Đắm say nghe làn điệu hát ví, hát ống ở Bắc Giang

“Đường về giếng nứng bao xa?/Cho anh biết với đôi ta đi cùng/Gương trong mặt nước soi chung/Trưa hè tắm mát dội chung một gầu…” Lời ca từ đằm thắm, ngọt ngào đó đã thôi thúc tôi tìm về cái nôi hát ống, hát ví ở thôn Hậu, xã Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang.

Em cho chàng hỏi: Đường về giếng nứng bao xa?/ Cho anh biết với đôi ta đi cùng/Gương trong mặt nước soi chung/Trưa hè tắm mát dội chung một gầu…” Lời ca từ đằm thắm, làn điệu sâu lắng, ngọt ngào đó đã thôi thúc tôi tìm về cái nôi hát ví , hát ống ở thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Nét văn hóa truyền thống độc đáo này có từ phong kiến trước năm 1945 đến nay. 

Một buổi chiều mùa hạ, cuối tháng 4 năm 2022, tôi cùng anh Ngô Văn Nguyên, công chức Văn hóa xã Liên Chung dẫn tới thăm gia đình cụ Nguyễn Văn Đài, 81 tuổi, một giáo viên nghỉ hưu, người am hiểu về truyền thống tục hát ví, hát ống ở thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Qua câu chuyện, cụ Đài phấn khởi kể lại: “ Thôn Hậu, xã Liên Chung xưa kia là làng Hậu, xã Chung Sơn thuộc Tổng Tuy Lộc Sơn, Phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Làng Hậu là cái nôi sinh ra làn điệu hát ví, hát ống, có từ thời phong kiến trước năm 1945. Năm tôi lên 5 tuổi, vẫn thường theo mẹ đi nghe các chị, các bác ra đầu ngõ Giữa, giếng Nứng và sân đình Vường của làng nghe hát. Lúc đó có chị Nguyễn Thị Giảng, hát cùng bà Im (ngõ Giữa); bà Lượt hát với cụ Đệ ( xóm Am)”. 

tm-img-alt
Cụ Nguyễn Văn Đài, 81 tuổi dẫn tác giả thăm Giếng Nứng làng Hậu có từ trước năm 1945 ( xưa kia cả làng dùng chung). Hát ví luôn được thể hiện ở đây, mỗi khi bà con đến giếng lấy nước và sinh hoạt. Trải qua hàng thế kỷ nay giếng vẫn còn nguyên vẹn. 

“Làng Hậu bấy giờ chỉ có 03 đôi ống hát gồm: 01 đôi ở ngõ Rạnh do cụ Huynh giữ; 01 đôi ở ngõ Giữa do bà Nhài giữ và 01 đôi ở ngõ Hàng do ông Nguyễn Thế Thẩu giữ. Khi nào hát thì hẹn nhau mang ra, hát xong đem về nhà cất giữ rất cẩn thận”.

tm-img-alt
Cụ Nguyễn Văn Đài nói về cách làm một đôi ống hát bằng tre Mai đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng

Cụ Nguyễn Văn Đài là một người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật hát ví, hát ống truyền thống của làng Hậu. Những lúc rảnh rỗi, cụ thường dành nhiều thời gian tìm hiểu, ghi chép lại lời bài hát ví, hát ống cổ xưa. Những câu từ thể loại thơ lục bát nhằm giữ lại truyền dạy cho các con, cháu sau này.

Cụ cho hay: “Hát ví có 03 hình thức là: Ví lẻ, ví vặt và ví cuộc. Ví lẻ và ví vặt là có thể hát bất cứ ở nơi nào với đề tài ngẫu hứng hát đến vấn đề mình quan tâm. Hát ví cuộc là thường dùng hát trong lễ hội và hát giữa phường nọ với phường kia với 03 giai đoạn: Hát chào hỏi; hát giao duyên nguyện ước và hát tiễn dặn. Dù hình thức nào, hát ví cuộc bao giờ cũng phải có hai bên thường là một bên nam, một bên nữ. Khi hát ví đứng hoặc ngồi bên nhau đủ khoảng cách cho người đối diện nghe rõ. Lối hát có sự ví von, lời ca thường là những câu thơ ca lục bát có vần, có điệu, phường nào hát trước gọi là “hát sướng”, hát sau gọi là “hát họa”. 

Hát ống có nội dung như lời hát ví, nhưng khác ở chỗ, khi hát tối thiểu phải có từ 02 người trở lên mới thực hiện được. Người hát và người nghe phải có từ 02 người trở lên mỗi người sử dụng 01 ống để vừa hát, vừa nghe.

Vật liệu làm ống hát sử dụng loại ống tre mai, 01 đầu ống được bịt bằng da ếch tươi căng như phẳng như mặt trống, giữa miệng ống được chọc thủng 01 lỗ kim nhỏ để luồn sợi dây tơ tằm buộc ngang 01 chiếc kim khâu giữ sợi dây để truyền tải thông điệp lời bài hát cho nhau nghe. Ống có đường kính khoảng 7cm – 9 cm, dài khoảng 16 cm -18 cm.

Xưa kia, người ta thường dùng dây tơ tằm làm dây dẫn, giờ hiếm dây tơ tằm, thì dùng sợi dây chỉ công nghiệp xe 4 sợi lại làm dây ống. Da ếch phải chọn lấy từ con ếch to, già, mổ đằng lưng lột lấy bộ da căng mặt ống tre. Căng xong đem phơi ra ngoài nắng nhẹ cho khô căng như mặt da trống là được.

Khi hát, âm thanh từ phát ra làm mặt da ếch rung lên, truyền âm thanh qua sợi dây dẫn vọng tới tai người nghe. Xưa hát ống ở làng Hậu người ta thường dùng dây dẫn dài 60- 70 sải tay( tương ứng với 80 m – 90 m).

Khoảng cách của người hát và người nghe cách xa có thể nhìn thấy hoặc không nhìn thấy nhau. Phía người hát, khi hát xong lại chuyển ống lên tai để nghe phía bên kia hát đối đáp lại. Dây nối 02 ống tre với nhau khi hát phải căng không được để trùng hoặc chạm vào các vật như: Bờ tường, cành, lá cây gây ảnh hưởng tới độ trong, độ vọng của âm thanh truyền tới tai người nghe. Ngày nay, hát ống, hát ví thường biểu diễn ở sân khấu ngoài trời nên dây dẫn ống hát được làm ngắn lại cho phù hợp với khung cảnh sân khấu nơi biểu diễn.   

Như sống lại một thời tuổi trẻ, cụ Đài liền cao hứng cất lên bài hát ví “ Hỏi đường”:   

Nam:“Đường về giếng nứng bao xa?
Cho anh biết với đôi ta đi cùng
Gương trong mặt nước soi chung
Trưa hè tắm mát dội chung một gầu.

Nữ:Đường về giếng Nứng xa xôi
Quanh co lắm bậc, leo đồi khó qua
Nếu mà chẳng quản đường xa
Tiện chân thăm giếng qua nhà em chơi
Trưa hè thong thả thảnh thơi
Dạo quanh ngõ Xá tắm nơi giếng làng.
Nam:Vui sao anh biết được nàng
Biết đường thăm giếng, vui càng vui hơn”.     

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong dịp hòa hoãn với quân Pháp hát ví, hát ống được nhân dân cùng nghĩa quân Nông dân Yên Thế tổ chức tưng bừng, hát ví, hát ống mừng chiến thắng khắp nơi tại các đại bản doanh.

Trải qua hàng thế kỷ, tục lệ hát ví, hát ống ở xã Liên Chung vẫn luôn được lưu truyền những làn điệu cổ mộc mạc trữ tình làm xao xuyến lòng người nghe hát. Người nông dân chân lấm, tay bùn họ có thể hát ở bất cứ đâu, trong lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Hát mời cơm, mời trầu, mời rượu khi khách đến chơi nhà, hát trên cánh đồng khi cày cấy, làm cỏ, tát nước, bên giếng làng, bóng sân đình và các ngày lễ hội của mùa xuân mới:

“Mặt trời đã xế về Tây
Hỡi em cắt cỏ bên đầy, bên vơi
Em còn cắt nữa hay thôi
Để tôi cắt với làm đôi vợ chồng”.

