Đầu tư công tại Đông Nam bộ: Ách tắc, áp lực

Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ đang nỗ lực hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trong bối cảnh ách tắc giải phóng mặt bằng, áp lực giải ngân lớn…

Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công tại tỉnh Đồng Nai là hơn 15.700 tỷ đồng, bao gồm vốn kéo dài từ năm 2023 sang. Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh đã giải ngân tính đến ngày 25/4 là hơn 1.700 tỷ đồng, đạt hơn 11% kế hoạch.

Ách tắc giải phóng mặt bằng

Hiện có 4 dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia và hàng loạt công trình, dự án trọng điểm của Đồng Nai đang được triển khai thực hiện tại tỉnh này. Vướng mắc chính dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, ảnh hưởng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Tỉnh xác định phải dồn toàn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là công tác GPMB.

Đối với Dự án Đường vành đai 3 TPHCM (qua Đồng Nai) chậm tiến độ thi công do gặp khó khăn trong GPMB, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho biết, địa phương quyết tâm hoàn tất bàn giao toàn bộ mặt bằng Dự án Thành phần 1A, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 trong tháng 5. Đến cuối tháng 6, huyện sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng thuộc Dự án Thành phần 4 (Đường Vành đai 3 TPHCM) cho chủ đầu tư.

Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được khởi công tháng 6/2023, nhưng đến nay Đồng Nai vẫn chưa bàn giao được mặt bằng cho chủ đầu tư để xây hơn 50km đường cao tốc đi qua tỉnh. Các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, chính quyền địa phương nơi có dự án này đang phải dốc toàn lực thực hiện 30 ngày đêm không có ngày nghỉ để giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

“Đối với Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, mốc thời gian để bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công dự án là trước ngày 30/6. Do đó, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tập trung thực hiện các công việc được giao để đảm bảo cam kết của tỉnh với Thủ tướng Chính phủ”, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết.

Cùng với việc tập trung cho GPMB các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, các cơ quan chức năng của tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, cho hay, đơn vị được giao làm chủ đầu tư nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh.

Thời gian qua, quá trình triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong GPMB. Do đó, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ GPMB. Đối với các dự án đã được bàn giao mặt bằng, Ban Quản lý yêu cầu các nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công.

“Trong số các dự án đơn vị được giao làm chủ đầu tư, có 8 dự án đang triển khai thi công. Tuy nhiên, có đến 5 dự án tiến độ thi công gặp khó khăn do vướng mắc trong công tác GPMB”, ông nói.

Công nhân thi công tại nút giao An Phú, TPHCM. Ảnh: HH

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong 4 tháng đầu năm nay, việc triển khai một số dự án đầu tư công vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra. Việc đền bù, GPMB các công trình, dự án trọng điểm, nhất là Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu còn khối lượng công việc rất nhiều.

Do khối lượng công việc còn lại của năm 2024 còn rất nhiều, thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở, ngành, UBND các địa phương nỗ lực hơn nữa, ưu tiên phát triển những lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng, đẩy nhanh hoàn thành các dự án trọng điểm trên địa bàn. Đặc biệt, các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Một phần của dự án đường Tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) đã hoàn thành. Ảnh: H.C

Áp lực giải ngân mỗi tháng 10.000 tỷ đồng

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM, cho biết, năm nay thành phố được giao hơn 79.000 tỷ đồng đầu tư công. Thành phố đặt mục tiêu giải ngân khoảng 10% trong quý I, nhưng đến hết tháng 4 mới chỉ giải ngân được gần 6.000 tỷ đồng (khoảng 7,5%).

Theo bà Mai, trong 8 tháng cuối năm, TPHCM còn hơn 73.000 tỷ đồng đầu tư công cần phải được giải ngân. Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công từ nay đến cuối năm, Sở KH&ĐT TPHCM cho biết đã tham mưu UBND thành phố các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như chương trình thúc đẩy giải ngân đầu tư công, rút ngắn thủ tục hành chính, triển khai cho các đơn vị giải ngân trực tiếp để tăng tính hiệu quả.

Bên cạnh đó, Sở đang tiếp tục rà soát tiến độ để kịp thời báo cáo và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên đánh giá, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn đang là điểm nghẽn lớn nhất đối với quá trình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình, dự án trọng điểm.

TPHCM đã lập 3 tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho giải ngân đầu tư công. Sở KH&ĐT đề nghị chủ đầu tư các dự án cần đôn đốc nhà thầu thực hiện để đảm bảo tiến độ. Những dự án chậm tiến độ giải ngân đầu tư công, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM.

Trước tình hình giải ngân đầu tư công trong tháng 4 đầu năm không đạt tiến độ đề ra, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh: “Thành phố còn khoảng 73.000 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công năm 2024. Điều đó có nghĩa là, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng thành phố sẽ phải tiêu hết 10.000 tỷ đồng”.

Thành phố đã có chương trình hành động về đầu tư công, nên tất cả các sở, ngành, quận, huyện cần căn cứ chương trình hành động để triển khai trên cơ sở duy trì hoạt động của các tổ công tác đầu tư công, ban chỉ đạo các công trình dự án trọng điểm.

“Các chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân hằng tháng và giám sát việc thực hiện kế hoạch hằng tháng, từng chủ đầu tư mỗi tháng giải ngân bao nhiêu cần có kế hoạch cụ thể. Có những dự án đã đấu thầu từ năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa có khối lượng thi công.

Đối với các dự án chuyển tiếp từ các năm trước, những công ty thi công phải được giám sát, bảo đảm tiến độ hằng ngày. Các nhà thầu nếu yếu năng lực hoặc chây ì thì phải kiên quyết xử lý nghiêm”, ông Mãi nói.

Nhóm PV Ban TPHCM – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên ở TPHCM. Ảnh: H.H

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/dau-tu-cong-tai-dong-nam-bo-ach-tac-ap-luc-post1634595.tpo