Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách sáng 5/11, vấn đề phá rừng, lũ lụt tiếp tục là chủ đề thu hút sự tranh luận của nhiều Đại biểu Quốc hội.
Theo Vnexpress, tranh luận với Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn về vấn đề đất rừng và thủy điện, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng việc đưa dự án thủy điện vào quy hoạch cần xem xét nhiều yếu tố, đặc biệt là tác động của mỗi dự án.
“Một dòng sông có thể chịu được bao nhiêu dự án thủy điện, 3 công trình sẽ khác với 8 công trình. Những dự án đầu tiên chúng ta có thể xét duyệt khác, nhưng khi đến dự án thứ 4, 5, 6 thì phải xem xét khác”, đại biểu Nghĩa nói và cho rằng, việc đơn giản hóa tiêu chuẩn xét duyệt ở bước này sẽ không thấy được vai trò quản lý của Nhà nước.
Với hiện trạng đất rừng, đại biểu đặt câu hỏi: “Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói diện tích rừng tại Việt Nam đã tăng từ 9 triệu ha năm 1990, lên 14,6 triệu ha rừng hiện nay. Nhưng tôi muốn hỏi là trong số đó, có bao nhiêu là rừng tự nhiên và bao nhiêu rừng trồng”. Đại biểu cho biết, hai loại rừng này là hoàn toàn khác nhau, về vai trò, chức năng, năng lực bảo vệ đất.
“Chỉ có rừng tự nhiên mới có năng lực bảo vệ đất đai, tích lũy nước ngầm tốt, khác với rừng trồng”, ông Nghĩa nói.
Rừng trồng không có khả năng cản lũ
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho biết rừng tự nhiên chiếm gần 19% tổng diện tích rừng đề xuất chuyển đổi. Dù diện tích rừng thay thế gấp 3 lần diện tích rừng bị chuyển đổi, phần lớn rừng trồng là các loại cây khai thác gỗ, không có khả năng trữ nước hay cản nước ngăn lũ. Đại biểu tỉnh Bến Tre kiến nghị cần quản lý nghiêm ngặt hơn việc quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp, tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học; hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, cân nhắc kỹ việc chuyển đổi đất rừng cho các dự án phát triển kinh tế.
Trong trường hợp thật cần thiết phải chuyển đổi, ưu tiên các dự án phục vụ thủy lợi, điều tiết nước, trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho nhân dân; kiên quyết không phê duyệt chủ trương chuyển đổi sử dụng đất rừng tự nhiên đối với dự án không tìm được đất trồng rừng thay thế phù hợp.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng di cư tự phát ở một số địa phương, nhằm giảm áp lực cho rừng, tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng; có chế độ đãi ngộ, thu hút lực lượng bảo tồn đa dạng sinh học trên đất liền, biển, đảo.
Trước đó, thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 3/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay tổng diện tích rừng của nước ta là 14,6 triệu ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha.
Đây được cho là những con số khá ấn tượng về diện tích rừng hiện nay của nước ta. Tuy nhiên, sau đó, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách lại cho rằng, trong bảo vệ phát triển rừng, thì rừng tự nhiên mới là điều quan trọng. Rừng tự nhiên có những đặc đểm mà rừng trồng không bao giờ có được, như khả năng giữ đất, giữ nước, bảo vệ môi trường. Giữ được 1 ha rừng tự nhiên còn hơn trồng mới 10 ha rừng. Trên toàn quốc còn hơn 24.000 hộ dân sống trong rừng phòng hộ và đầu nguồn dẫn đến phá rừng, canh tác trái phép.
Lại còn nạn các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản tác động nghiêm trọng đến quá trình phát triển bền vững, làm thay đổi căn bản đặc tính của đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước, phá hủy vĩnh viễn địa hình, gây xói mòn, sạt lở nghiêm trọng, gây ô nhiễm không khí, phá hủy nguồn sinh thái, dẫn đến phá hủy tài nguyên rừng, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên trong đó có tài nguyên không tái tạo. Hiện trên toàn quốc có hơn 3.400 điểm khai thác và tình trạng khai thác trái phép còn xảy ra trên 30 tỉnh, thành. Vì vậy, bà Mai đề nghị cơ quan chức năng cần phân bổ nguồn lực tương ứng để bảo vệ, phát triển rừng.
“Thời gian qua tất cả chúng ta đều bàng hoàng đau xót trước sự ra đi của các lực lượng cứu hộ và người dân. Vẫn biết thiên tai vô thường và thiên nhiên là bất khả kháng, nhưng rõ ràng có nguyên nhân từ con người. Chúng ta đã và đang phá hủy mối quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên, cái giá phải trả là quá đắt”, bà Mai nói.
Nhật Hạ – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích rừng của nước ta là 14,6 triệu ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha. (Ảnh minh họa: Internet)
Xem bài viết gốc tại đây: