyên dân số hiện tại các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái; Rà soát phân bổ lại dân số khu vực trung tâm
Giảm dân số xuống 0,8 triệu người ở khu vực nội đô lịch sử
Sau gần 10 năm cụ thể hóa QH1259, theo đánh giá của Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội, từ kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019 và Niên giám thống kê thành phố năm 2020, mật độ dân số đã phát triển cao hơn dự báo của QH1259. Dân số đô thị tại 12 quận của Hà Nội đã tăng 19,43%. Mật độ dân số trung bình tại các quận là 10.8330 người/km2. Mật độ dân số phát triển tại khu vực trung tâm đã đạt 9.570 người/km2, vượt gần gấp đôi so với dự báo. Đặc biệt, dân số thuộc khu vực nội đô lịch sử duy trì mật độ cao và đã vượt quá quy định. Dự kiến dân số khu vực này đến năm 2030 phải giảm còn 0,8 triệu người, nhưng đến nay quy mô đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người. Điều này tiếp tục lặp lại ở tại một số quận thuộc khu vực nội đô mở rộng (Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai). Chỉ có một số quận thành lập sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây (Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm) là còn có điều kiện về quỹ đất để phát triển đô thị, phát triển dân số và đảm bảo được các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch.
Theo báo cáo của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, định hướng QH1259, hệ thống đô thị của Hà Nội sẽ có tổng cộng 20 đô thị các loại, bao gồm: 1 đô thị trung tâm (tương đương đô thị loại đặc biệt), 5 đô thị vệ tinh (định hướng quy hoạch từ loại 1 đến loại 3); 3 đô thị sinh thái (định hướng quy hoạch từ loại 3 đến loại 4); và 11 thị trấn, huyện lỵ ngoại thành Hà Nội (định hướng quy hoạch thành đô thị loại 5). Cụ thể, đô thị vệ tinh Hòa Lạc được định hướng quy hoạch thành đô thị loại 1; đô thị vệ tinh Sơn Tây (bao gồm thị xã Sơn Tây) định hướng quy hoạch thành đô thị loại 2; đô thị vệ tinh Sóc Sơn (bao gồm thị trấn Sóc Sơn) định hướng quy hoạch thành đô thị loại 2; đô thị vệ tinh Xuân Mai (bao gồm thị trấn Xuân Mai) định hướng quy hoạch thành đô thị loại 1; đô thị về tỉnh Phú Xuyên (bao gồm thị trấn Phú Xuyên, Phú Minh) định hướng quy hoạch thành đô thị loại 3… Tuy nhiên, qua khảo sát thì các chỉ tiêu phát triển đô thị còn thiếu.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ đưa ra 2 nguyên tắc phân bổ dân số. Thứ nhất, giữ nguyên dân số tại các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái theo định hướng QH1259. Thứ hai, rà soát, phân bổ lại dân số khu vực trung tâm để đạt mức từ 10.000 – 12.000 người/km2, theo quy định của Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Trong đó, khu vực nội đô lịch sử vẫn kiên định chủ trương giảm dân số xuống 0,8 triệu người. Khu vực nội đô mở rộng cần hạn chế tăng dân số. Các khu vực phát triển mới gồm phía Bắc sông Hồng (chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng); phía Đông Vành đai 4 (chuỗi đô thị phía Đông Vành đai 4) cơ bản thuận lợi cho phát triển đô thị cần bổ sung thêm dân số để góp phần điều tiết dân số cho khu vực nội đô và sử dụng đất hiệu quả. Theo định hướng sẽ bổ sung cho khu vực phía Bắc sông Hồng thêm khoảng 1,2 – 1,5 triệu dân.
Hà Nội sẽ cập nhật, tích hợp từng quy hoạch các lĩnh vực vào QH1259 để khắc phục bất cập hiện nay (Trong ảnh: Giao lộ 4 tầng Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân)
Khắc phục tồn tại về hệ thống hạ tầng xã hội
Đánh giá chung về thực trạng hệ thống hạ tầng xã hội sau 10 năm thực hiện QH1259, báo cáo của Sở Quy hoạch kiến trúc cho thấy còn nhiều tồn tại. Theo QH1259, định hướng quy hoạch hệ thống dịch vụ thương mại gồm: trong khu vực đô thị trung tâm sẽ xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại Mễ Trì (quy mô 120ha); xây dựng Trung tâm Tài chính ngân hàng (khoảng 20ha/khu) và xây dựng mới Trung tâm Hà Nội Expo ở Đông Anh (khoảng 50ha); xây dựng mới Trung tâm Tài chính thương mại quốc tế (khoảng 50ha) tại khu vực Tây Hồ Tây; xây mới Trung tâm Dịch vụ thương mại Tài chính ngân hàng tại các khu đô thị Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín – Thanh Trì (khoảng 10-30 ha/khu); hình thành mới các Trung tâm Thương mại tổng hợp cấp thành phố (10-15ha/khu) tại Thượng Đình, Vĩnh Tuy… Hình thành mạng lưới các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ theo các cấp phục vụ. Hình thành 2 khu dịch vụ tiếp vận trung chuyển hàng hóa (logistics) tại Sóc Sơn và Phú Xuyên; hình thành mạng lưới chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng (diện tích từ 20-30ha/chợ) gắn với các vùng nông nghiệp rau, hoa, quả sản lượng cao tại 5 khu vực: phía Bắc (Mê Linh), phía Nam (Phú Xuyên), phía Tây (Quốc Oai), phía Đông (Long Biên, Gia Lâm), phía Tây Bắc (Sơn Tây). Hình thành mạng lưới trung tâm bán buôn và mua sắm cấp vùng (diện tích khoảng 20ha/trung tâm) gắn với khu vực đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và các đầu mối giao thông liên vùng tại Sóc Sơn, Phú Xuyên, Hòa Lạc, Chúc Sơn, Gia Lâm.
Tuy nhiên theo Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, qua gần 10 năm thực hiện QH1259, toàn thành phố mới có 29 trung tâm thương mại (đạt 30,2%), 127 siêu thị (đạt 12,7%), 458 chợ (đạt 75,7%). Tiến độ triển khai các quy hoạch, dự án phát triển còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ đề ra (đặc biệt là việc phát triển các chợ đầu mối logistics phân phối nông sản vùng theo từng khu vực)
Về định hướng quy hoạch mạng lưới giáo dục, đào tạo, theo các quy định của QH1259 thì sẽ di dời quy mô đào tạo tập trung tại khu vực các quận huyện nội thành hiện nay ra các khu vực đô thị vệ tinh, hình thành các khu đào tạo đại học tập trung với hệ thống hạ tầng đồng bộ. Định hướng đến năm 2030 quy mô đào tạo khu vực Thủ đô Hà Nội khoảng 65 – 70 vạn sinh viên, chiếm 40% tổng số sinh viên vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên đến nay, việc điều chỉnh phân bố mạng lưới các trường đại học, cao đẳng chưa đạt yêu cầu; chưa hình thành đô thị đại học tại Hòa Lạc do các trường đại học chưa di dời về đây. Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị đại học, quần thể các trường đại học đồng bộ, hiện đại cả về kiến trúc lẫn hạ tầng tại khu vực các huyện, thị xã: Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Chúc Sơn vẫn chưa được triển khai. Nhiều trường đại học, cao đẳng vẫn chưa di dời ra khỏi nội đô là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
Đáng chú ý, theo Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, quá trình triển khai các đồ án quy hoạch và giải quyết các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế đã bộc lộ một số bất cập. Các bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực nội thành cơ bản không còn quỹ đất để mở rộng, tầng cao bị hạn chế. Việc thực hiện di dời các cơ sở y tế gây ô nhiễm tại khu vực nội thành theo định hướng QH1259 và Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ còn chậm và chưa đồng bộ do có nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách. Do đó, việc kiểm soát quỹ đất sau khi di dời để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật còn thiếu trong khu vực gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được. Các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến Trung ương ngày càng phình to dẫn đến gây áp lực, quá tải về hệ thống hạ tầng giao thông. Các bệnh viện, cơ sở y tế của Hà Nội đầu tư không nhiều và tiến độ chậm. Các bệnh viện, cơ sở y tế chưa gắn với các cơ sở đào tạo, sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế, thuốc, trung tâm nghiên cứu. Để dần từng bước khắc phục các tồn tại như nêu trên cần thay đổi phương pháp tiếp cận về quản lý (bao gồm cả quy hoạch xây dựng), tăng cường phân cấp; đánh giá lại việc di dời các bệnh viện ra khỏi nội để cho phù hợp; quy hoạch các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu, dược phẩm gắn với các bệnh viện hoặc ngược lại.
Từ thực trạng đó, Hà Nội sẽ cập nhật, tích hợp từng quy hoạch các lĩnh vực vào QH1259 để khắc phục bất cập hiện nay cũng như đề xuất cơ chế, các giải pháp tháo gỡ về cơ chế để huy động vốn, xã hội hóa thu hút đầu tư…
KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Nên tổ chức thi ý tưởng quy hoạch, chọn tư vấn nước ngoài
Là đô thị đặc biệt, lại là Thủ đô của cả nước nên Hà Nội cần phải có cách làm khác. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam hiện đạt trên 40%, cao nhất Đông Nam Á, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ quy hoạch cả nước chưa đạt yêu cầu. Chất lượng đô thị, chất lượng quy hoạch đô thị chưa tốt, nhất là vấn đề dự báo phát triển kinh tế – xã hội. Vẫn còn sự chồng chéo trong công tác quy hoạch giữa các ngành, các cấp… Giải pháp trong tương lai phải rà soát, đánh giá công việc cụ thể đối với những việc đã làm trong 10 năm qua, và có dự báo chiến lược. Trong khi chúng ta đang gặp khó khăn trong triển khai Luật Quy hoạch, hiện chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng thì việc triển khai quy hoạch tỉnh làm như thế nào là vấn đề thách thức đối với các địa phương trong giai đoạn này. Giải pháp đối với Hà Nội là ngoài định hướng, chương trình mục tiêu, thành phố cần có một tư vấn tốt. Do đó, Hà Nội nên tổ chức thi, có lựa chọn tư vấn nước ngoài để cùng các sở, ngành xây dựng ý tưởng quy hoạch, khai thác triệt để về tài nguyên, thiên nhiên, con người, xây dựng Thủ đô xứng tầm là niềm kiêu hãnh của cả nước.
Ông Tô Anh Tuấn – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội: Phát triển đô thị theo dự báo kinh tế – xã hội
Các báo cáo của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội còn có những vấn đề quan trọng chưa được đề cập như phân tích về diện tích đất đô thị và quy mô dân số. Do đó, rất cần có đánh giá tổng hợp về các lĩnh vực để tạo sự đồng bộ trong việc sử dụng đất đô thị thời gian tới. Về cơ bản QHC1259 có ý tưởng tốt với mô hình không gian phát triển phù hợp là 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái… Trong việc điều chỉnh quy hoạch tới đây nên duy trì mô hình này. Tuy nhiên, QHC 1259 chưa khả thi trong triển khai thực tế do dự báo về phát triển kinh tế – xã hội quá lạc quan. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch tới đây cần tập trung vào việc dự báo phát triển kinh tế – xã hội làm nền tảng cho phát triển đô thị.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Cần cơ chế đặc thù để thu hồi đất trụ sở các bộ/ngành sau khi di dời
Việc Hà Nội triển khai thực hiện song song 2 nhiệm vụ: Vừa tổ chức lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng là quyết sách rất sáng tạo của Thành ủy, UBND TP, do đó cần tổ chức triển khai quyết liệt. Đặc biệt, trong lần điều chỉnh quy hoạch này cần chú ý đến điều chỉnh gia tăng dân số; có lộ trình huy động trí tuệ, nguồn lực của toàn thể nhân dân. Tôi nhất trí với các mục tiêu mà nhiệm vụ quy hoạch đề ra, tuy nhiên nên thận trọng trong việc nghiên cứu mô hình “Thành phố trong thành phố”.
Vấn đề di dời trụ sở các bộ/ngành, cơ sở y tế, giáo dục, công nghiệp ra khỏi nội thành đã được đặt ra từ Quy hoạch chung Hà Nội năm 1998 đến Quy hoạch chung năm 2011. Sau đó đến năm 2015, Thủ tướng đã có Quyết định 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất, nhưng đến nay ta chưa làm được. Một số bộ/ngành đã di dời sang cơ sở mới, nhưng vẫn giữ trụ sở cũ vì còn thời hạn giao đất theo Luật Đất đai. Do đó, Hà Nội rất cần một cơ chế đặc thù, sớm thu hồi đất để thực hiện theo đúng chủ trương của Thủ tướng là xây dựng các không gian xanh và công trình công cộng. Chính phủ cũng cần có giải pháp cân đối ngân sách cho các bộ/ngành để các đơn vị có đủ nguồn lực sớm xây dựng trụ sở mới.
Phú Khánh – Báo ANTĐ
Theo An ninh Thủ đô
Xem bài viết gốc tại đây: