Trong những thập kỷ qua, Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển đang phải đối mặt với các thách thức trong việc ra quyết định khó khăn liên quan đến các hệ sinh thái (HST).
Trong những thập kỷ qua, Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển đang phải đối mặt với các thách thức trong việc ra quyết định khó khăn liên quan đến các hệ sinh thái (HST). Trên thực tế đã có nhiều tranh luận ở cấp quốc tế, quốc gia và địa phương trong việc ra quyết định đánh đổi giữa bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) cùng các dịch vụ HST và phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, các xung đột về lợi ích ở các cấp, lợi ích của các nhóm khác nhau, hay sự phân bổ giữa được và mất giữa các nhóm, ngày càng rõ rệt và thách thức các nhà quản lý trong việc ra quyết định. Bên cạnh đó, các chính sách và chương trình phát triển kinh tế – xã hội và biến đổi khí hậu (BĐKH), thời tiết cực đoan ngày càng trở nên hiện hữu. Vì vậy, bảo tồn ĐDSH hay các dịch vụ HST mà ĐDSH mang lại đã khó khăn, nay lại đứng trước những thách thức lớn hơn.
Trong bối cảnh đó, các quyết định mang tính đôi bên cùng có lợi (win-win) được dùng phổ biến như một thuật ngữ mang tính thỏa hiệp và lý tưởng hóa các quyết định khó khăn. Tuy nhiên, cách tiếp cận thỏa hiệp này đã và đang dẫn đến nhiều hệ quả, thách thức cho các nhà quản lý và đòi hỏi một sự nhìn nhận thấu đáo từ nhiều góc độ trong quá trình ra quyết định vàđiều hành.Bài viết này đề cập đến việc đánh đổi giữa các dịch vụ HST, giữa bảo tồn ĐDSH hay tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế – xã hội tại vùng núi Đông Bắc Việt Nam trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu và bài học liên quan trong nước và quốc tế nhằm hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững.
ĐÁNH ĐỔI CÁC DỊCH VỤ HỆ SINH THÁI
Sự đánh đổi theo nghĩa chung nhất, là một khái niệm dùng để nói lên sự lựa chọn cho một quyết định nào đó, mà quá trình ra quyết định đòi hỏi phải đánh đổi một mục tiêu nào đó để đạt được mục tiêu khác. Đánh đổi không chỉ là được – mất, nó được định nghĩa như một sự lựa chọn về quản lý làm thay đổi tính đa dạng, chức năng và dịch vụ mà HST cung cấp theo không gian và thời gian. Tương tự như vậy, đánh đổi giữa các dịch vụ HST nảy sinh từ lựa chọn cách quản lý của con người mà vô tình hay hữu ý thay đổi loại hình, phạm vi và sự hài hòa tương đối những dịch vụ do HST cung cấp, bao gồm 4 loại hình: cung cấp (thực phẩm, nguyên, nhiên liệu…), điều tiết (khí hậu, thủy văn…), hỗ trợ (tạo đất, năng suất sơ cấp, tái tạo chất dinh dưỡng, sinh cảnh của các loài…) và văn hóa (giá trị thẩm mỹ, văn hóa, du lịch…).
Đánh đổi xảy ra khi việc cung cấp một dịch vụ HST bị suy giảm do việc tăng cường sử dụng một hoặc nhiều các dịch vụ HST khác. Đánh đổi xảy ra giữa các bên liên quan cũng như giữa các dịch vụ HST ở bất cứ nơi nào, thời điểm nào và nhiều khi không thể đảo ngược được.
Trong khi quan niệm “được-được” (win-win) đang được sử dụng một cách khá rộng rãi trong các tổ chức và cộng đồng quốc tế và trong nước liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững thì nhiều nghiên cứu đã đặt các câu hỏi và giả thiết về được-được, đặc biệt là trong thực tế nhiều khi xảy ra trường hợp “cạnh tranh” giữa các mục tiêu bảo tồn và phát triển kinh tế hơn là sự hậu thuẫn hay đồng thuận. Có thể chia các loại hình đánh đổi giữa bảo tồn và phát triển thành các kịch bản theo Bảng 1 dưới đây:
Giữa các dịch vụ HST thường diễn ra sự đánh đổi hay đồng vận. Trên thực tế, sự đánh đổi thường xảy ra nhiều gấp 3 lần so với đồng vận và được thể hiện qua ba chỉ thị: Ít nhất một trong các bên liên quan có mối quan tâm riêng về tài nguyên thiên nhiên; Sự tham gia của các dịch vụ cung cấp HST; Ít nhất một trong các bên liên quan chỉ hành động ở cấp độ địa phương. Đánh đổi cũng xảy ra giữa các bên liên quan cũng như giữa các dịch vụ HST ở các mức độ và địa phương khác nhau và được hiểu không giống nhau tùy thuộc vào các chính sách cũng như kinh nghiệm sống.
Ở Việt Nam, các loại hình đánh đổi chính qua các thời kỳ được xác định như ở Bảng 2 như sau:
Đánh đổi phụ thuộc vào các khía cạnh khác nhau như chính sách, kinh tế, quyền lực, giới… Các yếu tố chính sách ảnh hưởng đến việc ra quyết định đánh đổi ở Việt Nam gồm: Việc thay đổi chính sách kinh tế từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường; Cơ chế quản lý tài nguyên từ tập trung bao cấp sang sở hữu tư nhân; Sự phát triển của xã hội dân sự với sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình ra quyết định.
TÍNH ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ DỊCH VỤ HỆ SINH THÁI CỦA MỘT SỐ KHU VỰC VÙNG NÚI PHÍA BẮC VIỆT NAM
Vùng núi phía Bắc bao gồm các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang và Tuyên Quang. Đây là khu vực điển hình của các HST núi đá vôi với mức độ phong phú về sinh cảnh và các loài cao. Song song với tính ĐDSH cao thì khu vực này cũng gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế trong phát triển kinh tế – xã hội. Dân cư tập trung tại khu vực này chủ yếu là các đồng bào dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Thái… nên còn nhiều hạn chế trong trình độ học vấn cũng như phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, bà con dân tộc tại khu vực còn nhiều phong tục, tập quán cũng như thói quen trong việc thu hái lâm sản, săn bắn và canh tác nương rẫy. Việc sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật không kiểm soát dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, không khí… cũng tác động không nhỏ đến ĐDSH và các dịch vụ HST.
Kết quả khảo sát ban đầu đã đánh giá lại hiện trạng ĐDSH của các khu bảo tồn Cham Chu của tỉnh Quyên Quang, Vườn quốc gia Du Già thuộc tỉnh Hà Giang, Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén của tỉnh Cao Bằng và khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc thuộc tỉnh Bắc Kạn đã xác định được 1.089 loài thực vật bậc cao, 58 loài thú, 130 loài chim, 62 loài các, 39 loài ếch nhái, 22 loài bò sát, 189 loài côn trùng, 176 loài động vật đất và tuyến trùng, 54 loài động vật thủy sinh cỡ lớn. Trong đó có nhiều loài quý, hiếm trong Sách đỏ Việt Nam (2007) cũng như Danh lục đỏ của IUCN. Các HST điển hình là các HST núi đá vôi, các sông, suối, hồ chứa và HST nông nghiệp (ruộng lúa, nương rẫy, cánh đồng trồng màu và các vườn nhà. Các dịch vụ HST của khu vực bao gồm:
Dịch vụ cung cấp: Nhiều hộ gia đình vẫn còn sống phụ thuộc vào việc thu hái lâm sản (tất cả các vùng đệm của các khu bảo tồn), đánh bắt cá và các loài lưỡng cư. Thậm chí, một số khu vẫn còn hiện tượng săn bắt thú và chim, bò sát để làm thực phẩm và đôi khi còn bán;
Dịch vụ điều tiết có vai trò rất quan trọng ở khu vực này. Đặc biệt là việc điều tiết nước, không khí và hạn chế xói mòn. Tại khu vực có các hồ chứa và công trình thủy lợi như Na Hang…;
Dịch vụ hỗ trợ: Việc hình thành đất, năng suất sơ cấp và đặc biệt là nơi sống của các loài có vai trò rất quan trọng tại khu vực này;
Dịch vụ văn hóa: Bên cạnh các lễ hội văn hóa truyền thống thì khu vực có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm.
Mặc dù các HST (bao gồm cả HST xã hội) có khả năng thích ứng và chống chịu trước BĐKH và những tác động của hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, nhưng các HST cũng dễ bị tổn thương trước những biến đổi này tùy thuộc vào mức độ của độ phơi bày trước hiểm họa, tính nhạy cảm và khả năng tự điều chỉnh, thích ứng của chúng. Những tác động của các hoạt động phát triển như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác tài nguyên sinh học (dịch vụ cung cấp) không hợp lý dưới tác động của BĐKH sẽ làm cho các HST này dễ bị tổn thương hơn. Bên cạnh các tác động của việc gia tăng dân số và các hoạt động phát triển, việc xâm nhập của các loài ngoại lai như mai dương, bèo Nhật Bản và ốc bươu vàng, cũng là những tác nhân gây sức ép đáng kể. Thêm vào đó, các chính sách và biện pháp quản lý cũng gây nên những tác động không nhỏ lên các HST như giữ mực nước cao có thể làm thay đổi phân bố của loài ở các HST rừng ngập mặn hay HST đất ngập nước nội địa. Chính sách từ trên xuống, thiếu sự gắn kết, thương thảo và hợp tác giữa các bên liên quan, chính sách bảo vệ nghiêm ngặt ngăn chặn sự xâm nhập cũng như tham gia của người dân vào các khu bảo tồn.