Với lối hát giao duyên, đối đáp nam, nữ, có thể thấy những lời ca câu hát ống, hát ví rất tình tứ như thay lời tâm sự của chàng muốn nói với nàng: 

“Hỡi cô thắt cái bao xanh
Có về làng Hậu quê anh thì về
Làng Hậu có gốc cây Đề
Có sông tắm mát có nghề làm nem
Đình Vường mở hội ngày mai
 Có thương, có nhớ thì ai hãy về
Thương anh em cũng muốn về
Chỉ e vụng dại, bạn chê người cười
Thương nhau chín bỏ làm mười
Thế gian cứ nhại ai cười mặc ai”. 

tm-img-alt
Đội bên nam hát ống chào hỏi bên nữ. (cụ Nguyễn Văn Đài, 81 tuổi, người mặc áo the, khăn xếp (thứ 2, từ trái sang phải) vẫn nhiệt tình tham gia CLB hát ví, hát ống xã Liên Chung ) 
tm-img-alt
Đội bên nữ lắng nghe bên nam hát chào hỏi

Trong hát ví, hát ống đôi khi còn là những sự so tài cao thấp giữa các phường hát, sự đối đáp sắc bén, lưu loát qua từng câu hát ví von có vần.

Phường bên này hát, bên kia hát đáp lại. Nếu đối đáp cân tài thì thỏa mãn vui vẻ, nếu không thì coi như một món nợ hẹn cuộc hát lần sau so tài đáp trả.

Trong hát ống, hát ví còn có những câu hát bông đùa, giễu cợt nhằm trêu chọc đối phương giữa phường này với phường khác gây nên sự bực tức nhưng không thù ghét nhau .

Khi bị trêu chọc thì cố gắng cùng suy nghĩ để tìm ra câu hát đối đáp lại sao cho thật thỏa đáng trong lòng mới phấn khởi ra về chia tay rời xa cuộc hát đối đáp được. 

tm-img-alt
Đội bên nữ hát đáp lời
tm-img-alt
Đội nam lắng nghe bên nữ hát đáp lời tại sân đình Vường

Anh Ngô Văn Nguyên – Chủ nhiệm câu lạc bộ hát ví, hát ống xã Liên Chung chia xẻ: “Trước tốc độ xã hội phát triển công nghệ số, hát ví, hát ống Liên Chung dần không được giới trẻ quan tâm, chỉ còn một số ít người có tuổi đam mê với làn điệu cổ. Được sự quan tâm của UBND huyện Tân Yên cùng UBND xã Liên Chung, Tháng 4/2012, Câu lạc bộ (CLB) hát ống, hát ví Liên Chung được ra đời thành lập, đến nay đã được tròn 10 năm. Hiện nay, CLB có 31 thành viên. Thường kỳ, hàng tháng CLB đều đặn tổ chức sinh hoạt nhằm luyện tập giữ gìn bản sắc văn hóa của quê hương. Tết đến, xuân về, những ngày lễ, hội, hoặc dịp cuối năm, CLB lại giao lưu văn nghệ, thi hát ống, hát ví lại diễn ra. Các thành viên CLB lại rộn ràng khăn áo, lóng lánh, thướt tha tưng bừng, phấn khởi biểu diễn những làn điệu hát ống, hát ví đậm chất trữ tình quê hương”. 

tm-img-alt
Màn hát giao duyên đối đáp nam nữ tại sân đình Vường ( làng Hậu)

