Đại Từ – Thái Nguyên: Cần sớm xác định nguyên nhân khiến nước hồ Vai Miếu đổi màu bất thường, bốc mùi hôi thối

Theo phản ánh người dân xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, từ tháng 2/2019 đến nay, nước hồ Vai Miếu thường biến đổi màu và nổi váng vàng đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều người lo ngại nước hồ bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nguồn nước và cuộc sống, sức khỏe của người dân sinh sống khu vực xung quanh hồ. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã đến hiện trường để tìm hiểu và ghi nhận sự việc, hiện tượng này.

Một lớp váng dày đặc vừa vàng, vừa trắng ngà nổi thành dải dài khoảng 100m, rộng hơn 50m.

Hồ Vai Miếu (người dân địa phương thường gọi là hồ Gò Miếu) thuộc địa phận xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là một công trình thủy lợi lớn, phục vụ nước tưới cho cánh đồng 500 ha thuộc nhiều xã khu vực chân dãy núi Tam Đảo. Dưới cái nắng nóng 40 độ C, đi theo con đường ghập ghềnh dẫn vào hồ Vai Miếu, chúng tôi đã cảm thấy mùi hôi tanh, khăn khẳn thối theo gió bay lan ra cánh đồng. Chúng tôi lên đến đập chính của hồ, tình cờ gặp vợ chồng anh Trần Văn Hòa ở xóm Chuối, xã Ký Phú đi làm nương về. Anh Hòa đã cho biết: Trước đây, nước hồ trong xanh, mát và sạch lắm. Người dân đi làm về tranh thủ tắm giặt, bắt cá hồ về ăn. Đột nhiên quãng độ từ sau tết Nguyên đán nay thì nước hồ đổi màu xanh sang vàng rồi đóng váng trắng ngà tanh, thối khiến chẳng ai dám tắm rửa nữa. Nước thối theo kênh thoát chảy xuống làng bốc mùi hôi tanh nồng nặc, khó chịu lắm. Người dân đã đề nghị chính quyền xã vào cuộc làm rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục nhưng lâu nay chưa thấy biến chuyển gì.

Người dân xã Ký Phú lên đập chính hồ Vai Miếu “hóng gió thối” bức xúc chỉ đám váng nổi dài trên mặt hồ.

Phần váng theo gió thổi dạt sát bờ, váng vàng như mỡ nhưng khi bị chọc vỡ thì có màu trắng ngà như đậu phụ non, bốc mùi thối khăn khẳn. Thò tay xuống nước vớt lớp váng ấy lên thấy nước kéo sợi, nhớt.

Một số người dân địa phương khác cũng bức xúc cho biết: Nước hồ bẩn thì rõ rồi. Ngày trước chưa có cơ sở nuôi cá lồng đóng ở đây thì hồ sạch. Bây giờ, họ về chăn nuôi mấy năm nay thì nước hồ bị thối. Nguyên nhân ở đấy chứ ở đâu. Dân chúng tôi thấy nước hồ bốc mùi hôi thối thì chịu suốt mấy tuần nay rồi. Khổ lắm.

Quan sát kỹ mặt hồ, nước đã chuyển màu vàng chanh. Một lớp váng dày đặc vừa vàng, vừa trắng ngà nổi thành dải dài khoảng 100m, rộng hơn 50m. Phần váng theo gió thổi dạt sát bờ, váng vàng như mỡ nhưng khi bị chọc vỡ thì có màu trắng ngà như đậu phụ non, bốc mùi thối khăn khẳn. Thò tay xuống nước vớt lớp váng ấy lên thấy nước kéo sợi, nhớt. Lớp váng dày khoảng 10-20cm nổi trên mặt nước. Dưới lớp váng thì nước loãng, trong.

Phần váng theo gió thổi dạt sát bờ, váng vàng như mỡ nhưng khi bị chọc vỡ thì có màu trắng ngà như đậu phụ non, bốc mùi thối khăn khẳn. Thò tay xuống nước vớt lớp váng ấy lên thấy nước kéo sợi, nhớt.

Toàn cảnh cơ sở nuôi cá lồng trên hồ Vai Miếu của ông Lưu Văn Hạnh, Công ty Cổ phần nông nghiệp Việt Nhật.

Tiến sâu và phía cuối hồ, đến cơ sở nuôi cá lồng của ông Lưu Văn Hạnh thì thấy đàn cá của gia đình vẫn sống, quẫy nước um ủm. Nước hồ cách bến vài trăm mét vẫn một hiện tượng nổi váng và đục lờ. Ông Hạnh đón nhà báo như bắt được ân nhân năm xưa. Lo mất ăn, mất ngủ, mặt mũi hốc hác, ông Hạnh nói: Năm 2016, gia đình tôi có thực hiện mô hình nuôi 30 lồng cá ở hồ Vai Miếu này. Đăng ký với tỉnh và huyện là thế nhưng khi bắt tay làm thì chỉ mới thí điểm nuôi 15 lồng cả cá lăng và cả trai lấy ngọc. Vay vốn ngân hàng, vốn hỗ trỡ của huyện và vốn huy động anh em họ hàng giúp đỡ được đôi ba tỷ bạc, ném hết xuống cái bè này. Tôi mới thu được lứa thứ 2. Hiện còn khoảng 5-6 tấn cá đang chìm dưới nước thì tự nhiên nước hồ đổi màu. Cá và trai lấy ngọc vẫn sống bình thường. Người dân thấy nước hồ hôi thối thì cứ đổ tội cho tôi chăn cá bằng cá tép tươi với cám nổi gây nên ô nhiễm nước hồ. Rõ khổ, chả biết nguyên nhân từ đâu, tôi lo cá chết toi thì tan hết cơ nghiệp. Tôi đề nghị cấp trên và ngành chức năng sớm vào cuộc tìm nguyên nhân và có biện pháp khắc phục ô nhiễm cho người dân bớt lời và trả lại danh tiếng cho tôi. Đồng thời, kính mong tỉnh, huyện, sở nông nghiệp cấp cho hồ ít cá mè giống thả xuống hồ để phục hồi nguồn lợi thủy sản tự nhiên và để khắc phục ô nhiễm nước như hiện nay.

