Đẩy nhanh thi công quốc lộ 30 qua TP Cao Lãnh, Đồng Tháp

Quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự (Đoạn QL30) có lưu lượng xe rất lớn, độc đạo từ TP Cao Lãnh kết nối các huyện phía bắc của tỉnh Đồng Tháp và cửa khẩu quốc tế Dinh Bà đi Cam-pu-chia. Việc đầu tư dự án góp phần hoàn thiện toàn tuyến quốc lộ 30, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh. Thế nhưng, suốt một thời gian dài, tuyến đường này thi công chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân.

Sinh hoạt, đi lại khó khăn

Đi dọc Đoạn QL30 vào thời điểm nắng trưa gay gắt mới thấu hiểu cuộc sống của nhiều hộ dân đang bị đảo lộn như thế nào. Rất nhiều đoạn thi công nửa chừng rồi bỏ dở, khiến cát bụi bay vào nhà dân, nhiều hố sâu nguy hiểm. Gia đình anh M.V.N, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã nhiều ngày qua, nhiều hộ dân không có lối đi ra đường do Đoạn QL30 thi công ì ạch. Hơn 10 ngày qua, sau khi đơn vị thi công lấy đất sạch trước cửa nhà, đổ đất bẩn có chứa rác thải sinh hoạt làm nền đường khiến anh và nhiều hộ dân trong xóm rất bức bối, khó chịu. Thậm chí, đơn vị thi công làm vỡ ống nước sạch nhưng một tuần sau mới cho người khắc phục.

Mặt đường Đoạn QL30 hiện chỉ rộng khoảng 6 m, lề đất nhiều chỗ bị sụt lún, tạo độ chênh khá cao giữa mép nhựa với lề đất, gây nguy hiểm cho các phương tiện. Chất lượng mặt đường láng nhựa xuống cấp nghiêm trọng, trong đó mặt đường không bằng phẳng, không bảo đảm an toàn khi lưu thông. Dự án được khởi công cách nay hơn 5 tháng khiến người dân rất vui mừng bởi suốt nhiều năm, tuyến quốc lộ này xuống cấp nghiêm trọng. Thế nhưng, nhiều tháng qua, việc thi công chậm đã làm cho các hộ kinh doanh mất nguồn thu nhập, ảnh hưởng cuộc sống.

Nói về nguyên nhân dự án thi công chậm tiến độ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đồng Tháp Trần Trí Quang cho rằng: Đoạn QL30 có lưu lượng xe rất lớn nhưng mặt đường hiện tại quá hẹp, chất lượng mặt đường xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, rất khó đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự cố gắng của tất cả đơn vị tham gia thực hiện dự án, hiện nay dự án bảo đảm tốt về độ thi công và tiến độ giải ngân, năm 2019 đã giải ngân 275,4 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch) và gần ba tháng đầu năm đã giải ngân được 103,4 tỷ đồng/356,6 tỷ đồng (đạt 29% kế hoạch).

Huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ

Kiểm tra công trường thi công dự án QL30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự và làm việc với lãnh đạo tỉnh vào cuối tháng 2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá sau bốn tháng thi công chỉ mới đạt 2% khối lượng của Dự án đầu tư nâng cấp QL 30 (đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự) là thấp. Theo Sở GTVT, ngay sau khi khởi công dự án, Sở đã phối phợp các địa phương rà soát phạm vi đất công để triển khai trước, đến đầu tháng 12-2019 các địa phương đã bàn giao mặt bằng để thi công với tổng chiều dài các đoạn được bàn giao là 3,6 km trong số 39,5 km. Do đó thời gian thật sự có mặt bằng để triển khai thi công đến nay chỉ được 3,5 tháng. Ngay khi có mặt bằng thi công, Sở GTVT đã yêu cầu và nhà thầu đã huy động tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, trong đó nhà thầu đã bố trí gấp hai lần số lượng thiết bị, xe, máy so với hồ sơ dự thầu để thi công. Sau 3,5 tháng từ khi bắt đầu có mặt bằng thi công, đến nay nhà thầu đã đào khuôn đường, đóng cừ tràm gia cố nền đất yếu, rải vải địa kỹ thuật và san lấp cát mở rộng nền đường đạt tổng cộng 10,6 km trên tổng số 39,5 km một bên tuyến. Hoàn thành 180 m cống dọc bên trái tuyến, 350 m cống dọc bên phải tuyến và tám vị trí cống ngang mở rộng nền đường.

