Đắk Nông: Một doanh nghiệp có dấu hiệu khai thác đá cây trái phép

Mặc dù chỉ được cấp phép khai thác đá xây dựng thông thường nhưng Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Kim Lan (có trụ sở chính đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) vẫn dùng xe đào khai thác đá bazan dạng cây tại mỏ đá thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông.

Chưa được cấp giấy phép khai thác đá cây?

Theo phản ánh của một số người dân tại các xã Đắk Wer, Nhân Cơ (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông), tại mỏ đá thôn 13, xã Đắk Wer thường xuyên diễn ra việc khai thác đá bazan dạng cột, trụ dù doanh nghiệp chủ mỏ chỉ được cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường.

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp còn đầu tư, xây dựng một nhà máy cắt xẻ đá quy mô lớn, với nhiều máy móc cắt xẻ đá tự động, hiện đại. Việc khai thác, chế biến đá dạng cột, trụ diễn ra trong thời gian dài mà chưa thấy bị xử lý, ngăn chặn.

Ghi nhận tại hiện trường mỏ đá thôn 13 xuất hiện cột đá bazan dài từ 3-4m, đường kính 60-70cm được khai thác, tập kết và vận chuyển đến một xưởng cắt đá được xây dựng bên trong mỏ. Tại đây, hơn chục máy cắt, xẻ đá, máy mài, máy khò (đốt) đá vận hành liên tục. Hàng chục kiện đá ốp lát, đá bó vỉa hè… thành phẩm được tập kết phía trước nhà máy để chuẩn bị giao cho đối tác.

Bên cạnh đó, tại mỏ xuất hiện nhiều xe đào liên tục liên tục đục, khoan vào các khối đá khổng lồ để bóc, tách ra nhiều cột đá bazan với kích thước khá lớn. Mọi hoạt động khai thác, cắt xẻ, chế biến, vận chuyển đều diễn ra công khai, ngang nhiên.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông khẳng định, đơn vị được cấp phép khai thác đá tại mỏ đá thôn 13, xã Đắk Wer là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Kim Lan (tên tiếng Anh là KILACO CORP, trụ sở tại số 19G1, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh). Công ty này chưa được cấp phép đá bazan dạng cột, trụ, chưa từng làm thủ tục tận thu loại đá này. Mọi hành vi khai thác, tận thu, cắt xẻ, chế biến đá bazan dạng cột, trụ tại mỏ đá thôn 13, xã Đắk Wer đều là vi phạm pháp luật.

Theo giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông (số 37/GP-UBND, ngày 27/11/2018) cấp cho Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Kim Lan, doanh nghiệp được phép khai thác đá xây dựng tại mỏ đá thôn 13, xã Đắk Wer. Diện tích khu vực khai thác là 4,7 ha, trữ lượng hàng năm gần 50.000m3 đá nguyên khai.

Mỏ đá tại thôn 13, xã Đắk Wer có nhiều lớp đá cây

Sẽ chỉ đạo kiểm tra xử lý

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk R’Lấp, khoảng cuối năm 2020 đầu năm 2021, Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra mỏ đá, phát hiện một xưởng cắt đá được xây dựng trái phép. Phòng đã yêu cầu chủ mỏ đá chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu vực xây dựng nhà máy, đồng thời làm báo cáo, kế hoạch bảo vệ môi trường và các thủ tục pháp lý liên quan nhưng đến nay chủ mỏ đá vẫn chưa thực hiện.

Theo ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra nội dung phóng viên phản ánh và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Đáng chú ý, cuối năm 2020 đầu năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông đã có nhiều công văn gửi Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Kim Lan liên quan tới nội dung này. Cụ thể, tại công văn số 2642/STNMT, ngày 22/10/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Đoàn liên ngành chống thất thu thuế của tỉnh Đắk Nông đã phản ánh việc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Kim Lan có biểu hiện sử dụng đá bazan dạng trụ, cột để cưa xẻ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Sở yêu cầu Công ty báo cáo để Sở tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong khi chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền, Sở yêu cầu Công ty tuyệt đối không được thu hồi, sử dụng, tiêu thụ, vận chuyển đá bazan dạng cột, trụ ra khỏi mỏ, nếu vi phạm Sở sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý nghiêm theo quy định.

Đá cây được đưa về xưởng cưa xẻ thành quy cách

Theo quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 18/1/2018 của Ủy ban hân dân tỉnh Đắk Nông quy định giá các loại tài nguyên trên địa bàn tỉnh, giá tính thuế các loại đá xây dựng thông thường từ 180.000-340.000 đồng/m3, còn đá bazan dạng cột, trụ là 1.500.000 đồng/m3, tức cao gấp từ 4-8 lần.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, đá bazan dạng cột, trụ được Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp vào diện tài nguyên khoáng sản quý hiếm. Thẩm quyền cấp phép khai thác loại đá này thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc tiến hành các thủ tục để tận thu đá bazan dạng cột, trụ chỉ được thực hiện khi có sự chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phạm Hoài – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Xe múc đang đào, đục khoét đá tại khu vực mỏ thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/dak-nong-mot-doanh-nghiep-co-dau-hieu-khai-thac-da-cay-trai-phep-331676.html