Đắk Lắk: “Toang” cả cánh rừng vì quản lý bất lực

Thương xót cho những cánh rừng nguyên sinh, người dân chán nản cấp quản lý, liên tục cầu cứu thay cho rừng.

Tình trạng phá rừng công khai tại địa bàn thôn Sông Chò, xã Cư San, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk diễn ra không chỉ ngày một, ngày hai mà đã từ rất lâu. Người dân sống quanh đây đau lòng nhưng không biết kêu ai, đành tìm đến phóng viên để giãi bày câu chuyện.

Con đường đến nơi này cũng lắm gian truân, phải vượt qua quãng đường hàng trăm km. Đến nơi, cảnh hiện ra trước mắt là cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá một cách vô tội vạ, cả trăm ha rừng với các loại cây gỗ có đường kính lớn, nhỏ bị triệt hạ cháy đen nhẻm, nhiều chỗ khói kèm tàn tro vẫn còn bay nghi ngút.

Trên diện tích những mảnh đất còn ấm hơi nóng, còn sót lại chỉ là những xác cây gỗ lớn, nhỏ đã bị cháy thành tro bụi hoặc nằm xếp chồng chéo lên nhau bị cháy xém, thân hình biến dạng.

“Các anh chứng kiến rồi đấy, không phải tôi nói dối đâu nhé! Rừng nguyên sinh ở đây vẫn đang bị tàn phá, vẫn bị cưa hạ, không chỉ lấy gỗ, mà người dân còn cố tình vác máy cưa lóc vào rừng cưa hạ hàng chục, thậm chí cả trăm ha để đốt nương làm rẫy. Đồng bào H’Mông ở đây ghê lắm, họ mà di cư tới đâu, làm rẫy tới đâu là những cánh rừng nguyên sinh bị san bằng tới đó…”, người dẫn đường cho biết.

Quy trình phá rừng được thực hiện rất đơn giản, bên cạnh rẫy cây keo, lá tràm của người dân là những cánh rừng nguyên sinh. Vì vậy, họ sẽ vác cưa lóc vào những cánh rừng lân cận, cưa hạ, lấn chiếm. Mỗi ngày một ít, quả đồi sẽ bị cạo trọc. Dần dà, rừng nguyên sinh bị thay thành những rẫy keo tràm. Vừa chỉ tay về phía những ngọn đồi vừa nói, người dẫn đường tiếp tục đưa chúng tôi vào những rẫy keo tràm 2 năm tuổi gần đó để xác minh. Dưới màu xanh của cây keo, tràm là xác những cây gỗ lớn nhỏ bị đã đốt cháy.

Rừng biến thành rẫy chỉ trong thời gian ngắn.

Người dẫn đường tiếp tục chép miệng: “Các anh thấy đấy, gần 40  50 ha tôi chỉ cho các anh vừa được chặt hạ cách đây gần hai tháng mà giờ người ta đốt thành tro hết. Tôi đoán không nhầm thì chuẩn bị vào mùa mưa họ sẽ đưa giống keo tràm vào trồng cho mà xem.

Sau khi ghi nhận thực tế, PV trao đổi với ông Phạm Đăng Đảng, Chủ tịch UBND xã Cư San, thì được biết: “Mới đây, chúng tôi có nhận được phản ánh về việc người dân phá 3,5 ha rừng sản xuất tại thôn Sông Chò, UBND xã đã kết hợp với các đơn vị liên quan đến hiện trường lập biên bản, đo đạc hiện trường và hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng xử lý”.

Xót xa rừng xanh bị người dân tàn phá.

“Việc phá gần 40-50 ha rừng cũng tại địa bàn thôn Sông Chò, xã đã nắm bắt được và đã đến tận nơi, chứng kiến. UBND xã đã chỉ đạo Công an xã phối hợp Công an huyện, kiểm lâm địa bàn đang làm hiện trường điểm phá rừng, để báo cáo diễn biến và có biện pháp bảo vệ hiện trường bị phá, chứ không vài bữa họ trồng ngay! – ông Đảng cho biết thêm.

Chủ tịch xã Cư San cũng chia sẻ, hiện vẫn có tình trạng người dân phá rừng nhưng không nhiều như trước đây, khâu phát hiện và xử lý rất là khó. “Từ trước tới nay chưa bắt được đối tượng phá rừng, chỉ phát hiện điểm phá rừng rồi lập biên bản. Có những cái mà tôi đang rất trăn trở, như hiện nay các đối tượng phá rừng dường như được dàn xếp rất là k lưỡng. Xã chỉ cần tổ chức lực lượng đi làm, mới ra khỏi Ủy ban là người ta đã biết”. 

Có lẽ vì sự bất lực của cấp quản lý mà người dân phải ứa lệ với rừng.

Diện tích rừng quản lý thì rộng, nhưng không có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, cả xã chỉ trông chờ vào một kiểm lâm viên phụ trách địa bàn như thông tin từ Chủ tịch xã trao đổi. Như vậy, xã “bất lực” hay “làm ngơ, tiếp tay” cho nạn phá rừng thì vẫn còn là một câu hỏi.

Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Mai Trung

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Rừng bị tàn phá khủng khiếp.