Dấu ấn thoát nghèo ở vùng cao Ba Bể

Năm 2018, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã chính thức được công nhận thoát khỏi diện các huyện nghèo.

Có được kết quả ấy bên cạnh sự nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân địa phương còn có sự đóng góp không nhỏ của những nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ bên ngoài. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, đơn vị đã đồng hành cùng đồng bào Ba Bể trong suốt chặng đường 10 năm vượt qua cái đói, cái nghèo

Từ năm 2017, khi ngôi trường 2 tầng khang trang được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), hơn 100 giáo viên, học sinh trường Mầm non xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể không còn phải dạy và học trong những ngôi nhà tạm bằng gỗ.

Những đứa trẻ của 8 bản vùng cao trong xã không còn phải co ro mỗi khi đông về khi cái rét có khi xuống đến vài độ C. Dãy nhà 2 tầng cùng hệ thống nhà ăn, nhà bếp, nhà đa năng và khu vui chơi được đầu tư kiên cố đã giúp cho trường đạt Chuẩn quốc gia mức độ I, góp phần để xã Cao Trĩ trở thành xã đầu tiên của Ba Bể đạt chuẩn Nông thôn mới.

Cô giáo Ma Thị Lý, Hiệu trưởng trường Mầm non Cao Trĩ cho biết: “Hiện nay chúng tôi có một ngôi trường khang trang, đủ các phòng chức năng, đặc biệt là chúng tôi có bếp ăn. Các điểm trường lẻ có 4 lớp thì cũng đã được tu sửa, cải tạo thành nhà cấp 4 vững chắc. Chúng tôi đã tổ chức được bán trú tại trường cho 100% các cháu, các cháu đều được học 2 buổi/ngày”.

Còn với những người dân xã Địa Linh, từ khi trạm y tế xã được đầu tư xây mới, thiết bị được đầu tư hiện đại hơn, họ đã yên tâm đến thăm khám ngay tại trạm y tế xã chứ không phải đi hàng chục cây số lên bệnh viện tuyến huyện như trước.

Niềm vui của cô và trò huyện vùng cao Ba Bể khi được học tập tại những ngôi trường xây kiên cố, hiện đại từ sự hỗ trợ của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Bác sỹ Hoàng Thị Quế, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Địa Linh cho biết thêm, mỗi tháng trung bình đơn vị tiếp nhận 200-300 bệnh nhân, nhiều ca bệnh nặng bà con cũng đã tin tưởng đến để điều trị. Điều này chỉ có được sau khi trạm được hỗ trợ xây dựng từ nguồn vốn đầu tư của TKV năm 2012.

“Những ca bệnh nặng họ cũng đến trạm y tế xã, trước chưa có bác sỹ với trạm chưa khang trang, chưa có bác sỹ bệnh nhân chủ yếu đến thẳng Trung tâm y tế huyện. Nay họ tin tưởng đến điều trị nhiều hơn” – bác sỹ Hoàng Thị Quế cho biết.

Ba Bể là huyện được chia tách từ năm 2003, cho đến năm 2008, tỉ lệ hộ nghèo lên tới hơn 51% và là một trong 63 huyện khó khăn nhất cả nước. Hệ thống giao thông, hạ tầng trường, trạm yếu kém ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như phát triển kinh tế. Thu ngân sách của Ba Bể năm 2008 chưa vượt qua con số 7 tỉ đồng, thậm chí đến năm 2019, số thu cũng chỉ hơn 30 tỉ đồng. Do đó, địa phương gần như không có nguồn lực để tự đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu.

Theo tinh thần Nghị quyết số 30a (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008) của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, trong thời gian 10 năm, từ 2009 đến 2018, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã hỗ trợ gần 75 tỉ đồng, giúp Ba Bể đầu tư, xây dựng hàng loạt hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu nhằm nâng cao đời sống, giúp người dân thoát nghèo.

Người dân xã Địa Linh, huyện Ba Bể đã có thể an tâm đến khám, chữa bệnh ngay tại Trạm Y tế xã.

Đến nay, có 9 trạm y tế xã đã được đầu tư xây mới, góp phần quan trọng để Ba Bể là một trong những địa phương sớm hoàn thành đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế xã. Cùng với đó, 34 công trình giáo dục, chủ yếu là các công trình trường lớp học được xây mới và cải tạo, nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở huyện miền núi này khi có tới 10 trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục. Ngoài ra, từ số tiền hỗ trợ của TKV cũng đã giúp cho hàng chục hộ gia đình khó khăn có nhà ở.

Ông Cao Minh Hải, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: “Qua 10 năm nhờ hỗ trợ của tập đoàn cùng với các nguồn lực khác giúp cho huyện có những sự đổi thay tích cực, năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định Ba Bể thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Bộ mặt về kinh tế xã hội có nhiều khởi sắc, tỉ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên, công tác y tế chăm sóc sức khỏe cho bà con tuyến cơ sở được đảm bảo”.

Mặc dù hoạt động sản xuất của tập đoàn trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn song với quyết tâm đồng hành cùng người dân, đơn vị đã dành những khoản đầu tư không nhỏ để hỗ trợ 3 huyện theo tinh thần Nghị quyết 30a đó là Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn – huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Góp phần quan trọng để các địa phương nâng cao hơn chất lượng đời sống người dân.

Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đánh giá: “Việc hỗ trợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói chung và của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam nói riêng đã giúp cho huyện nghèo, xã nghèo của tỉnh có hạ tầng thiết yếu, tăng khả năng tiếp cận những dịch vụ cơ bản, đồng thời giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song diện mạo kinh tế, xã hội của Ba Bể đã có nhiều khởi sắc. Thành công đó, ngoài sự cố gắng nỗ lực của địa phương, có dấu ấn không nhỏ từ những sự hỗ trợ đầy ý nghĩa của tập thể cán bộ, công nhân viên tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại huyện vùng cao này.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Theo VOV.VN

Ảnh: Trường Mầm non xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể được đầu tư khang trang từ nguồn vốn hỗ trợ của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/kinh-te/dau-an-thoat-ngheo-o-vung-cao-ba-be-1004077.vov