Đẩy mạnh ứng dụng thiết bị công nghệ cao trong phòng, chữa cháy rừng

Các vụ cháy rừng xảy ra gần đây không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn đe dọa đến sự an toàn của người dân sinh sống xung quanh khu vực rừng bị cháy. Hiện nay, miền Trung vẫn đang trong thời kỳ nắng, nóng gay gắt, nguy cơ tiếp tục xảy ra cháy rừng rất cao, đòi hỏi các địa phương phải sẵn sàng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Theo nhận định của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện, các tỉnh khu vực miền Trung đang trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng do thời tiết khô hanh kéo dài cộng với ảnh hưởng của gió Lào, nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) và thực tế cháy rừng đã xảy ra ở một số nơi. Điển hình, ngay trong những ngày đầu tháng 7, các vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra.

Theo thông tin của Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, chỉ riêng ngày 10-7, đã ghi nhận xảy ra 6 vụ cháy rừng ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nghệ An.

Gần đây nhất, ngày 18-7, một đám cháy rừng tiếp tục xảy ra tại khu bản Nậm Khiên 1, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Mất gần 1 ngày, lực lượng chữa cháy rừng mới cơ bản khống chế, dập tắt đám cháy. Trước đó 1 ngày, một đám cháy cũng bùng phát tại chân núi Bản Đọ, thôn Trung Tiến, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, thiêu rụi khoảng 1.500m2 diện tích rừng trồng của người dân.

Bộ NN&PTNT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã xảy ra 109 vụ cháy rừng, làm thiệt hại khoảng 260ha rừng. Một trong những nguyên nhân khiến cho công tác PCCCR hiện nay gặp nhiều khó khăn, mất rất nhiều thời gian là do ý thức của người dân còn kém, trong khi công tác chỉ huy chữa cháy rừng còn nhiều hạn chế. Lực lượng tham gia chữa cháy đông, nhưng thiếu phương tiện, dụng cụ chữa cháy lại chưa được tổ chức chặt chẽ. Hơn nữa, do chưa nhận định sát tình hình diễn biến của đám cháy nên công tác chỉ huy chữa cháy còn lúng túng.

Việc kiểm soát nguồn lửa trong thời kỳ cao điểm chưa thực hiện tốt, các địa phương chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền, canh gác, ngăn chặn nguồn lửa có nguy cơ gây cháy rừng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết thêm, qua kiểm tra tại một số địa phương cho thấy, một số chủ rừng chưa làm tốt các phương án phòng cháy; chưa được tập huấn nên khi xảy ra cháy rừng, việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Để làm tốt công tác PCCCR từ nay đến cuối năm, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh phương án PCCCR cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, củng cố các công trình PCCCR. Bổ sung kinh phí mua sắm bổ sung các trang thiết bị chữa cháy rừng, đảm bảo yêu cầu khi xảy ra cháy rừng. Đẩy mạnh ứng dụng các thiết bị công nghệ cao trong công tác PCCCR. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng; tạm thời ngừng các hoạt động đốt nương làm rẫy trong những ngày có nguy cơ cháy rừng cao; chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có lệnh điều động.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2020, thời tiết tiếp tục có nhiều bất thường. Tại khu vực miền Trung, nắng nóng kéo dài liên tục trong suốt tháng 7. Trong tháng 8 tới có thể xảy ra từ 4 đến 5 đợt nắng nóng, có nơi nhiệt độ trên 40oC, tình trạng khô hanh kéo dài, nên nguy cơ cháy rừng tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung là rất cao.

Chính vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR được Tổng cục Lâm nghiệp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Tổng cục Lâm nghiệp đã sử dụng nhiều công nghệ cao để cảnh báo cháy rừng. Thực tế, trên website của Tổng cục Lâm nghiệp và các chi cục kiểm lâm vùng liên tục phát các cấp dự báo và cảnh báo các điểm cháy phát hiện được từ ảnh vệ tinh thu được để các địa phương theo dõi, kiểm tra và có phương án xử lý kịp thời. Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp cũng sử dụng ảnh viễn thám, công nghệ thông tin, GIS để phát hiện sớm các điểm cháy từ ảnh vệ tinh.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, các địa phương phải xác định điểm nào là điểm có nguy cơ cháy cao. Khi đã xác định được những điểm có nguy cơ cháy cao thì đưa ra giải pháp PCCCR khi cần thiết. Đặc biệt, các địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân biết tác hại của lửa rừng, các nguy cơ có thể xảy ra, cũng như các biện pháp phòng cháy.

Bích Nguyên – Báo Biên Phòng

Theo Biên Phòng

Ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Diễn Thành, BĐBP Nghệ An tham gia chữa cháy rừng ở địa bàn huyện Diễn Châu. Ảnh: Viết Lam

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.bienphong.com.vn/day-manh-ung-dung-thiet-bi-cong-nghe-cao-trong-phong-chua-chay-rung-post431607.html