Điều chỉnh định hướng, quy hoạch về chính sách chiếu sáng công cộng đô thị Việt Nam

Trong khoảng trên 10 năm vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, chiếu sáng công cộng tại các đô thị ở nước ta đã có những bước tiến mạnh mẽ.

Tại Hội nghị Chiếu sáng toàn quốc năm 2022 do Hội Chiếu sáng Việt Nam tổ chức ngày 14/6/2022 tại Hà Nội, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng đã có những ý kiến tham luận về “Điều chỉnh định hướng, quy hoạch về chính sách chiếu sáng công cộng đô thị Việt Nam hướng tới bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường”. Dưới đây chúng tôi xin được dẫn lại để quý độc giả theo dõi.

Khái quát tình hình triển khai thực hiện định hướng và các văn bản quy  định về chiếu sáng đô thị Việt Nam trong thời gian qua 

Chiếu sáng đô thị là một thành phần cấu thành không thể thiếu trong hệ thống  công trình kỹ thuật cơ sở hạ tầng đô thị, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an  toàn giao thông, tăng cường trật tự an ninh đô thị, làm đẹp cảnh quan môi trường, tăng  tính thẩm mỹ cho đô thị, đặc biệt là vẻ đẹp về ban đêm của các đô thị. 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chiếu sáng đô thị trong thời gian trên  10 năm trở lại đây đã được các cấp từ trung ương đến địa phương chú ý hoàn thiện.  Quy định về chiếu sáng đô thị được đề cập trong các Luật như Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2003, 2014, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 2010.  

Năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2009/NĐ-CP về Quản lý  chiếu sáng đô thị, đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng làm nền tảng cho công  tác quản lý nhà nước về chiếu sáng đô thị. Năm 2022 là năm thứ 13 thực hiện Nghị định số 79/2009/NĐ-CP về Quản lý chiếu sáng đô thị của Chính phủ. Kể từ khi Nghị định được ban hành cho đến nay, việc thực hiện đã thu lại được nhiều kết quả tích cực. 

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1874/QĐ-TTg Phê  duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025, trong đó đặt ra  mục tiêu về chiếu sáng đô thị cùng với các chỉ tiêu, giải pháp cho từng mốc giai đoạn đến năm 2025.  

Có thể nhận thấy, mục tiêu và nội dung các quy định của các văn bản quy phạm  pháp luật về quản lý chiếu sáng đô thị đều hướng tới việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất  chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng, tạo lập hệ thống chiếu sáng đô thị tốt hơn để phục vụ  cộng đồng dân cư đô thị đồng thời bảo đảm bảo vệ môi trường.

Các quy định về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý khai thác vận hành  hệ thống chiếu sáng đô thị; các chỉ tiêu hướng tới trong Định hướng chiếu sáng đô thị  Việt Nam đến năm 2025 đều thể hiện yếu tố bảo vệ môi trường và phục vụ các hoạt  động đô thị. 

Trong khoảng trên 10 năm vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, chiếu sáng công cộng tại các đô thị ở nước ta trong những năm qua đã có những bước tiến  mạnh mẽ, từ chỗ chiếu sáng nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản, nay đã tiến tới chiếu sáng đáp ứng nhu cầu về mỹ quan đô thị và chiếu sáng hiệu quả tiết kiệm năng lượng.  

Nhìn nhận lại quá trình trên 10 năm qua, có thể thấy công tác quản lý chiếu sáng  đô thị đã đạt được các kết quả nhất định, cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cơ  bản trong định hướng chiếu sáng đô thị, các kết quả đạt được có thể sơ lược như sau. 

– Công tác hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chiếu sáng đô thị Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chiếu sáng đô thị đã được hoàn thiện  cho công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, đến công tác quản lý vận hành khai thác, tạo  điều kiện thuận lợi trong thực tế triển khai, trong đó có các văn bản chuyên biệt cho  lĩnh vực chiếu sáng như Nghị định số 79/2009/NĐ-CP về Quản lý chiếu sáng đô thị cùng với các thông tư kèm theo. 

Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị cũng  được chú ý rà soát ban hành như Quy chuẩn QCVN 07-7:2016/BXD Quy chuẩn kỹ  thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật Đô thị; Quy chuẩn QCVN 01:2021/BXD  Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng; Quy chuẩn QCVN  09:2017/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng  lượng hiệu quả. Các Quy chuẩn này hiện vẫn đang được tiếp tục rà soát bổ sung các nội  dung về chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. 

– Về một số chỉ tiêu chính đặt ra trong Định hướng chiếu sáng đô thị Việt Nam  đến năm 2025

+ Đối với chỉ tiêu các công trình giao thông, không gian công cộng, quản cáo sử dụng các sản phẩm chiêu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện. Tại thời điểm năm 2010  (năm ban hành Quyết định số 1874/QĐ-TTg), khi mà công nghệ LED chưa phát triển  thì các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao có thể kể đến gồm bóng đèn huỳnh quang  compact, bóng đèn sodium cao áp, bóng đèn metal halide, cùng với LED thì đây là các  nguồn sáng được sử dụng trong gần như toàn bộ hệ thống chiếu sáng đô thị hiện nay.  Do vậy, có thể đánh giá rằng đến nay chỉ tiêu này tại các đô thị hầu hết bảo đảm được  mục tiêu đặt ra trong định hướng. 

+ Đối với chỉ tiêu tỷ lệ chiếu sáng đường phố các đô thị, hiện nay hầu hết các  đường phố chính cấp đô thị các đô thị từ loại III trở lên đều đạt tỷ lệ chiếu sáng 100%,  các đường ngõ xóm cũng đạt trên 70%, do vậy chỉ tiêu này bảo đảm như định hướng  đặt ra. 

+ Chỉ tiêu đến năm 2025 các công trình sử dụng (30-50)% đèn năng lượng mặt  trời, đến nay chỉ tiêu này không đạt yêu cầu do việc sử dụng đèn năng lượng mặt trời  cho chiếu sáng đô thị còn nhiều vấn đề bất cập và không hợp lý. 

+ Chỉ tiêu hoàn thành quy hoạch chiếu sáng đô thị các thành phố trực thuộc trung  ương, đây là chỉ tiêu không đạt được theo định hướng. Hiện nay có 3 thành phố triển  khai lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng chiếu sáng đô thị là TP. Hải Phòng, TP. Đà  Nẵng, TP. Cần Thơ nhưng mới chỉ có thành phố Đà Nẵng hoàn thành và phê duyệt đồ án. Hai thành phố đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thậm chí chưa tổ chức lập  quy hoạch này. 

Các vấn đề tác động và nhu cầu điều chỉnh định hướng, quy định về chính  sách chiếu sáng đô thị trong thời gian tới 

Nghị định số 79/2009/NĐ-CP về Quản lý chiếu sáng đô thị được Chính phủ ban  hành năm 2009, Quyết định số 1874/QĐ-TTg Phê duyệt định hướng phát triển chiếu  sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2010,  đến nay đã được trên 10 năm, hiện nay đã có nhiều thay đổi từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, về các doanh nghiệp quản lý vận hành khai thác hệ thống chiếu sáng  đô thị, về sự thay đổi của công nghệ chiếu sáng; về những yêu cầu mới đáp ứng đô thị thông minh và trên hết là đòi hỏi việc hoàn thiện hơn nữa hệ thống chiếu sáng đô thị tương đồng với sự phát triển kinh tế – xã hội đô thị, là cho hệ thống chiếu sáng không  chỉ đáp ứng nhu cầu về công năng mà còn phải đẹp, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng bảo  vệ môi trường. Một số vấn đề có tác động lớn đến lĩnh vực chiếu sáng đô thị có thể kể ra như dưới đây. 

– Sự thay đổi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. 

So với thời điểm năm 2010 thì hầu hết hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng,  đấu thầu… đã có sự thay đổi và ban hành mới như Luật Xây dựng 2014, Luật Đầu tư  2020, Luật đầu tư công 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, Luật  Đấu thầu 2013…, chỉ có Luật Quy hoạch đô thị 2009 là còn đang có hiệu lực. Các Luật  trên cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn đã có tác động lớn đến công tác quản lý lĩnh  vực chiếu sáng đô thị. 

– Sự phát triển của khoa học công nghệ và nhu cầu mới đáp ứng đô thị thông  minh 

Hiện nay, khoa học công nghệ về chiếu sáng đã và đang có những bước phát triển  rất nhanh chóng, tác động rất lớn đến mọi mặt của chiếu sáng và công tác quản lý chiếu  sáng công cộng đô thị. 

Công nghệ chiếu sáng sử dụng nguồn sáng LED trong chiếu sáng đô thị hiện nay  đã đạt đến mức độ như là công nghệ tham chiếu trong chiếu sáng hiệu quả tiết kiệm  năng lượng. 

Về thiết bị chiếu sáng, các thiết bị chiếu sáng không chỉ ngày càng hiệu quả, tiết  kiệm năng lượng mà đến nay hệ thống chiếu sáng còn được tích hợp các công năng  khác phục vụ cho các hoạt động của đô thị, tham gia vào sự phát triển của đô thị thông  minh. Hiện nay trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng xây dựng đô thị thông minh dựa trên nền tảng internet kết nối vạn vật thì chiếu sáng thông minh là  một thành tố quan trọng trong đô thị thông minh. 

Đô thị thông minh mà trong đó có chiếu sáng thông minh hiện đang là một trào  lưu và là một trong các nhiệm vụ được đặt ra đối với quá trình phát triển đô thị nước ta. 

Một đặc điểm khác ảnh hưởng đến công tác chiếu sáng và quản lý chiếu sáng đó  là tốc độ phát triển rất nhanh của thiết bị chiếu sáng. Những năm gần đây, thiết bị chiếu  sáng ngày càng hoàn thiện hơn không chỉ hiệu quả trong chiếu sáng mà còn đẹp hơn và  giá thành thấp hơn, điều quan trọng là tốc độ thay đổi này ngày càng ngắn hơn. Vấn đề này một mặt đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, nhưng một mặt khác cũng đưa đến một  số khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về chiếu sáng, đòi hỏi sự thay đổi và thích  ứng nhanh của các văn bản quy phạm pháp luật, của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn. 

Trong bối cảnh mới, việc điều chỉnh nội dung các quy định chính sách, điều chỉnh  định hướng chiếu sáng đô thị Việt Nam là việc rất cần thiết để tạo mục tiêu phù hợp  trong hoàn cảnh mới, tạo điều kiện để lĩnh vực chiếu sáng đô thị được phát triển. 

Một số vấn đề chính trong việc điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật  và định hướng chiếu sáng đô thị Việt Nam trong giai đoạn tới 

Về một số vấn đề trong điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

– Nghiên cứu về hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực chiếu sáng, ví dụ như  mô hình công ty dịch vụ năng lượng ESCO. Muốn vậy, trước tiên các quy định của  pháp luật về hợp tác công tư hiện nay cần phải bổ sung lĩnh vực chiếu sáng đô thị vào  danh mục được phép triển khai để làm cơ sở pháp lý cho công tác thực hiện. Hiện nay,  Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 chưa đưa lĩnh vực chiếu sáng đô  thị vào trong danh mục, do vậy không có cơ sở để thực hiện hình thức này (Theo quy  định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao  nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên thì dịch vụ chiếu sáng đô thị là dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng).  – Sửa đổi Nghị định số 79/2009/NĐ-CP về Quản lý chiếu sáng đô thị, trong đó  bổ sung một số nội dung về chiếu sáng thông minh, các chính sách ưu đãi, khuyến khích  chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng; bổ sung lại quy định hướng dẫn hợp đồng  đồng quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị. 

– Nghiên cứu quy định về lựa chọn đơn vị quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng  đô thị tiến tới thị trường hóa dịch vụ chiếu sáng đô thị, đáp ứng tình hình cổ phần hóa  các doanh nghiệp nhà nước hiện thực hiện công tác quản lý vận hành hệ thống chiếu  sáng đô thị theo chủ trương của Chính phủ tại Quyết định sô 22/2021/QĐ-TTg ngày  02/7/2021 về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước  thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025. 

– Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức đơn giá cần được cập nhật,  bổ sung các công nghệ chiếu sáng mới. 

Về điều chỉnh định hướng chiếu sáng đô thị Việt Nam 

– Điều chỉnh mục tiêu tổng quát 

+ Bổ sung nội dung chiếu sáng thông minh vào trong mục tiêu tổng quát của định  hướng để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị thông minh hiện nay. 

+ Quan điểm sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong chiếu sáng đô thị có thể vẫn được đặt trong mục tiêu tổng quát, tuy nhiên có thể giảm nhẹ nội dung này  cho phù hợp với thực tế hiện nay. 

– Về các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể 

+ Bổ sung một số chỉ tiêu về chiếu sáng thông minh trong định hướng mới. Hầu  hết các chỉ tiêu trong Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025  tại QĐ sô 1874/QĐ-TTg đều nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của hệ thống chiếu  sáng, nâng cao hiệu suất của hệ thống chiếu sáng mà chưa đề cập đến yếu tố thông minh trong hệ thống chiếu sáng đô thị. Do vậy cần bổ sung một số chỉ tiêu về chiếu sáng  thông minh trong định hướng mới. 

+ Rà soát lại các chỉ tiêu về chiếu sáng sử dụng nguồn sáng hiệu suất cao, tiết  kiệm điện; chỉ tiêu tỷ lệ đường phố được chiếu sáng để điều chỉnh phù hợp với giai  đoạn tới, trong đó đối với chỉ tiêu chiếu sáng sử dụng nguồn sáng hiệu suất cao tiết  kiệm điện có thể ấn định luôn là sử dụng nguồn sáng LED. 

+ Rà soát, cân nhắc điều chỉnh hoặc bỏ chỉ tiêu các công trình sử dụng đèn năng  lượng mặt trời. 

+ Có thể nghiên cứu bổ sung mục tiêu hoặc chỉ tiêu về bảo đảm chống ô nhiểm  ánh sáng trong chiếu sáng đô thị. 

+ Các chỉ tiêu cụ thể khác cần được rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với yêu  cầu của giai đoạn mới. 

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao trong lĩnh vực quản lý chiếu  sáng đô thị, Bộ Xây dựng trong thời gian sắp tới sẽ đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh Nghị định số 79/2009/NĐ-CP về Quản lý chiếu sáng đô thị và điều chỉnh Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 để phù hợp với tình hình mới trong giai đoạn hiện nay của đất nước, để hệ thống chiếu sáng đô thị ngày càng phục vụ tốt hơn công đồng đô thị và bảo vệ môi trường.

(Tham lận của Cục Hạ tầng Kỹ thuật – Bộ Xây dựng 
tại Hội nghị Chiếu sáng toàn quốc năm 2022)