Ngày 1/4, nguồn tin từ Sở Thông tin & Truyền thông Đắk Lắk cho biết, đã có văn bản yêu cầu 6 đơn vị thông tin phản hồi báo Tiền Phong về nội dung đất công ở địa phương này cho thuê trái phép tràn lan, tới đây phải nộp tiền thuê đất.
Theo đó, các đơn vị trên, gồm: Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk (trả lời chung-PV), Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk, Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Sở Giáo dục & Đào tạo, Công an tỉnh Đắk Lắk.
Văn bản này nêu rõ: “Ngày 29/3/2021, báo Tiền Phong có bài viết Cận cảnh hàng loạt đất công cho thuê trái phép ở Đắk Lắk. Bài báo phản ánh hàng loạt đất và tài sản công sản tại các trụ sở cơ quan, ban ngành ở Đắk Lắk đã cho thuê trái phép. Báo chí còn phản ánh: “Đáng nói nhất, tài sản công nhưng lại được lãnh đạo một số đơn vị hợp đồng cho cá nhân thuê lại 20 năm không đòi lại được”.
Trên cơ sở đó, Sở Thông tin & Truyền thông Đắk Lắk đề nghị lãnh đạo các đơn vị này chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nội dung báo Tiền Phong phản ánh; qua đó, phản hồi báo bằng văn bản.
Liên quan thông tin trên, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết, sở có 2 đơn vị trực thuộc có đất cho thuê. Trong đó, Trường Cao đẳng Sư phạm đang cho Trường Cao Đẳng công thương thuê. Còn Trung tâm giáo dục thường xuyên là đơn vị tự chủ tài chính, họ lấy thu từ việc cho thuê mặt bằng để bù chi. Cả 2 đơn vị này được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương cho thuê
Tương tự, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Đắk Lắk Đặng Gia Duẩn nói: “Tài sản này để liên kết (giữa sở và doanh nghiệp) và UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản đồng ý. Chúng tôi đang trình Sở Tài chính phương án quản lý sử dụng tài sản công”.
Còn Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đại tá Lê Vinh Quy cho biết, ông mới về, sẽ chỉ đạo kiểm tra lại.
Như Tiền Phong đã đưa tin, Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk vừa kiểm tra hồ sơ của 27 cơ quan, đơn vị. Qua đó, đơn vị này phát hiện nhiều trường hợp cho doanh nghiệp, cá nhân thuê một phần đất công để kinh doanh dịch vụ. Các đơn vị có đất công cho thuê, gồm: Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Sở Giáo dục & Đào tạo (có 2 đơn vị trực thuộc cho thuê tài sản), Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk…
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, tại nhiều vị trí “vàng” ở trung tâm TP Buôn Ma Thuột đất công thuộc quản lý của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk cho thuê trái quy định tràn lan trên đường Mai Hắc Đế, Hùng Vương; tài sản công trên đường Nguyễn Tất Thành (thuộc Ban chỉ huy Quân sự TP Buôn Ma Thuột)…
Trên cơ sở đó, Cục Thuế Đắk Lắk đã đề nghị Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn Bộ chỉ huy quân sự tỉnh này làm thủ tục để được cấp mã số thuế nhằm quản lý tiền thuê đất theo quy định.
Đất công trên đường Nguyễn Công Trứ được Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Đắk Lắk cho Cty TNHH MTV Trúc Lâm Anh thuê làm mặt bằng khu kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí trong thời hạn 10 năm, với giá 9,9 triệu đồng/tháng.
Đất thuộc quản lý của Công an tỉnh Đắk Lắk tại số 37 đường Lý Thường Kiệt cho thuê làm quán nhậu (vừa trả mặt bằng); tại căn nhà số 69 Điện Biên Phủ cho cá nhân thuê kinh doanh giày dép…
Đáng nói nhất, 2 sân tennis là tài sản công của Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk được xây dựng để phục vụ mục đích thể thao của cán bộ, công chức và người lao động, nhưng đơn vị này lại hợp đồng cho bà Trịnh Thị Kim Cúc (đang cư trú tại Khu dân cư cao cấp Hiệp Phúc, TP Buôn Ma Thuột) thuê lại công trình này cùng khu căng tin với thời hạn 20 năm (từ 2008-2028). Giá cho thuê theo hợp đồng là 10 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Công Bảo cho biết, đã thuê luật sư hết hơn 14 triệu đồng kiện bà Cúc để đòi lại tài sản cho thuê, nhưng đều thua. Nói về xử lý trách nhiệm cho thuê trái quy định này, ông Bảo cho rằng hợp đồng cho bà Cúc thuê là do thế hệ lãnh đạo trước ký, nay đều đã nghỉ hưu.
Theo Tiền Phong
Ảnh: Đất công thuộc quản lý của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk cho doanh nghiệp thuê làm nhà hàng tiệc cưới trên đường Mai Hắc Đế
Xem bài viết gốc tại đây: