Điện Biên: Mỏ vàng Phì Nhừ dừng khai thác 2 năm, doanh nghiệp ‘mất tích’ nên cửa mỏ khó đóng

Mỏ vàng xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) được UBND tỉnh Điện Biên cấp phép khai thác cho Công ty CP Công nghiệp Molybden năm 2010, phương án khai thác vàng lộ thiên. Song chỉ vài năm sau Công ty này phá sản, ‘mất tích’ nhưng khu vực mỏ vẫn nham nhở những hố to, nhỏ; lãng phí đất đai sản xuất, môi trường bị ảnh hưởng. Người dân địa phương cũng như chính quyền các cấp đều rất bức xúc, nhưng doanh nghiệp bặt vô âm tín và cửa mỏ hiện vẫn chưa được đóng.

Sau hơn 10 năm phát lộ và khai thác tại mỏ vàng Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông. Gần 40 ha khai trường giờ là những quả đồi núi trọc lóc, sạt lở ngổn ngang đất đá từ đỉnh xuống đến tận chân núi; dấu tích những lán trại tạm bợ còn sót lại minh chứng cho một giai đoạn khai thác vàng tấp nập, nhộn nhịp ở đây. Những hầm, hố khai thác vàng dày đặc, trong đó nhiều hầm đã sập.

Vào những năm từ 2012 đến 2016, nạn “vàng tặc” luôn trở thành vấn đề vô cùng nhức nhối của địa phương này. Những tưởng sau quyết định thu hồi đất và đóng cửa điểm mỏ của UBND tỉnh Điện Biên vào năm 2017, vùng núi Háng Trợ sẽ được bình yên trở lại. Thế nhưng đến nay, phu vàng đến mỏ vàng Háng Trợ tìm vận may không chỉ còn dừng lại ở địa bàn nội bộ, dân cư địa phương, mà đã xuất hiện thêm người ở nhiều địa phương lân cận khác như: Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai.

Dù thực tế theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trữ lượng vàng ở mỏ vàng Háng Trợ không còn. Không rõ những người dân thật sự thu được bao nhiêu vàng, bán được bao nhiều tiền nhưng những hậu quả từ việc khai thác vàng hơn mười năm qua ai cũng có thể thấy rõ. Và những người phải gánh chịu hậu quả ấy không ai khác chính là những người dân sở tại sinh sống quanh khu vực mỏ vàng.

Gần 40ha khai trường giờ là những quả đồi núi trọc, sạt lở ngổn ngang

Ông Lò Văn Tiêng sinh sống tại bản Na Ngựu, xã Phì Nhừ, một bản nằm ở cuối nguồn của dòng Khó Sâu đục ngàu chia sẻ: “Hơn 10 năm trước đây, gia đình Ông cùng các hộ dân trong bản đều sử dụng nguồn nước dòng suối Khó Sâu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, các sinh vật ở suối như: Cá, rêu là các nguồn thực phẩm dồi dào, trên phía thượng nguồn là hơn 30ha lúa ruộng xanh tốt và gần 6000m2 ao cá sinh trưởng bình thường, chỉ từ khi có hoạt dộng khai thác trên mỏ vàng Háng Trợ thì cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân bản Na Ngựu bị đảo lộn hoàn toàn: Dòng nước Khó Sâu quanh năm đục ngàu không thể sử dụng, bùn đất xả thải từ hoạt động khai thác vàng lấp hầu như hết diện tích lúa ruộng, ao cá, kênh mương thủy lợi. Người dân vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn”.

Dấu tích những lán trại khai thác vàng tạm bợ còn sót lại

Trao đổi với PV Báo TN&MT: Ông Chá Giống Chư, Phó chủ tịch UBND xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, cho biết: “Công ty vào khai thác vàng, làm được 6 – 7 năm và đến bây giờ thì Công ty đã rút. Hệ lụy để lại là ảnh hưởng đến nguồn nước của người dân, không sinh hoạt, không trồng cấy được. Rồi đất đá trên đầu nguồn rất nhiều cứ mưa xuống là vùi lấp ruộng lúa của dân. Chính vì vậy, xã kiến nghị tỉnh sớm có quyết định đóng cửa mỏ, khắc phục hậu quả môi trường, giúp nhân dân ổn định cuộc sống”.

Ông Vàng A Hờ, Phó chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: “Sau một thời gian dài tồn tại nhiều bất cập, giữa năm 2017, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành 2 Quyết định số 578 và 579, quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, thu hồi đất của Công ty CP Công nghiệp MOLYBDEN, đồng thời có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên là cơ quan chuyên môn chủ trì việc lập đề án, đóng cửa mỏ vàng Háng Trợ, trả lại nguyên hiện trạng tự nhiên ban đầu. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các cấp chính quyền huyện Điện Biên Đông đã có nhiều văn bản và trực tiếp chỉ đạo công an huyện, chính quyền xã nắm bắt tình hình, ngăn chặn tình trạng khai thác vàng thổ phỉ, trái phép. Tuy nhiên, do cửa mỏ vẫn chưa được đóng, khiến tình trạng khai thác vàng trái phép ở Háng Trợ vẫn rất khó kiểm soát”.

Bên cạnh đảm bảo an ninh trật tự, vấn đề huyện Điện Biên Đông quan tâm nhất hiện nay chính là tỉnh sớm thực hiện đóng cửa mỏ một cách triệt để. Đồng thời triển khai các phương án khắc phục hậu quả về môi trường, khôi phục sản xuất nông nghiệp cho người dân sống quanh khu vực mỏ bị ảnh hưởng. Theo ông Vàng A Hờ, Phó chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông thì việc chậm thực hiện đóng cửa mỏ vàng Háng Trợ gây nhiều hệ lụy. Ngoài việc không giao được đất cho người dân sản xuất, ảnh hưởng môi trường cảnh quan, ảnh hưởng dòng chảy, gây ngập úng và còn gây mất an ninh trật tự, do hoạt động khai thác vàng trái phép.

Rõ ràng việc đóng cửa mỏ một cách triệt để, thực hiện san lấp trả lại mặt bằng và tiến hành trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng là biện pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép kéo dài nhiều năm qua tại mỏ vàng Háng Trợ. Đây cũng là lời giải mà các cấp chính quyền và nhân dân huyện Điện Biên Đông đang mong chờ.

Hoàng Châu – Trần Sơn – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Những hầm, hố khai thác vàng tại mỏ vàng Háng Trợ

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/dien-bien-mo-vang-phi-nhu-dung-khai-thac-2-nam-doanh-nghiep-van-chua-thuc-hien-dong-cua-mo-1273989.html