Đề án phân loại rác tại nguồn ở TP Hà Tĩnh: Chưa đạt kết quả như mong đợi

TP Hà Tĩnh là một trong 2 địa phương trên toàn tỉnh được lựa chọn thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn đến tận người dân. Sau 2 năm triển khai, tỷ lệ phân loại vẫn đạt thấp, gặp khó trong thực hiện…

Tỷ lệ phân loại rác đạt 57% và có dấu hiệu giảm dần

Cứ mỗi chiều, bà Nguyễn Thị Tâm – TDP 3, phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) lại đưa 2 túi rác của gia đình ra trước nhà để chờ công nhân vệ sinh thu gom. Một túi là rác dễ phân hủy, túi còn lại là rác khó phân hủy.

Gia đình bà đã thực hiện công việc này từ 2 năm nay, từ thời điểm phường Trần Phú thuộc địa phương thí điểm phân loại rác của TP Hà Tĩnh.

“Chúng tôi đã được TDP hướng dẫn cách phân loại rác, danh mục các loại rác để phân biệt và được hỗ trợ 2 thùng đựng rác màu xanh và vàng. Cứ rác dễ phân hủy tôi bỏ vào thùng có màu xanh, rác khó phân hủy cho vào thùng màu vàng theo quy định” – bà Tâm chia sẻ.

Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh phối hợp với các địa phương để thực hiện đề án phân loại rác tại nguồn ở tận hộ dân.

Có một điều bà Tâm và rất nhiều người dân thuộc 4 phường (Bắc Hà, Nam Hà, Trần Phú và Tân Giang) đang thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn của TP Hà Tĩnh băn khoăn, rác sau phân loại vẫn được thu gom một chỗ, chưa có sự phân biệt giữa hai loại; chưa nghiêm khắc với những người chưa có ý thức phân loại rác…

Một số người cũng đã thừa nhận, chính vì điều này, họ đang có phần “lảng” dần việc phân loại rác tại nguồn ở gia đình của mình. Hầu hết các địa phương đều diễn ra tình trạng người dân bỏ chung một túi rác, phân loại không triệt để.

Lượng rác trên địa bàn TP Hà Tĩnh khá lớn, ngoài khu dân cư thì còn có lượng lớn từ cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn.

Trong khi đó, việc phân loại rác ở các cơ sở kinh doanh, nhà trọ, cơ quan còn khó hơn rất nhiều. Ông Trần Xuân Sơn – Chủ tịch UBND phường Nam Hà cho biết: “Phường Nam Hà là địa bàn có số lượng cơ sở kinh doanh, cho thuê trọ lớn. Số người này liên tục thay đổi, không cố định nên mặc dù các TDP đã có hướng dẫn, tuyên truyền, song chưa hiệu quả”.

Đến cuối năm 2020, tỷ lệ phân loại rác bình quân ở các phường thí điểm đạt 57%, thấp hơn năm đầu tiên thực hiện 8,3% (đạt 65,3%). Tỷ lệ phòng trọ thực hiện phân loại rác đạt 13% và khối cơ quan đạt 8%.

Đề án phân loại rác tại nguồn ở TP Hà Tĩnh được triển khai từ năm 2019 theo Nghị quyết 05/NQ-TU, ngày 07/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với một số lĩnh vực về bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Giai đoạn 2019 – 2020, TP thực hiện thí điểm tại 4 phường: Bắc Hà, Nam Hà, Trần Phú và Tân Giang.

Đòi hỏi công tác tuyên truyền

Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường TP Hà Tĩnh Thân Viết Văn cho biết: “Triển khai đề án, UBND thành phố đã tổ chức tập huấn đến tận các cán bộ cốt cán ở các TDP, phát tờ rơi và cấp phát hơn 8.000 thùng rác cho người dân.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nảy sinh một số khó khăn như: ý thức người dân tham gia chưa đồng bộ; chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt; thiếu sự phối hợp cùng Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát; phương tiện thu gom rác chưa đồng bộ. Hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ còn hạn chế, tỉnh chưa có đơn giá áp dụng cho rác thải đã được phân loại nên chưa khuyến khích được hộ dân”.

Ông Lê Quang Đức – quyền Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh cho biết: “Từ năm 2021, đề án phân loại rác tại nguồn được triển khai đồng bộ trên tất cả các phường, xã. Trong đó, khó nhất vẫn là phải tạo được thói quen và ý thức trong toàn thể Nhân dân, đòi hỏi các chính quyền địa phương, hội, đoàn thể phải cùng vào cuộc, liên tục tuyên truyền, thay đổi cách nhìn nhận của người dân về phân loại rác tại nguồn, giúp người dân hiểu đó chính là bảo vệ bền vững môi trường sống”.

Công tác tuyên truyền được xem là “then chốt” cho việc phân loại rác một cách đồng bộ, hiệu quả

Đến hết năm nay, TP Hà Tĩnh đặt mục tiêu tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn ở các phường đạt trên 70% và tại các xã đạt trên 40%. Bên cạnh tuyên truyền thay đổi ý thức, TP Hà Tĩnh cũng đang điều chỉnh một số kế hoạch về quy trình thu gom để phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ đầu tư phương tiện phù hợp, thường xuyên kiểm tra, giám sát ở các địa phương.

Nhiều người cho rằng, ngoài phân biệt bằng thùng chứa rác thì cần phải đánh số theo bao bì để dễ phần thu gom, xử lý sau phân loại.

Ở các phường, xã có điều kiện về không gian thì triển khai mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình. UBND tỉnh cũng cần có các cơ chế chính sách đồng bộ, nhất là quy định đơn giá cho loại rác thải đã được phân loại; xây dựng lộ trình thu giá hợp lý cho từng loại đối tượng và giữa các địa phương.

Nguyễn Oanh – Báo Hà Tĩnh

Theo Hà Tĩnh

Ảnh: Đề án phân loại rác thải tại nguồn ở TP Hà Tĩnh được thực hiện từ năm 2019, song vẫn gặp khá nhiều khó khăn.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baohatinh.vn/kinh-te/de-an-phan-loai-rac-tai-nguon-o-tp-ha-tinh-chua-dat-ket-qua-nhu-mong-doi/207859.htm