Đắk Nông: Nhiều vi phạm chưa bị xử lý tại mỏ đá Sơn Trung Kim

Quá trình khai thác, chủ mỏ đá cho bốc lớp đất, đá phong hóa đổ thẳng xuống dòng suối, xay nghiền đá gây bụi bặm ảnh hưởng đến môi trường.

Đặc biệt tại khu vực này có dấu hiệu khai thác, vận chuyển đá cây trái phép và không lắp đặt trạm cân theo quy định nhưng vẫn không bị xử lý hoặc cho dừng hoạt động.

Mỏ đá “hành dân”

Mỏ đá Sơn Trung Kim (thôn 1, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) nằm giữa bốn bề là rẫy cà phê. Công trường khai thác đá là một vùng đất rộng lớn, lồi lõm nằm vắt qua một con suối.

Phía dưới một hố sâu, những chiếc máy gầm rú chĩa mũi đục vào vách đá để lấy ra những phiến đá cây, tập kết ngổn ngang chờ chở đi. Cạnh đó, có một chiếc máy múc khác múc đá vừa nổ mìn xong đưa lên xe ben chở đến đổ vào cối xay.

Theo quan sát, đá từ cối xay đổ tràn xuống lòng suối, vùi lấp, làm thu hẹp dòng chảy, khiến dòng suối bị biến dạng, gây xói lở đất của người dân.

Tại đây, các xe vào chở đá nườm nượp, nhưng chủ mỏ đá không lắp đặt trạm cân và camera kiểm soát theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Vũ (thôn 1, Đắk Ngo) bức xúc: “Gia đình có 1,2ha cây cà phê nằm kế mỏ đá, nhưng từ ngày mỏ đá hoạt động đã cào đổ lớp đất mặt, lấn chiếm diện tích đất trồng cà phê, lấp luôn cả con đường đi làm rẫy.

Chủ mỏ đá cho nổ mìn khai thác cũng không thông báo, nhiều lúc gia đình đang ở rẫy thì nghe tiếng nổ, nhìn lên bầu trời là khói bụi đen ngòm. Ngoài ra, xe chở đá đi tiêu thụ khiến tuyến đường qua xã bị cày nát”.

Ông Vũ còn cho biết thêm, lợi dụng trời mưa, chủ mỏ đá bốc lớp phong hóa đất, đá chở đổ thẳng xuống dòng suối, khiến dòng suối vốn sâu và rộng nay bị vùi lấp, cạn dần, biến dạng và thay đổi dòng chảy, tạo ra một dòng chảy ngầm xoáy thẳng vào đất canh tác của người dân.

“Năm 2018, tôi có làm đơn phản ánh lên xã, sau đó thấy có đoàn xuống kiểm tra, nhưng chẳng thấy thay đổi gì”, ông Vũ phản ánh.

Cùng chung bức xúc, ông Thái Văn Hùng (ngụ thôn 1, Đắk Ngo) cho biết, gia đình có 5ha rẫy trồng cà phê nằm kế mỏ đá, nhưng có khoảng 2ha bị ảnh hưởng do bụi đá phủ hết khiến cây bị chết.

Kiểm tra, nếu vi phạm sẽ cho dừng

Mặc dù được cấp phép khai thác đá xây dựng nhưng chủ mỏ khai thác đá cây trái phép

Ông Nguyễn Xuân Lam, Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo cho biết, đây là mỏ đá có giấy phép khai thác, tuy nhiên hiện nay xã cũng không biết ai là chủ mỏ, chỉ biết tên công ty là Sơn Trung Kim.

“Đến nay xã chưa nhận được một đơn thư nào của người dân phản ánh liên quan đến mỏ đá, còn trong lúc họp cử tri, dân có phản ánh xe chở trên đường thì xã đã ghi nhận và phản ánh lên huyện vì đường này không thuộc thẩm quyền quản lý của xã”, ông Lam cho hay.

Ông Hồ Văn Lợi, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường (TN&MT) huyện Tuy Đức xác nhận, đây là mỏ đá của Công ty Sơn Trung Kim đã được cấp phép.

Về thực trạng mỏ đá không có trạm cân, hoạt động đổ đá xuống suối, gây ô nhiễm môi trường, ông Lợi cho hay, xã chưa có báo cáo lên huyện nên huyện cũng không biết.

“Qua thông tin Báo Giao thông phản ánh, Phòng TN&MT sẽ điện thoại xuống cho Chủ tịch xã kiểm tra. Chỗ đó mấy lần vào kiểm tra không gặp được chủ mỏ”, ông Lợi nói.

Ông Võ Văn Minh, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông cho biết, mỏ đá bazan (thôn 1, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) thuộc Công ty TNHH Sơn Trung Kim, được UBND tỉnh cấp phép khai thác đá xây dựng bằng phương pháp lộ thiên.

Diện tích khu vực khai thác 5ha, trữ lượng khai thác 666.666m3, công suốt 30.000m3 nguyên khai/1 năm. Thời gian khai thác 30 năm, kể từ năm 2018.

Quá trình khai thác, chủ mỏ phải thực hiện theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu trữ lượng công suất, trước khi tiến hành khai thác phải nộp thuế cấp quyền khai thác, thực hiện đầy đủ quy định đầy đủ các quy định pháp luật về môi trường.

“Mỏ đá nằm ở địa bàn xã Đắk Ngo, quá trình hoạt động sản xuất làm ảnh hưởng đến người dân, ảnh hưởng đến sông suối, người dân phản ánh lên xã, xã phải xuống kiểm tra, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo lên huyện để huyện xử lý, còn xã nói không hay biết là thiếu trách nhiệm”, ông Minh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Minh, tại khu vực mỏ, nếu đất người dân nằm đúng vị trí 5ha được cấp phép thì chủ mỏ phải thỏa thuận với người dân rồi mới khai thác, còn nếu khai thác lấn qua đất thì dân có quyền kiện.

“Trong thời gian tới, Sở sẽ tiến hành kiểm tra. Đối với việc không lắp đặt trạm cân sẽ xử lý và cho tạm dừng, khi nào lắp xong mới cho hoạt động lại”, ông Minh khẳng định.

Ông Võ Văn Minh, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông cho biết, với đá bazan dạng cột, thẩm quyền cấp phép khai thác thuộc Bộ TN&MT chứ không phải của tỉnh. UBND tỉnh chỉ cấp phép khai thác đá xây dựng thông thường, trong quá trình khai thác nếu phát hiện khoáng sản mới, như đá bazan trụ cột, chủ mỏ phải báo ngay cho Sở TN&MT, UBND tỉnh, đồng thời có trách nhiệm quản lý bảo vệ khoáng sản khai thác. Nếu không báo cáo, chủ mỏ vẫn cố tình khai thác, chở đi là sai.

Ngọc Hùng – Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Đất đá trong quá trình khai thác được đổ xuống suối, gây biến đổi dòng chảy, sạt lở đất canh tác

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/dak-nong-nhieu-vi-pham-chua-bi-xu-ly-tai-mo-da-son-trung-kim-d528968.html