Ở khu bảo tồn thiên nhiên Cham Chu, tỉnh Tuyên Quang, đánh đổi xảy ra giữa việc chuyển đổi một số diện tích của khu bảo tồn (dịch vụ hỗ trợ, điều tiết) sang trồng rừng (cây nhập nội) và cam, chanh (dịch vụ cung cấp) đã gây áp lực rất lớn lên sự tồn tại cũng như sinh cảnh của các loài, trong đó có loài gà lôi trắng quý hiếm ở mức nguy cấp cần phải được bảo vệvà các loài khác như báo, gấu, thằn lằn cá sấu…
Trong khi đó, việc khai thác mỏ ở khu vực Vườn quốc gia Du Già (cả khu bảo tồn Khau Ca và khu bảo tồn Bắc Mê) cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến rừng và đất rừng (dịch vụ hỗ trợ và điều tiết) của Vườn – khu vực không chỉ giàu về ĐDSH, mà còn là rừng đầu nguồn vô cùng quan trọng của hệ thống sông Gâm – thủy điện Na Hang, cung cấp các dịch vụ điều tiết cho không chỉ Hà Giang mà cả Tuyên Quang. Dự án này đã chuyển đổi trên 30 ha đất rừng của xã Minh Ngọc (Bắc Mê) sang khai thác khoáng sản làm mất đi sinh cảnh cũng như nhiễu động tập tính của các loài sinh vật tại khu vực. Đồng thời cũng dẫn đến ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân trong khu vực.
Tại Phia Oắc-Phia Đén thuộc khu vực huyện Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng, ngoài việc khai thác mỏ thiếc ở Tĩnh Túc thì việc phát triển cây dong giềng và kế hoạch mở rộng khu đô thị Phia Đén cũng sẽ gây sức ép không nhỏ lên cả vùng đệm và vùng lõi của Vườn quốc gia, ảnh hưởng đến công tác quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nói chung, ĐDSH nói riêng.
Tại khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc của tỉnh Bắc Kạn, việc khai thác mỏ tại vùng đệm và trong vùng lõi đã có những tác động không nhỏ đến sinh cảnh cũng như tập tính của các loài, trong đó có nhiều loài mới cho Việt Nam và nhiều loài quý, hiếm của thế giới. Trong các trường hợp nghiên cứu trên, khi triển khai các dự án, các dịch vụ mà ĐDSH có thể mang lại chưa được xác định cũng như lượng giá một cách thỏa đáng trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hoặc thậm chí vừa làm vừa ĐTM.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Đánh đổi không chỉ là được – mất, mà là một loạt sự lựa chọn về quản lý làm thay đổi tính đa dạng, chức năng và dịch vụ mà HST cung cấp theo không gian và thời gian. “Được-được” (win-win) là một sự lựa chọn khó khăn.
Đánh đổi xảy ra khi việc cung cấp một dịch vụ HST bị suy giảm do việc tăng cường sử dụng một hoặc nhiều các dịch vụ HST khác, giữa các bên liên quan theo không gian và thời gian và nhiều khi không thể đảo ngược được. Đánh đổi phụ thuộc vào các khía cạnh khác nhau như chính sách, kinh tế, quyền lực, giới, sự tham gia của các bên liên quan….Giữa các dịch vụ HST, đánh đổi thường xảy ra gấp ba lần đồng vận.
Phát triển kinh tế – xã hội một cách không hài hòa, không bền vững tác động mạnh mẽ lên ĐDSH và các dịch vụ sinh thái. Lựa chọn hay đánh đổi giữa các dịch vụ HST trong bối cảnh BĐKH cần giảm nhẹ sự thay đổi loại hình, phạm vi và sự hài hòa tương đối những dịch vụ do HST cung cấp, bao gồm 4 loại hình: cung cấp, điều tiết, hỗ trợ và văn hóa.
Lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển một cách hài hòa, giữa các dịch vụ HST, đặc biệt là trong bối cảnh BĐKH, là khó khăn nhưng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, ở Việt Nam còn rất ít các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này. Do đó, việc cần có đầu tư cho những nghiên cứu sâu và tăng cường nhận thức cũng như năng lực cho lĩnh vực này là rất cấp thiết.
Hoàng Văn Thắng – Võ Thanh Sơn
Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo Tạp chí Môi trường
Ảnh: Lực lượng kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc
Xem bài viết gốc tại đây: