Đà Nẵng: Thêm tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa phục vụ khách du lịch

UBND thành phố vừa công bố 5 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Các tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa này nhằm mục đích phục vụ phát triển loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến, kinh doanh vận chuyển khách du lịch.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 121/QĐ-UBND về Công bố các tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố. Theo đó, Đà Nẵng có 5 tuyến đường thủy nội địa phục vụ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, gồm: Các tuyến sông Hàn-cầu Trần Thị Lý với lộ trình: Cảng, bến xuất phát đầu tiên (trong phạm vi cầu Nguyễn Văn Trỗi-cầu Thuận Phước)-hạ lưu cầu Văn Trỗi-thượng lưu cầu Thuận Phước-cảng, bến đích cuối cùng. Phương tiện hoạt động tuyến này phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận một trong các vùng hoạt động: SI, SII, SB, vùng IV.

Thời gian hoạt động trên tuyến bắt đầu từ 7 giờ 30 phút và kết thúc lúc 23 giờ. Tuyến sông Hàn-hòn Chảo với lộ trình: Cảng, bến xuất phát đầu tiên (giữa cầu Nguyễn Văn Trỗi-cầu Thuận Phước)-cầu Thuận Phước-cửa biển-điểm đến theo quy định-cảng, bến đích cuối cùng, phương tiện hoạt động trên tuyến phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận vùng hoạt động SB, thời gian hoạt động trên tuyến bắt đầu từ 7 giờ 30 phút và kết thúc lúc 17 giờ 30. Riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ. Tuyến từ Bến thủy nội địa CT15 đi hòn Sụp-bãi Nam-bãi Đa với lộ trình: Bến thủy nội địa CT15 (bến xuất phát) đi hòn Sụp-bãi Nam-bãi Đa-bến thủy nội địa CT15 (đích đến cuối cùng), cách bờ không quá 1,8km, phương tiện hoạt động trên tuyến phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận vùng hoạt động SB.

Thời gian hoạt động trên tuyến: Bắt đầu từ 7 giờ 30 phút và kết thúc lúc 17 giờ 30 phút. Riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ. Tuyến sông Hàn đi sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện (địa phận thành phố Đà Nẵng), sông Yên, sông Quá Giáng với vị trí bến xuất phát và đích đến cuối cùng: Cảng, bến trên sông Hàn (giữa cầu Nguyễn Văn Trỗi-cầu Thuận Phước), kết thúc tại cảng, bến thủy nội địa được công bố theo quy định. Phương tiện hoạt động trên tuyến phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận một trong các vùng hoạt động: SI, SII, SB, vùng IV, thời gian hoạt động trên tuyến: Bắt đầu từ 7 giờ 30 phút và kết thúc lúc 17 giờ 30. Riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ. Tuyến Bến thủy nội địa K20 đi sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện (địa phận thành phố Đà Nẵng), sông Yên, sông Quá Giáng, kết thúc tại cảng, bến thủy nội địa được công bố theo quy định. Phương tiện hoạt động trên tuyến phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận một trong các vùng hoạt động: SI, SII, SB, vùng IV.

Thời gian hoạt động trên tuyến: Bắt đầu từ 7 giờ 30 phút và kết thúc lúc 17 giờ 30 phút. Riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ. Theo Kế hoạch vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến 2030, thành phố Đà Nẵng sẽ phát triển 7 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa với hơn 150 phương tiện. Hiện nay Đà Nẵng có 10 doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy với tổng số 28 tàu đang hoạt động, sức chứa hơn 2.000 chỗ, bảo đảm tiêu chuẩn quy định, được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Trước đó vào Tháng 5/2022, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký ban hành quyết định 1315/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng “Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Kinh phí xây dựng đề án từ nguồn dự toán chi sự nghiệp du lịch được giao năm 2022 của Sở Du lịch Đà Nẵng với số tiền hơn 600 triệu đồng. Đề án trên nhằm mục đích hoàn thiện và triển khai quy hoạch phát triển du lịch đường thủy để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đường thủy, tạo sản phẩm du lịch chính hấp dẫn, đặc sắc; hoàn thiện, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, đội tàu, dịch vụ, điểm đến phục vụ phát triển du lịch đường thủy đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn, chuyên nghiệp; phát triển mạng lưới đường thủy từ bờ ra đảo liên kết với các địa phương khu vực phía Nam, phía Bắc và khu vực miền Trung – Tây Nguyên…

Từ đề án này, mục tiêu của Đà Nẵng là khai thác toàn diện 9 tuyến du lịch đường thủy nội địa và đường thủy từ bờ ra đảo đã được phê duyệt quy hoạch… Cảng Sông Hàn sẽ được đầu tư hoàn thiện thành cảng chính phục vụ du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế; đầu tư xây dựng đồng bộ bến thủy nội địa làm bến đi và bến đến trên tuyến đường thủy. Phấn đấu đến năm 2030, lượng khách du lịch đường thủy nội địa đến năm 2030 đạt 1,5-2 triệu lượt khách/năm. Quyết định 21/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa và định hướng của chính quyền Đà Nẵng là cơ hội để du lịch đường thủy tại đây khởi sắc.

Nguyễn Triệu/DNVN

Theo Doanh nhân VN

Ảnh: Đà Nẵng: Công bố 5 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa (Ảnh báo Công Thương)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://doanhnhanvn.vn/da-nang-them-tuyen-van-tai-hanh-khach-duong-thuy-noi-dia-phuc-vu-khach-du-lich.html