Đăk Lăk: Nhiều khuất tất tại dự án của Tập đoàn Trung Nam

(Phapluatmoitruong.vn) – Không chỉ được chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định chủ trương đầu tư vượt thẩm quyền, dự án của Tập đoàn Trung Nam còn có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Phê duyệt thần tốc, vượt thẩm quyền

Theo tìm hiểu của PV, thời gian qua, các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk được triển khai thực hiện theo quy trình thần tốc, khi chưa hoàn thiện các quy định của pháp luật. Đặc biệt, quá trình thẩm định hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng được thực hiện hết sức chóng vánh. Điển hình là Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Tập đoàn Trung Nam).

Cụ thể, ngày 31/12/2020, chỉ một ngày sau khi nhận Báo cáo và Tờ trình của Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) Đăk Lăk, ông Phạm Ngọc Nghị – Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, đã ký Quyết định số 3282/QĐ-UBND cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Tập đoàn Trung Nam thực hiện Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam, công suất thiết kế khoảng 400MW, mức đầu tư được công bố là 16.500 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 21/12/2020, Bộ KH-ĐT có văn bản số 8448/BKHĐT-KTCN cho biết, đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ và cơ quan có liên quan theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định này để quyết định chủ trương đầu tư.

Tại văn bản này, Bộ KH-ĐT đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk căn cứ ý kiến góp ý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự phù hợp của dự án với định hướng, quy hoạch liên quan đến việc thực hiện dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở thực hiện chủ trương đầu tư dự án phù hợp với quy định hiện hành.

Tuy nhiên, dù dự án chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk đã ký Quyết định chủ trương đầu tư cho Tập đoàn Trung Nam ngay sau khi có tờ trình của Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh này.

Ngoài ra, vị trí khu đất thực hiện dự án thuộc quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm) và toàn bộ diện tích đất trên chưa được UBND tỉnh Đăk Lăk bổ sung vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2020, nhưng ông Phạm Ngọc Nghị vẫn bất chấp cấp cho Tập đoàn Trung Nam.

Không chỉ vậy, tại thời điểm triển khai, dự án này vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Dự án cũng chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, nhưng chủ đầu tư đã kịp xây dựng xong nhà điều hành và giải phóng mặt bằng được 58/84 vị trí trụ tuabin, thi công phần cọc dưới móng trụ được 30/84 trụ, móng trụ tuabin được 20/84 trụ… và hiện vẫn đang xin thỏa thuận độ cao của các tuabin gió và tuyến đường dây điện.

Mặc dù chưa có ĐTM nhưng UBND tỉnh Đăk Lăk đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho Tập đoàn Trung Nam.

Vì sao Tập đoàn Trung Nam được ưu ái đến vậy?

Theo tìm hiểu của PV, Tập đoàn Trung Nam được thành lập vào tháng 11/2004, trụ sở chính hiện đặt tại số 7A/68 Thành Thái, Q.10, Tp. HCM (Toà nhà Trung Nam). Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tâm Thịnh.

Tại Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Đăk Lăk, trong tổng số vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng, doanh nghiệp này có vốn góp hơn 2.400 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư, vốn huy động hơn 14 nghìn tỷ đồng.

Ngoài dự án Ea Nam, Tập đoàn Trung Nam còn được biết đến là chủ đầu tư nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 (70MW) với tổng vốn đầu tư 3.665 tỷ đồng, nhà máy thủy điện Krông Nô 2 (30MW), nhà máy thủy điện Krông Nô 3 (18MW), nhà máy điện gió Trung Nam (151,95MW) tại Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư 3.780 tỷ đồng, nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Trà Vinh (165MWp)…

Việc Tập đoàn Trung Nam đang nhận được nhiều sự thiên vị, ưu đãi, bất chấp các quy định pháp luật tại dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam khiến dư luận nghi vấn, phải chăng đây là “doanh nghiệp sân sau”, “doanh nghiệp thân hữu” hay có “lợi ích nhóm” trong việc triển khai thực hiện các dự án điện gió tại Tây Nguyên?

Đỗ Thuận (tổng hợp)

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Tập đoàn Trung Nam thực hiện dự án trên đất sản xuất nông nghiệp của người dân.