Trao đổi cùng ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất ở Liên Chung bây giờ là bộ môn nghệ thuật truyền thống này đã mai một từ lâu, những người còn tâm huyết với hát ví, hát ống không nhiều. Công nghệ số thông tin ngày càng phát triển, thế hệ trẻ hiện nay ít mặn mà, quan tâm đến với loại hình nghệ thuật này. Để gìn giữ bảo tồn bộ môn nghệ thuật này, năm 2012, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin hướng dẫn UBND xã Liên Chung và hỗ trợ kinh phí ra mắt CLB thành lập CLB Hát ví – Hát ống. Để gìn giữ, bảo tồn, nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB văn hóa, văn nghệ truyền thống ở cơ sở, năm 2020, UBND huyện ban hành Kế hoạch về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ khôi phục hoạt động các Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống cơ sở với nguồn kinh phí là 10 triệu đồng/01 CLB. Công trình cầu vượt sông Thương Dự án đường nối QL 37- QL 17- QL 292 đoạn Việt Yên – Tân Yên – Lạng Giang, nối từ xã Liên Chung ( huyện Tân Yên) sang xã Dương Đức ( huyện Lạng Giang), có tổng chiều dài 400 m x rộng 12 m với tổng kinh phí trên 122 tỷ đồng. Đang phấn đấu khẩn trương thi công nhằm hợp long vào dịp Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/2022, dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 02/9/2022 (trước 06 tháng so với kế hoạch). Cây cầu là điểm nhấn kết nối giao thông vùng, thu hút các nhà đầu tư về địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch. Mỗi khi du khách đến du lịch Bắc Giang sẽ không quên ghé thăm Liên Chung; thăm di tích lịch sử đền Dành có từ thời Lê giữa rừng Thông bạt ngàn cổ thụ; thưởng thức món đặc sản ẩm thực truyền thống nem nướng Liên Chung với rượu sâm Nam núi Dành tiến Vua nguồn gốc từ thời vua Tự Đức (thế kỷ thứ 18); đắm say nghe làn điệu hát ví, hát ống truyền thống của những người dân thôn quê mộc mạc, hiếu khách nơi này”.

tm-img-alt
Cây cầu vượt Sông Thương từ xã Liên Chung ( Tân Yên) sang xã Dương Đức (Lạng Giang) đang khẩn trương gấp rút kịp tiến độ hợp long vào ngày 30/4/2022 và khánh thành thông xe vào ngày 02/9/2022. 

Ánh nắng chiều đang dần khuất bóng trên đỉnh ngọn núi Dành, chia tay Liên Chung mà lòng tôi tràn đầy phấn khởi, mừng vui xen lẫn tự hào trước cảnh sắc đổi thay của một vùng quê trù phú nơi đây so với 10 năm trở về trước.

Cây cầu vượt Sông Thương in bóng nước trong xanh, sắp nối liền giữa hai bờ của huyện Tân Yên và Lạng Giang. Tiếng búa đập chan chát, tiếng máy kêu rộn rã cả đêm ngày không ngơi nghỉ. Những ánh lửa hàn xanh lét liên tục tóe lên dưới bàn tay người thợ cầu cho ngày hợp long sắp tới.

Những con đường trải nhựa, trải bê tông uốn lượn chạy tới tận các ngõ xóm, tới những ngôi nhà tầng, biệt thự khang trang mọc lên giữa những vườn sâm Nam bạt ngàn xanh mướt trải dài từ xã Việt Lập đến xã Liên Chung ( huyện Tân Yên), báo tín hiệu no ấm trù phú của một vùng quê – Nơi hội tụ của những sắc màu văn hóa truyền thống đang thức dậy, khởi sắc phát triển từng ngày.

Cơn gió chiều hè cuối ngày bỗng thổi về mát rượi, cùng mùi thơm lừng của vị nem nướng Liên Chung nhà ai cuộn theo làn khói bếp tỏa vào trong gió. Chợt nghe đâu đây, tiếng vọng lời hát ví ru con của người mẹ nào ngân xa văng vẳng: 

“Dáng em in bóng đường quê
Thương nhau ta tạ lời thề không quên
Chia tay, trăng đã xế tà
Chia tay anh nhé, nhà xa em về”./.

tm-img-alt
Hát ống đôi nam
tm-img-alt
Đôi nữ hát đáp lời đôi nam
tm-img-alt
Đội nữ lắng nghe tín hiệu gọi bạn của đội nam
Trần Ngọc Sơn
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)