Đánh thuế cao có kiểm soát được tình trạng ‘bong bóng’ bất động sản?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa đưa ra đề xuất đánh thuế cao hơn với các trường hợp đầu cơ, găm đất khiến người đang ôm đất phải từ bỏ, giúp giá đất đang cao có thể thấp xuống, hạn chế được tình trạng ‘bong bóng’ BĐS. Tuy nhiên, đánh thuế ra sao cho hợp lý hiện vẫn chưa có giải pháp cuối cùng.

Đánh thuế đất vẫn chưa có giải pháp

Chiều 16-3, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề đầu cơ đất đai, trốn thuế giao dịch đất đai. Về thuế sử dụng đất, với dự án chậm sử dụng đất khi đấu giá, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, phải đưa ra lộ trình sử dụng và coi đây là quy định bắt buộc. “Nếu kéo dài thì phải có biện pháp đánh thuế tránh đầu cơ, trục lợi. Thuế này tăng như thế nào thì sẽ bàn tiếp… Đánh thuế cao hơn với các trường hợp đầu cơ, găm đất, bởi các trường hợp này không làm phát sinh giá trị kinh tế xã hội. Đánh thuế cao cũng khiến người đang ôm đất phải từ bỏ. Giá đất đang cao có thể thấp xuống”, ông nói.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, kể cả nhà ở, đất ở, dự án không đầu tư, hay đất nông nghiệp không sử dụng… phải đánh thuế. Kể cả với người có 5-6 nhà nhưng nhà nào không ở, không sinh lời cho xã hội thông qua cho thuê, kinh doanh thương mại… thì phải đánh thuế.

Quan điểm của người đứng đầu Bộ TN&MT rất mới và còn phụ thuộc vào lĩnh vực thuế nên vẫn chưa có giải pháp cuối cùng. Trước đó, ngày 14-3, Bộ Tài chính khẳng định chưa có “bất kỳ chủ trương nào” về việc xây dựng một luật riêng về đánh thuế tài sản.

Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chuyên gia quản lý tài nguyên nhận xét, việc đánh thuế BĐS với mục tiêu tạo nguồn thu ổn định và lâu dài, thay cho thu chủ yếu từ giao đất, cho thuê đất hiện nay là điều cần thiết. Nhưng đây là sắc thuế rất phức tạp, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu luật đưa ra không hợp lý sẽ không đạt các mục tiêu trên, không giải quyết được vấn đề của thị trường, thậm chí không ngăn được đầu cơ đất đai.

Trong giai đoạn hiện nay sốt giá bất động sản là do hoàn cảnh thị trường tạo nên, đặc biệt là việc thiếu cung do hệ thống pháp luật không hợp lý. Như vậy, đánh thuế nhà và tài sản, sẽ không chắc sẽ giải quyết được bài toán hạ nhiệt cơn sốt đất hiện nay.

Cảnh báo nguy cơ “bong bóng” quay trở lại

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng tồn kho bất động sản năm 2021 giảm so với năm 2020, nguyên nhân một phần do nguồn cung hầu hết các phân khúc BĐS mới của thị trường đều hạn chế. Nhìn chung, các phân khúc như căn hộ bình dân, căn hộ trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đặc biệt là đất nền đều được hấp thụ tốt và tính thanh khoản cao, hầu như không phát sinh tồn kho. Lượng tồn kho BĐS chủ yếu tập trung vào phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi.

Trong khi Bộ TN&MT và Bộ Tài chính chưa có sự thống nhất về đánh thuế BĐS, tránh việc đầu cơ găm đất thì trước đó nhằm ngăn chặn hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ, Chính Phủ, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT đã có́ các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại TP.Đà Nẵng,…).

Chỉ đạo trên cũng bắt nguồn ở thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí “sốt giá” đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh ( tăng 20%), Hưng Yên ( tăng 26%) và ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh; TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,…cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Đánh giá của Bộ Xây dựng cho thấy, việc đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian vừa qua bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Có một số trường hợp có kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Cụ thể với trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm cho thấy, kết quả trúng đấu giá của 4 lô đất đã có phần tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường bất động sản của khu vực Thủ Thiêm. Sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá 4 lô đất này, giá giao bán tại các dự án khu đô thị, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đã đồng loạt tăng, tuy nhiên ghi nhận giao dịch rất ít. Sau khi có thông tin chủ đầu tư xin chấm dứt thực hiện hợp đồng trúng đấu giá, thị trường BĐS khu vực đã cơ bản ổn định trở lại.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ: TN&MT, Xây dựng, Tài chính, Công an… đến nay, theo báo cáo của các địa phương hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ xảy ra “bong bóng” BĐS là khó xảy ra. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng vẫn đưa ra cảnh báo vẫn có thể khởi phát lại hiện tượng “sốt giá” BĐS trong năm 2022. Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường BĐS phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt (kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 – 2009).

Ngay từ tháng 1-2022, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo các sở TN&MT, Xây dựng, Tài chính, Ngân hàng…tăng cường quản lý, kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS. UBND TP giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì công bố công khai các đồ án về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, các dự án BĐS, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng phao tin đồn, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Sở TN&MT thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ công tác đấu giá đất, việc định giá đất bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS…

Sở Xây dựng theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến thị trường, thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và “bong bóng” BĐS trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về đầu tư kinh doanh, môi giới BĐS…

Khắc Hạnh/PL&XH

Theo Pháp luật & Xã hội

Ảnh: Tại Hà Nội vẫn còn nhiều dự án nhận đất nhưng chậm triển khai. Ảnh: K.H

Xem bài viết gốc tại đây:

https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/danh-thue-cao-co-kiem-soat-duoc-tinh-trang-bong-bong-bat-dong-san-282140.html