Sau 15 lần cực chẳng đã, người dân sinh sống gần Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn) ở xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội phải chặn hàng trăm xe rác đổ về từ nội thành vì chậm trễ giải quyết đền bù, nhưng bức xúc hơn cả là mùi hôi thối bủa vây môi trường sống.
Tránh sao được ô nhiễm khi người dân ở gần khu tập kết rác lớn nhất Hà Nội, trong đó 89% số rác tiếp nhận mỗi ngày xử lý bằng cách chôn lấp thông thường, só rác còn lại xử lý bằng việc đốt không phát điện. Việc xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện (điện rác) vẫn là giải pháp ở tương lai.
Hà Nội và cái vòng luẩn quẩn
Tối 23/10/2020, người dân thuộc xã Hồng Kỳ, xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) rủ mang bàn ghế ra ngồi ven đường, họ căng bạt để chặn đường vào hai cổng của khu xử lý chất thải Sóc Sơn. Vụ việc khiến 700 xe chở rác không vào được điểm đổ, gây ùn tắc dài trên đường tỉnh 35. Việc chặn xe rác diễn ra ngay sau buổi làm việc, thúc tiến độ giai đoạn 2 của dự án xử lý rác tại Nam Sơn của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng.
Chính quyền xã Nam Sơn và xã Hồng Kỳ đã có mặt tại địa điểm ngăn xe để tuyên truyền, vận động người dân không chặn xe vào bãi rác. Nhưng người dân do bức xúc quá vẫn bất chấp đêm muộn đứng chặn xe rác. Lý do người dân chặn xe rác vẫn như mọi lần, đó là mong muốn sớm nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng để di dời khỏi khu vực bán kính 500m quanh bãi rác. Điều này sau rất nhiều lần đối thoại giữa chính quyền TP Hà Nội với người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Bức xúc hơn, đó là cuộc sống mòn mỏi bên cạnh ô nhiễm, nguy cơ sức khỏe của họ bị đe dọa.
Thống kê của TP Hà Nội, hàng ngày, Khu liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn tiếp nhận khoảng 5.000 tấn và khối lượng rác tiếp nhận đang bị vượt công suất thiết kế gần 50% (hơn 2 triệu tấn). Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Cuộc chặn rác tháng 10/2020 không phải là lần đầu tiên người dân Sóc Sơn bức xúc. Trước đó, vào giữa tháng 7/2020, bãi rác bị chặn trong 5 ngày, thành phố đã phải phân luồng xe chở rác lên bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây) và các bãi tạm, nhưng vẫn ùn ứ. Đây là lần chặn rác thứ hai trong năm 2020, nhưng là lần thứ 15 kể từ khi Khu xử lý rác thải Sóc Sơn đi vào hoạt động.
Cách đây 20 năm, dự án xử lý rác ở Nam Sơn mang tính “tiên phong” trên cả nước từng được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề môi trường cho Thủ đô. Nhưng sau từng ấy năm, 89% trong số 7.000 tấn rác mỗi ngày đổ về Nam Sơn vẫn chỉ được xử lý bằng cách chôn lấp truyền thống.
Ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch huyện Sóc Sơn cho biết, sau hơn 20 năm hoạt động, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn hiện nay tiếp nhận với công suất lên đến trên 5000 tấn/ngày, đêm; xử lý chất thải sinh hoạt cho 17/31 quận, huyện, chiếm 77% lượng rác của toàn thành phố. Lượng nước rỉ rác thu được từ các ô chôn lấp rác hiện nay khoảng trên 2.000m3/ngày đêm và lượng nước tồn đọng chưa kịp xử lý vẫn còn…
Thực tế, từ năm 2017, UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch thu hút đầu tư, xây dựng 5 nhà máy đốt rác phát điện, phấn đấu đến năm 2021 sẽ đi vào hoạt động, trong đó có dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn được chấp thuận đầu tư từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng bằng vốn nước ngoài. Sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ, nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm và dự kiến công suất phát điện khoảng 75 MW điện/giờ, được đánh giá là dự án điện rác có quy mô lớn hàng đầu thế giới. Theo kế hoạch vạch ra, 5 năm nữa, Hà Nội sẽ xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện và bỏ hoàn toàn cách thức chôn lấp, nhưng đó là câu chuyện của tương lai khi mà dự án mới hoàn thành khoảng hơn 65% các hạng mục chính.
Điện rác còn quá nhiều rào cản
Trên toàn quốc, lượng rác thải ra tại bình quân mỗi ngày khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt trên cả nước vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt, đốt kết hợp với thu hồi năng lượng.
Đốt rác phát điện theo đánh giá của các chuyên gia đang là công nghệ tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như khối các nước châu Âu, Nhật Bản… Việc xử lý rác thải bằng phương pháp đốt kết hợp với thu hồi năng lượng (gọi là điện rác) đạt hiệu quả cao trên thế giới nhưng lại rất thấp ở Việt Nam.
Tại Hà Nội, Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã áp dụng công nghệ điện rác được vài năm có công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện mới chỉ dừng ở con số 75MW. Trên cả nước, một số ít nhà máy đốt rác phát điện cũng đã đi vào hoạt động ở TP HCM, Cần Thơ, Quảng Bình như: Dự án nhà máy điện rác Vĩnh Tân, tỉnh Đồng Nai (công suất 600 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW); Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản, Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (công suất 500 tấn/ngày); hai Nhà máy đốt rác phát điện tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh (của Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa, công suất mỗi nhà máy 1.000 tấn/ngày)…
Ông Phạm Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐQT PECC1 – một đơn vị tiên phong thiết kế các nhà máy điện rác tại Việt Nam chia sẻ, để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp còn gặp không ít rào cản về chính sách dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng. Ví dụ, tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, có các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện; khiến nhiều dự án gặp khó khăn do chờ quy hoạch này của ngành Điện. “Theo Quyết định này, giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện tại, có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí Biogas phát điện… nhưng giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ.
Trong khi đó, doanh nghiệp khi muốn đầu tư xử lý rác tại Việt Nam cũng gặp thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài. Đối với việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt là loại hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thủ tục đầu tư cần thiết lựa chọn nhà đầu tư đã mất từ 1 – 2 năm, sau đó, còn thủ tục đầu tư xây dựng như thẩm định thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường, các thủ tục hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…”, ông Hùng nói.
Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra, phải nâng tỷ lệ xử lý chất thải cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2030, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (pháp luật về PPP, các quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…), đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư.
Khi mở cơ chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải rắn, mới góp phần hình thành một ngành một nghiệp môi trường ở Việt Nam…
Theo Ngày Nay
Ảnh: Bãi rác Nam Sơn.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://ngaynay.vn/24-7/dien-rac-nhung-lung-tung-chua-thoat-ra-duoc-184138.html