Bộ Xây dựng đề xuất tăng mức phạt tiền lên gấp 1,5 đến 2 lần và có thể lên tới 2 tỉ đồng (đối với tổ chức) có hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, việc quản lý đầu tư xây dựng tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, vi phạm về trật tự xây dựng được xử lý kịp thời, góp phần giảm thiểu các hành vi xây dựng sai phạm.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận trong quá trình triển khai, Nghị định số 139 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần thiết sửa đổi như: Xác định thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với dự án đầu tư xây dựng để tính thời hiệu xử phạt như hiện nay là chưa phù hợp; không có chế tài xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn.
Mặt khác, thời gian thực hiện xin cấp và điều chỉnh giấy phép theo Nghị định số 139 cũng chưa phù hợp với từng loại công trình, chưa có biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm. Chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…
Vì thế, dự thảo Nghị định đã đưa vào các quy định của Thông tư 03/2018/TT-BXD tăng mức tiền phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139 trong toàn bộ dự thảo (có hành vi tăng 4 đến 5 lần như hành vi điều chỉnh quy hoạch, quản lý sử dụng nhà chung cư). Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỉ đồng.
Đặc biệt, dự thảo nghị định đã tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản như: Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định; bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; huy động, chiếm dụng vốn trái phép…
Trước đây, theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP hiện hành, mức phạt cao nhất chỉ là 300 triệu đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia, dù mức phạt vi phạm hành chính trong dự thảo Nghị định mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cao gần 3 lần mức cũ nhưng trong thực tế vẫn chưa đủ sức răn đe các chủ đầu tư vi phạm.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, không chỉ dừng ở mức phạt 800 triệu đồng, nếu phạt kịch khung trong luật Xử lý vi phạm hành chính là 2 tỉ đồng cũng chưa thể đảm bảo mức độ răn đe đối với các chủ đầu tư dự án quy mô vài trăm đến hàng nghìn tỉ đồng.
“Chính điều này đang là kẽ hở pháp luật để chủ đầu tư lách luật, đẩy rủi ro về phía người mua nhà”, ông Đính nhấn mạnh.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tại một dự án quy mô nhiều nghìn tỉ đồng, một động thái vi phạm hành chính có thể đem lại lợi nhuận hàng chục, hàng trăm tỉ đồng thì các chủ đầu tư chắc chắn sẽ tận dụng kẽ hở của luật pháp để lách, sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt.
Đồng tình với quan điểm của GS. Đặng Hùng Võ nhưng theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, bên cạnh việc xem xét tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có thể cần xem xét đến các yếu tố để hình sự hoá các vụ việc, xử lý nghiêm, dứt điểm.
“Làm được vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe, chấm dứt được tình trạng đẩy thiệt hại về cho khách hàng như nhiều vụ việc từ trước đến nay. Nếu cần thiết phải quy trách nhiệm cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm đối với người đứng đầu địa phương, các cấp cán bộ khi để xảy ra vi phạm”, ông Tùng nhấn mạnh.
Trước những cạm bẫy, rủi ro khó lường trong hoạt động kinh doanh bất động sản, các chuyên gia khuyến cáo người mua nhà cần đủ tỉnh táo trước khi đặt cọc, ký hợp đồng, xuống tiền mua sản phẩm bất động sản. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu đầy đủ các thủ tục pháp lý của dự án, tránh tiền mất tật mang.
Nguyễn Luận (T/h) – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Dự thảo nghị định đã tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản. (Ảnh minh họa)
Xem bài viết gốc tại đây: