(Phapluatmoitruong.vn) – Ngày 27/9, tại Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL.
Tại Hội nghị, Văn phòng Chính phủ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái được phân công làm Chủ tịch Hội đồng.
Phó Thủ tưởng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, Hội nghị này rất quan trọng, có sự tham dự của lãnh đạo của Bộ, ngành, Trung ương và lãnh đạo 13 tỉnh, thành khu vực. Hội nghị là cơ hội để đưa ra các tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL; khắc phục những hạn chế, những tồn tại, đồng thời phát huy những kết quả làm được.
Thời gian qua, vùng ĐBSCL đạt được kết quả khá toàn diện; trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. Kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng được cải thiện; quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 970 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt mức 56,02 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; nhiều dự án công nghiệp trọng điểm về năng lượng đi vào hoạt động.
Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, năm 2020 có 60,8% số xã đạt chuẩn quốc gia; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư bằng nhiều nguồn lực, góp phần thay đổi diện mạo của vùng. Nhiều hình thức liên kết, hợp tác vùng được hình thành; công tác giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội đạt nhiều kết quả; đời sống vật chất, tinh thần người dân từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, vùng cũng còn những hạn chế, bất cập phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng như: tăng trưởng kinh tế của vùng đang chậm lại; công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao phát triển chậm; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế; tỷ trọng xuất khẩu có xu hướng giảm, chủ yếu là xuất khẩu các sản phẩm nông – thủy sản có giá trị gia tăng thấp; hạ tầng giao thông và liên kết giữa các phương thức vận tải phát triển chưa đồng bộ; các trung tâm logistic lớn chưa được hình thành; hoạt động liên kết vùng, tiểu vùng chưa thực sự hiệu quả; chưa có chính sách đủ mạnh để tạo bước đột phá cần thiết cho khu vực và một số địa phương trọng điểm của vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, vùng ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước. Để vùng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững cần có cơ chế điều phối vùng đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp theo quy định của pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu của các Bộ, ngành, Trung ương, lãnh đạo các địa phương còn thảo luận các nội dung cơ bản về cơ chế, chính sách đặc thù của vùng, những nội dung liên kết, phối hợp các dự án có tính chất liên kết nội bộ vùng và liên vùng quan trọng đối với vùng ĐBSCL…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, các ý kiến thảo luận của các đại biểu, lãnh đạo các địa phương rất sát sao, đầy đủ với tình hình phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở hạ tầng… của khu vực. Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, tổng thể vùng ĐBSCL có kết cấu và liên kết vùng, liên kết trong công nghiệp chế biến, các chuỗi giá trị nông nghiệp, giao thông có điểm nghẽn lớn nhất là chưa đầy đủ và đồng bộ; vùng chưa có cảng biển nước sâu nên xuất khẩu yếu, lợi thế cạnh tranh rất khó khăn, khiến cho việc thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực của vùng bị hạn chế.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ I Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải có những hành động cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, trong đó, cần tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Quan trọng là thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu nông nghiệp phù hợp với từng vùng sinh thái, chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, hạn mặn; xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Huy Diệu
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì buổi Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng ĐBSCL.