Cá Lăng, Trai ngọc của gia đình ông Hạnh vẫn sống khỏe, phát triển bình thường trong nước hồ Vai Miếu bị nổi váng đặc.

Làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, đơn vị đang trực tiếp quản lý và vận hành hồ Vai Miếu, ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch HĐQT công ty đã khẳng định sự việc nước hồ đổi màu, kết váng, bốc mùi hôi thối đúng như người dân phản ánh là có thật. Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Đại Từ kiểm tra, lấy một số mẫu nước phân tích. Trước mắt, đơn vị yêu cầu Công tyCổ phần nông nghiệp Việt Nhật phải tiến hành vớt toàn bộ lượng váng nổi trên mặt hồ để xử lý chôn lấp. Tạm dừng toàn bộ hoạt động sử dụng cá tép tươi làm thức ăn cho cá lăng, thay thế bằng thức ăn công nghiệp để theo dõi diễn biến của nước hồ. Ông Thịnh cho biết: Công ty đã yêu cầu đơn vị thầu khoán hồ rà soát, đánh giá lại mật độ nuôi cá, chủng loại và các loại thức ăn chăn cá sao cho phù hợp. Tới đây, sau thời gian theo dõi mà không thấy nước hồ chuyển biến, chúng tôi sẽ đề nghị ngành chức năng liên quan vào cuộc tiếp tục lấy mẫu nước hồ để quan trắc. Kết quả mà cho thấy nước hồ ô nhiễm do nuôi cá thì Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu Công tyCổ phần nông nghiệp Việt Nhật tháo dỡ lồng bè trả lại không gian mặt hồ như trước đây. Việc cho thuê mặt nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của người dân địa phương cũng là trách nhiệm của công ty đối với chính quyền huyện Đại Từ, tạo điều kiện thí điểm các mô hình chăn nuôi giúp người dân phát triển kinh tế hộ…

Theo ghi nhận của phóng viên đến ngày nay, gia đình ông Lưu Văn Hạnh, chủ nuôi cá lồng trên hồ Vai Miếu đã tích cực vớt nhiều váng thối đem đi chôn lấp. Đồng thời ông Hạnh đã mua trên 15 nghìn cá mè và các loại cá tạp khác để thả xuống hồ nhằm cải tạo, phục hồi môi trường nước. Theo ý kiến của một vài chuyên gia thủy sản và ngành chức năng liên quan cho biết: Nước hồ Vai Miếu bị cạn quá lâu, sau khi phơi bùn gặp thời tiết mưa nhiều, nhiều đạm ni tơ trong nước mưa cũng dễ kích thích tảo thủy sinh phát triển. Khi phát triển ồ ạt vì nước nhiều dinh dưỡng nên gặp phải trời nắng to, nhiệt cao khiến tảo chết hàng loạt và đóng váng. Váng mỏng gặp gió thổi thu dạt lại thành bè, mảng dày. Khi các lớp xác tảo phân hủy sẽ đổi màu đen và gặp mưa thì tan, hóa bùn. Tuy nhiên, nếu môi trường ít cá ăn thủy sinh phù du thì hiện tượng tạo phát triển sẽ lại lặp lại và tạo ra hiện tượng đổi màu nước như trên.

Theo người dân địa phương cho biết, trong một vài tháng gần đây, vùng hồ Vai Miếu có mưa rất dài và lâu trong nhiều tuần. Mặt khác, trong núi Tam Đảo, người dân có trồng nhiều chè nên lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng được sử dụng kha khá để bảo vệ chè. Vậy nên cũng có thể thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư ít nhiều theo mưa trôi xuống hồ gây kích thích thủy sinh phát triển đột biến trong thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Một điều nữa, trong khu vực lòng hồ có các cơ sở chăn nuôi vịt, gà, cá. Có thể thức ăn, chất thải của vật nuôi làm ảnh hưởng nguồn nước. Khi nước hồ cạn, đông đảo người dân địa phương đánh bắt tận diệt nguồn cá tự nhiên nên dẫn đến thừa thức ăn trong nước đã khiến cho phù du thủy sinh phát triển mạnh cũng gây nên hiện tượng nước hồ đổi màu bất thường. Chung quy lại, để đảm bảo an ninh trật tự địa phương và trấn an tư tưởng người dân không hoang mang lo lắng về ô nhiễm nước hồ, rất cần chính quyền, sở ngành chức năng liên quan của tỉnh Thái Nguyên khẩn trương vào cuộc tìm kiếm nguyên nhân cụ thể và có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, cứu lấy hồ Vai Miếu, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

Đức Nam – Báo TN&MT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Một góc hồ Vai Miếu, xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nước bị đổi màu, nổi váng, bốc mùi hôi thối bất thường.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/can-som-xac-dinh-nguyen-nhan-khien-nuoc-ho-vai-mieu-doi-mau-bat-thuong-boc-mui-hoi-thoi-1269472.html