Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống hầm Vĩnh Linh là công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ dưới lòng đất, ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Những ngày cuối tháng 7, người dân tỉnh Quảng Trị sục sôi không khí kỷ niệm 76 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), gần 70 năm truyền thống huyện Vĩnh Linh – “tuyến lửa” của đất nước ta trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Đoàn công tác Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam chúng tôi đã có dịp trở lại thăm các di tích lịch sử, những nơi từng diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân và dân ta.
Đến Quảng Trị chẳng còn ai xa lạ gì với những điểm căn cứ cách mạng lịch sử rất nổi tiếng tại đây như: Thành Cổ Quảng Trị, Trường Bồ Đề, sông Bến Hải – Cầu Hiền Lương… Trong rất nhiều căn cứ cách mạng trên “mảnh đất thép” anh hùng Quảng Trị thì hệ thống làng hầm địa đạo Vịnh Mốc là một trong những công trình kiến trúc dưới lòng đất vô cùng kỳ vĩ và đáng tự hào của không chỉ những người dân Quảng Trị mà còn của cả đất nước ta.
Nhắc đến địa đạo Vịnh Mốc, một công trình làng ngầm chiến đấu độc đáo trong lòng đất, ngoài những bí ẩn bên trong của nó, mọi người còn biết đến đây là di tích lịch sử, văn hóa mang đậm nhiều dấu ấn. Có thể khẳng định rằng, sau công trình hầm địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) thì làng hầm Vịnh Mốc mang nhiều nét khác biệt. Bởi đây không chỉ là làng hầm chiến đấu đơn thuần như các công trình khác, mà còn là không gian sống ngầm của bộ đội và người dân địa phương.
Khung cảnh xanh mát của Địa đạo Vịnh Mốc
Giữa những năm tháng bom đạn ác liệt, không ai có thể ngờ rằng ở Quảng Trị lại có một thế giới sống và chiến đấu biệt lập trong lòng đất như thế. Với sự sáng tạo, sức mạnh quật cường của một dân tộc chính là được biểu lộ qua những thử thách và những công trình vĩ đại.
Địa đạo Vịnh Mốc thuộc xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, là một làng quê nằm trên một khu đồi đất đỏ sát bờ biển, cách thị trấn Hồ Xá khoảng 14km về phía Đông, cách Cửa Tùng 6km về phía Bắc. Địa Đạo Vịnh Mốc là một trong 114 địa đạo lớn nhỏ được đào trên toàn huyện Vĩnh Linh, 114 địa đạo này có tổng chiều dài gần 42km.
Hệ thống địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng trong khoảng 2 năm, từ năm 1965 đến 1967. Đây là một hệ thống hầm ngầm sâu trong lòng đất, gồm 3 tầng địa đạo chính nối thông với nhau thành một hệ thống liên hoàn với tổng chiều dài trên 2.000m. Địa đạo có 13 cửa ra vào, trong đó có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển và 3 giếng thông hơi.
Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống hầm Vĩnh Linh là công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ dưới lòng đất, ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Các cửa hầm có cột gỗ để chống sập và sụt lở, được ngụy trang kín đáo, chếch theo hướng gió, đảm bảo thông thoáng. Hai bên trục đường, cứ khoảng cách từ 3m – 5m thì khoét lõm sâu vào thành từng ô nhỏ, mỗi ô là một hộ gia đình ăn ở và sinh hoạt.
Hội trường địa đạo Vịnh Mốc
Trong địa đạo ngoài không gian sinh sống của người dân, còn có kho vận vũ khí đạn dược – lương thực, cơ quan của Đảng và chính quyền, quân sự, các công trình công cộng (hội trường, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, trạm thông tin…). Đây là công trình được tạo dựng bằng sức lực và trí tuệ của quân và dân Vịnh Mốc.
Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ dưới lòng đất
Dù đã nghe nhiều về kỳ tích của địa đạo này, nhưng chỉ khi đến tận nơi tham quan, khám phá địa đạo, du khách mới hiểu được cuộc sống gian lao và lòng sắt đá trung kiên của quân và dân Vịnh Mốc trong những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược, giành độc lập tự do cho non sông đất nước.
Trong hành trình du lịch Quảng Trị, về với Vịnh Mốc hôm nay, du khách như có thể cảm nhận được hơi thở nóng của cuộc chiến năm xưa, qua đó thêm yêu mến quê hương Tổ quốc mình.
Bước chân vào lòng địa đạo là một cảm giác mát lạnh, hệ thống gió thông thoáng và mát khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng. Chính yếu tố đảm bảo thông hơi, thông khí một cách an toàn tuyệt đối, đảm bảo cho hàng trăm người sinh hoạt và chiến đấu trong lòng địa đạo là một yếu tố quan trọng nhất của địa đạo.
Cửa địa đạo giúp cho không khí bên trong được điều hòa
Đi sâu vào lòng địa đạo, dưới ánh đèn chiếu đủ sáng, du khách nhìn thấy rõ màu đất đỏ của vùng đất huyền thoại cũng như nơi ở và sinh hoạt trong địa đạo.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt với âm mưu tàn phá xóa trắng một vùng đất của đế quốc Mỹ. Tính bình quân, mỗi người ở đây phải gánh chịu hơn 7 tấn bom đạn. Nhưng sự sống vẫn nảy sinh từ trong cái chết, 17 đứa trẻ đã được chào đời ngay trong lòng địa đạo Vịnh Mốc. Chính vì được xây dựng kiên cố nên dẫu trải qua sự tàn phá của chiến tranh, sự bào mòn của thời gian, đến nay địa đạo Vịnh Mốc vẫn còn được giữ nguyên trạng.
TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam (mặc áo phông, đeo kính) trưởng đoàn công tác
Sự kỳ lạ và mong muốn khám phá, dạo bộ trên mặt đất của làng hầm địa đạo Vịnh Mốc là những hàng tre xanh mát và rợp bóng thì ở phía bên dưới mặt đất ấy là một ngôi làng với đầy đủ sự sống như trên mặt đất. Để rồi du khách khi đến đây đều thấy kỳ thú, sửng sốt và thầm thán phục sức mạnh và ý chí của những con người nơi mảnh đất anh hùng Vĩnh Linh.
Làng hầm địa đạo Vịnh Mốc đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương 2 lần anh hùng LLVTND. Với những giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 1/7/2015, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc.
Hiện nay, Địa đạo Vịnh Mốc là địa danh ngày càng thu hút du khách trong nước và nước ngoài khi đến thăm Quảng Trị.
Hôm nay về thăm địa đạo Vịnh Mốc, mấy ai nghĩ rằng, gần 6 thập kỷ trước, nơi đây từng là một pháo đài thép, chống lại cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt của đế quốc Mỹ. Trên những hố bom, hố pháo ngày trước, nay đã xanh mướt những vườn tiêu trĩu hạt, rừng cao su xanh tươi mang lại ấm no cho bao gia đình.
Địa đạo Vịnh Mốc là di tích lịch sử văn hóa mang nhiều giá trị lịch sử, giáo dục to lớn, là biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất diệt, ý chí quật cường và sự sáng tạo của cha ông ta trong những năm kháng chiến.
Công trình làng hầm địa đạo Vịnh Mốc mãi mãi là niềm tự hào của lịch sử đấu tranh giữ nước oai hùng
Công trình làng hầm địa đạo Vịnh Mốc mãi mãi là niềm tự hào của lịch sử đấu tranh giữ nước oai hùng, năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định công nhận Di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là Di tích Quốc gia đặc biệt. Như vậy, cùng với cụm Di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, làng hầm địa đạo Vịnh Mốc sẽ trở thành điểm tham quan lý thú, tìm hiểu quá khứ của du khách khắp mọi miền đất nước, khắp bốn biển năm châu./.
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Đoàn công tác Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có dịp trở lại thăm Địa đạo Vịnh Mốc-Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt