Ngày 29/9/2023, Sở Tài chính TP. Hà Nội có Công văn số 5650/STC-QLG gửi Sở TN&MT, về việc thẩm định phương án giá duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.
Ngay sau khi Sở Tài chính Hà Nội ban hành Công văn số 5650/STC-QLG gửi Sở TN&MT, Luật sư Trương Xuân Hải, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đã chia sẻ về vấn đề này với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Theo Luật sư Trương Xuân Hải, tại mục 5, phần B văn bản số 5650/STC-QLG ngày 29/9/2023 của Sở Tài chính, liên ngành thống nhất mức lương cơ sở bằng theo đề xuất của Sở TN&MT cập nhật là 1,8 triệu đồng/tháng theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023. Đồng thời, liên ngành thống nhất đề nghị của Sở TN&MT căn cứ nguyên tắc xác định hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương bằng mức lương tối thiểu vùng của lao động đã qua đào tạo : (chia) mức lương cơ bản của nhân công tính theo bậc bình quân”.
Sở Tài chính Hà Nội ban hành công văn số 5650/STC-QLG gửi Sở TN&MT
Bảng so sánh hệ số đảm bảo thu nhập tại Hà Nội.
Luật sư Hải cho rằng, việc xác định hệ số điều chỉnh tăng thêm của Sở Tài chính Hà Nội là chưa hợp lý, khi tiếp tục đi ngược lại chủ trương tăng lương Chính phủ, để đảm bảo cuộc sống của người lao động.
Cụ thể: Tại Quyết định 453/QĐ-MTĐT ngày 21/1/2021 áp dụng hệ số tăng thêm tiền lương là 1,5 thì mức lương bình quân của người lao động trực tiếp trong lĩnh vực VSMT tại Hà Nội là 5.162.850 đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập thấp hơn 17,26% so với mức lương bình quân được công bố tại Quyết định 820/QĐ-UBND ngày 20/2/2020 về việc công bố giá nhân công xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội (mức lương bình quân công bố là 6.240.145 đồng/người/tháng), không đảm bảo thu nhập cho người lao động sinh sống tại khu vực đô thị loại đặc biệt.
Trong khi đó, theo Điều 4, Thông tư số 17/2019/TT-BLĐTBXH ngày 6/11/2019 của Bộ LĐTB&XH quy định hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương không vượt quá 1,2 đối với địa bàn thuộc vùng I (tương đương hệ số là 2,2); không quá hệ số 0,9 đối với vùng II (tương đương 1,9); không quá hệ số 0,7 đối với vùng III (tương đương 1,7); không quá 0,5 đối với vùng IV (tương đương 1,5). Địa bàn thuộc vùng I, II, III, IV được thực hiện theo địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
“Nhiều lúc cảm thấy buồn, bất mãn với công việc bởi công sức, sức khỏe của mình bỏ ra mà người ta không tôn trọng, cho là nghề thấp hèn, lương bèo bọt, không đủ sống”, một công nhân chia sẻ.
” Nếu áp dụng hệ số điểu chỉnh tăng thêm tiền lương là 1,2 (theo Công văn số 5650/STC-QLG ngày 29/9/2023 của Sở Tài chính Hà Nội) thì tiền lương của người lao động đang là 5.162.850 đồng/tháng (Quyết định 453/QĐ-UBND ngày 21/2/2021) bị giảm xuống còn là 4.989.600 đồng/tháng (theo Công văn số 5650/STC-QLG ngày 29/9/2023) là chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, là mục đích của tăng lương cơ sở là tăng thu nhập người lao động để họ có thể sống được bằng lương và chăm lo cho gia đình bằng tiền lương – thu nhập chính thức từ cơ quan tổ chức.”, Luật sư Trương Xuân Hải phân tích.
Quét rác là cái nghề vất vả nhưng lại ít được xã hội coi trọng, bởi làm nghề này lúc nào cũng phải tiếp xúc với chất thải, rác. Bộ trang phục thường trông cũ kỹ bởi họ phải mặc hàng ngày và phải đến những nơi bụi bẩn, hôi hám. Vì thế có những người xa lánh, khinh bỉ công nhân quét rác. Chia sẻ về những vất vả trong công việc, anh H không giấu được nỗi buồn. Theo lời của anh, thời gian đầu làm công nhân quét rác rất khó khăn vì cái nhìn kỳ thị của mọi người. “Nói thật, tôi cảm thấy buồn khi người ta nhìn mình bằng ánh mắt ái ngại. Trong suy nghĩ của nhiều người, quét rác là công việc… bẩn! Nhưng đối với tôi, đó là lao động chân chính” “Nhiều lúc cảm thấy buồn, bất mãn với công việc bởi công sức, sức khỏe của mình bỏ ra mà người ta không tôn trọng, cho là nghề thấp hèn, lương bèo bọt, không đủ sống. Hầu hết anh em vào làm công nhân môi trường đều bởi hoàn cảnh gia đình nghèo khó, nay lương lại quá thấp thế này, tôi sẽ nghỉ việc để đi chạy xe ôm công nghệ…”, anh H cho biết thêm. Công nhân vệ sinh môi trường thường được ví như những chú ong chăm chỉ, cần mẫn và đầy trách nhiệm vì một môi trường trong lành, phố phường sạch đẹp. Họ là những “anh hùng thầm lặng” vì một thành phố “Xanh – Sạch – Đẹp”. Hằng đêm, sau không khí ồn ào, xô bồ của người dân phố thị thì các “anh hùng thầm lặng” lại xuống đường, bắt đầu công việc của mình. Bất kể thời tiết nắng hay mưa. Họ làm việc miệt mài, không nghỉ để duy trì sự sạch sẽ và an toàn cho cộng đồng. Nhiệm vụ của họ thường làm những công việc như thu gom, phân loại rác thải và quét rác ở các phố phường. Các công nhân quét rác lúc nào cũng tiếp xúc với chất thải, mùi hôi, bụi bẩn. Bởi thế, trong xã hội ngày càng hiện đại, thì đâu đó vẫn còn một số ít người ít coi trọng. Mặc dù công việc quét rác bị xem thường nhưng công việc này vẫn là một phần rất quan trọng của hệ thống đô thị. Những người làm nghề này đảm bảo rằng chúng ta sống trong một môi trường sạch sẽ và an toàn. Họ đóng góp vào việc duy trì sự cân bằng môi trường, giúp hạn chế tác động tiêu cực của rác thải đến môi trường. |
Hồng Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)