Dương Văn Truật (hay còn gọi là Đề Truật) – một vị tướng tài của Đề Thám.
Dấu tích còn lưu mãi đất này
Cuộc đời Đề Truật rạng nơi đây
Chiến công hiển hách dân ghi tạc
Giặc Pháp Cờ Đen hồn, vía bay
Danh tướng họ Dương ngời khí phách
Quê hương tôn tạo chốn thiêng này
Núi rừng Yên Thế còn vang vọng
Đề Hậu danh thơm toả tháng, ngày !
Nguyễn Văn Phả
Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang
Một số thông tin về cụ Đề Truật:
Trong sử sách viết về Khởi nghĩa Yên Thế, cái tên Dương Văn Truật hay Đề Truật, Đề Hậu được nhắc đến khá nhiều vào khoảng thời gian 1884- 1893. Theo tác phẩm “Hoàng Hoa Thám và Phong trào nông dân Yên Thế”- NXB văn hóa 1958, đã ghi: “Dương Văn Truật người làng Chuông, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, sinh khoảng giữa thế kỷ XIX (chưa rõ năm sinh) trong một gia đình trung nông, có học, giỏi võ và đặc biệt có tài bắn tên. Năm 1871, khi giặc phương Bắc tràn vào đốt phá khu vực Nhã Nam, Dương Văn Truật đã tập hợp dân binh lui về đồi Mã Giới xây lũy đánh giặc”.
Dương Văn Truật (hay còn gọi là Đề Truật) – một vị tướng tài của Đề Thám.
Dựa vào thế đất hiểm trở, tại đây Đề Truật cho củng cố, xây dựng 3 lũy cao, dày hàng mét, dài trên 50m. Đêm đêm, nghĩa quân ra đây rồi tỏa đi đánh giặc, ngày lùi vào khu vực phía sau, còn gọi là Hang Náu ẩn nấp.
Năm 1884, khi Đề Nắm khởi binh đánh giặc, Dương Văn Truật cùng nghĩa binh của mình nhập vào Khởi nghĩa nông dân Yên Thế, trở thành 1 trong 7 tướng lĩnh tài ba của Lương Văn Nắm. Lũy Đề Truật tại đồi Mã Giới là một trong những vị trí tiền tiêu theo dõi hoạt động của giặc tại Nhã Nam và trấn giữ con đường Nhã Nam – Khám Nghè. Biết Dương Văn Truật có vợ và ba con tại làng Chuông, xã Nhã Nam, giặc Pháp định bắt để uy hiếp.
Tuy nhiên, Dương Văn Truật đã kịp đưa vợ con vào khu vực Đồng Cang nay là thôn Đồng Thịnh, ngay phía sau đồi Mã Giới để sinh sống, cho đến bây giờ hậu duệ của cụ vẫn lập nghiệp tại đây.
Cụ Đề Truật (trái) cùng con rể của Đề Thám. |
Khi Đề Nắm lui về Hữu Nhuế (thuộc xã Phồn Xương, huyện Yên Thế ngày nay) xây dựng hệ thống phòng thủ, củng cố lực lượng, Dương Văn Truật về Đồng Vương xây dựng hậu dinh, sau này là đồn thứ 3 trong hệ thống 7 đồn của nghĩa quân Yên Thế. Cái tên Đề Hậu cũng ra đời từ đây.
Do có tài trong việc quân lương nên Đề Hậu và vợ được giao lo việc lương thực, vũ khí cho nghĩa quân. Tháng 3-1892, giặc Pháp mở chiến dịch lớn đánh cả 7 đồn lũy của nghĩa quân. Cánh quân do Trung tá Geil chỉ huy tấn công vào các đồn số 1, 2, 6 và 3, khu vực bản La Xa, xã Đồng Vương. Đề Hậu chỉ huy nghĩa quân chặn đánh quyết liệt, sau đó được lệnh rút vào rừng, rồi về đồi Mã Giới củng cố hào lũy đánh giặc.
Sau cái chết của Đề Nắm, theo lệnh của Đề Thám, Đề Truật tham gia vào vụ bắt giữ kẻ phản bội Đề Sặt trả thù cho Đề Nắm.
Giữa năm 1893, Dương Văn Truật lên Đu Đuổng tìm Đề Nguyên, Đề Lam đưa quân về Yên Thế hoạt động. Trên đường trở về nghỉ chân tại Bãi Bạc (gần thôn Hồng Lĩnh, xã An Thượng, huyện Yên Thế), Đề Truật bị giặc Pháp sát hại. Chúng chặt đầu đưa về treo tại cổng phủ Nhã Nam, hôm đó là ngày 12-8-1893 (tức 1-7 năm Qúy Tỵ). Sau gần một tuần, nghĩa quân Đề Thám dùng mưu mới cướp lại và đưa về chôn cất.
Đền Đề Truật được xây dựng từ năm 1976, 1995 và 2014. Năm 2020 tôn tạo, dựng tượng đồng cụ Đề Truật. Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2014 (theo Quyết định số: 1987/QĐ-UBND ngày 12/12/2014).
Ban biên tập
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Đền Đề Truật năm 2015