Dự án đầu tư nâng cấp Đoạn QL30 qua huyện Thanh Bình và huyện Tam Nông với cự ly khá dài so với thị xã Hồng Ngự và huyện Cao Lãnh. Mặc dù hai huyện Thanh Bình và Tam Nông đã cố gắng trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng nhìn chung tiến độ còn chậm. Nguyên nhân là nhiều hộ chưa làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, các hộ còn tranh chấp ranh giới đất (hoặc không xác định được ranh đất), người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã từ trần nhưng gia đình chưa làm thủ tục thừa kế, thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sai sót nhưng hộ dân chưa làm thủ tục điều chỉnh, từ đó, gây khó khăn cho việc thực hiện phương án bồi thường. Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trước những khó khăn nêu trên, sau đợt làm việc với Bộ GTVT, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung nhân lực, khẩn trương thực hiện phương án bồi thường… Từ đó, công tác lập phương án bồi thường và bàn giao mặt bằng của huyện được đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, Tam Nông đã hoàn thành phương án đợt 1 với 1.061 hộ, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 71 tỷ đồng (đã chi tiền cho dân). Phương án đợt 2 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định với 259 hộ, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 16 tỷ đồng (đang chờ UBND tỉnh phê duyệt). Phương án đợt 3 (đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường) với 379 hộ, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 28,3 tỷ đồng. Song song với việc thực hiện phương án bồi thường, huyện tổ chức vận động các hộ dù chưa nhận tiền có tên trong phương án bồi thường đợt 2, đợt 3 đồng ý bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đến ngày 26-3, huyện đã làm thủ tục giao mặt bằng cho chủ đầu tư đạt hơn 90% chiều dài toàn tuyến trên địa bàn. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung giải quyết 80 hộ còn lại (hồ sơ khó) để đưa vào phương án đợt cuối; tiếp tục vận động các hộ còn lại đồng ý bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, bảo đảm đạt hơn 95% chiều dài tuyến vào ngày 31-3 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Để bảo đảm dự án hoàn thành vào cuối năm 2020, Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp Trần Trí Quang cho biết, Sở đang tập trung quyết liệt chỉ đạo nhà thầu huy động tất cả nguồn lực để đẩy nhanh nhất có thể tiến độ thi công tại các đoạn đã được bàn giao mặt bằng. Đồng thời thường xuyên phối hợp tất cả ban, ngành liên quan và địa phương trực tiếp xuống hiện trường nơi bị vướng mắc để thống nhất giải pháp tháo gỡ ngay tại hiện trường. Cụ thể, Sở yêu cầu nhà thầu kết thúc hạng mục đào mở rộng nền đường và đắp cát hoàn trả trước mùa mưa. Kiên quyết xử lý các nhà thầu thi công chậm tiến độ. Đồng thời, yêu cầu Ban Quản lý dự án lập kế hoạch quản lý tiến độ thi công, giải ngân cụ thể phù hợp tình hình GPMB, điều kiện thời tiết để quản lý đúng tiến độ, điều chỉnh đẩy nhanh tiến độ kịp thời để bù lại tiến độ nếu bị chậm. Yêu cầu nhà thầu thi công và tư vấn giám sát quản lý chặt tiến độ, chất lượng, tổ chức nghiệm thu, thanh toán khi hoàn thành hạng mục công trình.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan rà soát và giải quyết các trường hợp, bảo đảm tính pháp lý, tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa của dự án để người dân hiểu và nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, hoàn thành đúng tiến độ. Theo kế hoạch thi công dự án, trong tháng 4, các nhà thầu sẽ bắt đầu cán đá mở rộng mặt đường từng đoạn, triển khai láng nhựa mặt đường trong tháng 6, phấn đấu thông xe kỹ thuật cuối năm 2020.

Dự án đầu tư nâng cấp Đoạn QL30 gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1: đầu tư hai đoạn tránh qua TP Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự dài 20 km. Giai đoạn 2: nâng cấp mở rộng từ TP Cao Lãnh đến thị xã Hồng Ngự (đoạn nối giữa 2 đoạn tránh dài 39,5 km) với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Dự án do UBND các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, thị xã Hồng Ngự và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư GPMB, Sở GTVT Đồng Tháp làm chủ đầu tư với quy mô bề rộng mặt đường 11 m láng nhựa đoạn từ cầu Phong Mỹ đến ngã tư Thanh Bình; bề rộng nền đường 25,5 m, mặt đường 16,5 m thảm bê-tông nhựa đoạn qua thị trấn Thanh Bình từ Km55+630 đến Km57+630; đoạn còn lại từ Km57+630 đến Km86+754 có bề rộng nền đường 12 m, bề rộng mặt đường 9 m láng nhựa.

Hữu Nghĩa – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Ảnh: Nhiều đoạn của quốc lộ 30 chưa được thi công, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43832402-day-nhanh-thi-cong-quoc-lo-30-qua-tp-cao-lanh-dong-thap.html