Công ty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) ngày 15/9 đã gửi công văn tới Thành ủy, UBND TP.Hà Nội về việc đề xuất ‘giải pháp tổng thể’ cải tạo sông Tô Lịch trở thành ‘công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh Tô Lịch’ bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Theo JVE, sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông “chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt các cơ quan chuyên môn, ban ngành của thành phố đưa ra nhiều giải pháp để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.
Để có thể “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: Thu gom nước thải, cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải, xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy, xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông;, thoát nước chống ngập khi mưa bão, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; vấn đề phát triển du lịch…
Thời gian tới JVE sẽ tổ chức hội thảo và mời đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cùng tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước về Đề án có nhiều ý nghĩa cho sự phát triển của Hà Nội và góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ “đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản”.
Trong hội thảo khoa học “giải pháp lấy nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch” cuối năm 2019, một cựu lãnh đạo của công ty Thoát nước Hà Nội cũng đề xuất ý tưởng tương tự khi sông Tô Lịch sẽ nối với hồ Tây.
Sông Tô Lịch sẽ kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay) trở thành giao thông đường thủy. Các cầu trên sông sẽ cải tạo thành cầu vòm bằng dầm bê tông cốt thép chịu ứng lực.
Du lịch sông Tô Lịch sẽ phục vụ cho du lịch tâm linh nối liền các chùa ở hồ Tây, đến đền Voi Phục, chùa Láng… Ngoài ra, 2 bờ sông Tô Lịch sẽ có nhiều nhà chờ xuống thuyền sát với các bến xe buýt hiện nay. Các nhà chờ này được xây dựng kiến trúc đẹp như các lầu vọng nguyệt ở các triều đại nhà Lê, nhà Trần, nhà Nguyễn…
Hồi tháng 5/2019, một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây đã được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nano – Bioreactor của Nhật Bản; kết quả bước đầu khá tích cực.
Việt Hương (T/h) – Báo ĐS&PL
Theo Đời sống & Pháp luật
Ảnh: Cảnh quan người dân dạo mát hai bên bờ sông Tô Lịch theo hướng đề xuất. (Ảnh: Dân Trí)
Xem bài viết gốc tại đây: