UBND TP. Hà Nội sẽ phải giải trình, làm rõ hàng loạt vấn đề trọng yếu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Tăng 918 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước vừa có Công văn số 8721/BKHĐT-GSTĐĐT gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị giải trình, làm rõ hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội (gọi tắt là Dự án Vành đai 4).
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tháng, Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước đặt ra yêu cầu nói trên đối với UBND TP. Hà Nội trong vai trò là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án Vành đai 4.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 111,2 km, gồm 102,2 km đường vành đai 4 và 9 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long. Dự án đi qua địa phận TP. Hà Nội (58,2 km); Hưng Yên (19,8 km); Bắc Ninh (24,2 km).
Trong Công văn số 8721, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, báo cáo giải trình mới nhất của UBND TP. Hà Nội (tại Công văn số 3751/UBND-ĐT, ngày 28/10/2021) chưa tập trung vào các nội dung yêu cầu của Hội đồng Thẩm định Nhà nước tại Công văn số 7175/BKHĐT-GSTĐĐT. Nội dung giải trình còn mang tính chung chung là chỉ đạo tư vấn hoàn thiện ở bước tiếp theo; số liệu một số tài liệu dẫn chiếu còn chưa thống nhất; chưa bám sát yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Điểm hạn chế đầu tiên được Hội đồng Thẩm định Nhà nước chỉ ra là, Hồ sơ Dự án đề xuất hệ thống đường vành đai 4 gồm có tuyến đường cao tốc đi trên cao 6 làn xe và đường đô thị 2 bên rộng 12 m, có vai trò kết nối Vùng Thủ đô Hà Nội, nhưng lại chưa thể hiện được vị trí các khu đô thị hai bên, nên chưa có cơ sở để xem xét về sự cần thiết cũng như vai trò hệ thống đô thị hai bên.
Bên cạnh đó, quy mô giải phóng mặt bằng (GPMB) được UBND TP. Hà Nội đề xuất bao gồm cả dải đất cho hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Điều đáng nói là, tuyến đường sắt đô thị đề xuất trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chỉ là sơ bộ, chưa có cơ sở xác định vị trí tuyến cũng như quy mô, vai trò và sự kết nối trong hệ thống quy hoạch, chưa xác định được thời điểm đầu tư, nên việc GPMB chưa đủ cơ sở.
Trước đó, tại Tờ trình số 173/TTr-UBND, ngày 19/8/2021 về việc trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vành đai 4, UBND TP. Hà Nội đề nghị chia công trình thành 3 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 – công tác GPMB có tổng mức đầu tư khoảng 24.242 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương.
Dự án thành phần 2 – xây dựng đường đô thị, đường song hành với tổng mức đầu tư khoảng 9.399 tỷ đồng, dự kiến sử dụng ngân sách địa phương.
Dự án thành phần 3 – đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc đi trên cao với tổng mức đầu tư khoảng 60.486 tỷ đồng, dự kiến đầu tư theo hình thức PPP, trong đó, vốn nhà nước 55%, vốn tư nhân 45%.
Tại Dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sau giải trình, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án Vành đai 4 đề xuất tổng mức đầu tư Dự án là 95.045 tỷ đồng, tăng 918 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu mà không có thuyết minh, giải trình về sự khác biệt này.
Tính toán lại các phương án
Tại Công văn số 3751, UBND TP. Hà Nội đề xuất cơ cấu vốn thực hiện Dự án Vành đai 4 gồm: vốn ngân sách nhà nước 65.970 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 29.075 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu: 4.361 tỷ đồng, vốn vay: 24.714 tỷ đồng).
Với cơ cấu nói trên, Hội đồng Thẩm định Nhà nước nhấn mạnh, Dự án có mức vốn nhà nước đóng vai trò chủ đạo, chiếm 72% tổng mức đầu tư, vượt mức quy định tại khoản 2, Điều 69, Luật Đầu tư theo phương thức PPP, dẫn đến lợi thế thu hút vốn đầu tư không còn nhiều.
Bên cạnh đó, phương án đầu tư Dự án thành phần 3 theo hợp đồng BOT (Nhà nước hỗ trợ 32.330 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động 26.452 tỷ đồng; lãi vay tín dụng 10,17%/năm) sẽ khiến tổng mức đầu tư Dự án tăng 2.633 tỷ đồng (lãi vay trong thời gian xây dựng), trong khi kết quả phát hành trái phiếu chính phủ đợt 169, 170, 171 năm 2021 cho thấy, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 15 năm chỉ có 2,34%/năm.
Hội đồng Thẩm định Nhà nước cho rằng, trường hợp Chính phủ phát hành trái phiếu để đầu tư Dự án sẽ giảm đáng kể các chi phí nói trên.
Trên thực tế, việc đầu tư theo hình thức PPP gặp khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng, trong đó có cả Dự án Đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Vì vậy, Hội đồng Thẩm định Nhà nước đề nghị UBND TP. Hà Nội thuyết minh, phân tích cụ thể về lợi thế đầu tư theo phương thức PPP.
Một điểm cấn cá khác tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vành đai 4 mà UBND TP. Hà Nội chưa làm rõ là khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư tại Dự án thành phần 3 – xây dựng hệ thống đường cao tốc đi trên cao.
Cơ quan thường trực Hội đồng cho rằng, tại Dự án Vành đai 4, ngoài xây dựng hệ thống đường cao tốc đi trên cao (Dự án thành phần 3, phương thức PPP, loại hợp đồng BOT) còn xây dựng đường đô thị, đường song hành đi dưới thấp (Dự án thành phần 2). Việc đầu tư đường song hành dưới thấp sẽ ảnh hưởng tới việc khai thác, phân lưu luồng xe với đường BOT trên cao.
“UBND TP. Hà Nội cần có tính toán chi tiết phân lưu giữa đường trên cao và đường dưới thấp để xem xét khả năng hoàn vốn và tính khả thi của Dự án BOT thành phần 3 đi trên cao”, đại diện Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước kiến nghị.
Bảo Như – Báo Đầu Tư
Theo Đầu Tư
Ảnh: Mô hình Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.
Xem bài viết gốc tại đây: