(Phapluatmoitruong.vn) – Chiều nay, 6/7/2023, Hội nghị kết nối chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp trong KKT, KCN, KCNC các tỉnh, thành duyên hải miền Trung – Tây nguyên và TP.HCM đã diễn ra tại Quảng Ngãi.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư và Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh.
Đây là sự kiện do Khối thi đua các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trong khu vực tổ chức, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đến cuối năm 2022, 5 tỉnh Tây nguyên gồm Lâm Đồng, Gia Lai, Kon tum, Đắk Nông, Đắk Lắk có khoảng 395 dự án với tổng vốn đầu tư trên 38.140 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 12.150 lao động. Sáu tỉnh duyên hải miền Trung gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có 1.801 dự án với tổng vốn đầu tư 818. 305 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 250 ngàn lao động. Nhìn chung, các doanh nghiệp đã tập trung khai thác lợi thế của khu vực, đẩy mạnh sản xuất. Khu vực Tây Nguyên tập trung khai thác các ngành sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm như cà phê, chè, tiêu, cao su, rau quả; phát triển du lịch xanh gắn với đất rừng tự nhiên, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Khu vực duyên hải tập trung khai thác thế mạnh phát triển công nghiệp, vật liệu san lấp, vât liệu xây dựng, gia tăng thu hút đầu tư từ sức lan tỏa của các dự án lớn gắn với cảng biển…
Hội nghị cũng đã tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của khu vực Tây nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung trong thời gian qua và nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong việc khai thác lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ của vùng Tây nguyên cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung.
Khai mạc Hội nghị kết nối chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.
Báo cáo tham luận từ các doanh nghiệp tại Hội nghị cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, thành quả, nêu rõ những hạn chế, vướng mắc và có những đề xuất từ thực tiễn, nêu ý tưởng mở rộng phạm vi hợp tác, liên kết vùng miền giữa các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên, duyên hải miền Trung và TP. Hồ Chí Minh với hy vọng tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ, hợp tác, trao cho nhau những cơ hội kết nối hướng đến một mục tiêu phát triển chung cho toàn khu vực.
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác chiến lược.
Ký kết biên bản ghi nhớ tại Hội nghị.
Nằm trong chuỗi các sự kiện diễn ra trong chương trình của Hội nghị, sáng ngày 6/7, Hội chợ triển lãm sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp trong các KKT, KCN, KCNC các tỉnh duyên hải miền Trung cũng đã chính thức khai mạc.
Hội chợ có 82 gian hàng của gần 70 doanh nghiệp công nghiệp chủ lực từ các địa phương ở các lĩnh vực như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, công nghệ cao, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ… Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM cũng tham gia triển lãm tại Hội chợ.
Một gian hàng tại Hội chợ.
Phát biểu khai mạc Hội chợ, ông Hà Hoàng Việt Phương, tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất nhấn mạnh: “Hội chợ là dịp để các địa phương quảng bá, giới thiệu thành tựu từ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung – Tây nguyên và TP.HCM. Đây cũng là cơ hội để các địa phương, các doanh nghiêp có điều kiện giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chất lượng nhằm tìm kiếm đối tác, tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong khu vực và mở rộng trong cả nước”.
Hội chợ sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 6-8/07/2023.
Phan Dung
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Khai mạc Hội chợ triển lãm sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp trong KCN, KKT, KCNC các tỉnh Tây nguyên – Duyên hải miền Trung và TP.HCM năm 2023.