Đà Nẵng: Đầu tư, xây dựng sông Hàn thành dòng sông ánh sáng về đêm

Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, thành phố đang tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án “Dòng sông ánh sáng”, bao gồm cải tạo, đầu tư mới chiếu sáng trang trí, hiệu ứng trên mặt nước, bờ kè… dọc sông Hàn.

Ngày 20/4, tại Khách sạn Grand Tourane TP Đà Nẵng, Hội Chiếu sáng Việt Nam phối hợp Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội nghị khoa học chiếu sáng toàn quốc năm 2023 với chủ đề: “Chiếu sáng Việt Nam trong phát triển và ứng dụng công nghệ mới”.

tm-img-alt
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam phát biểu tại hội nghị khoa học.

 

Hội nghị có sự tham dự của ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, bà Đặng Anh Thư, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam, đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị  chiếu sáng Nhật Bản (JLMA), hơn 250 đại  biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các nhà tư vấn, nhà khoa học đầu ngành, các doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực chiếu sáng trong và ngoài nước.

tm-img-alt
Các đại biểu tham dự hội nghị khoa học Chiếu sáng toàn quốc năm 2023 tại Đà Nẵng.

 

Tại hội nghị, có khoảng 20 bài tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế trình bày tập trung theo các nhóm chuyên sâu như: “Hapulico – Smart giải pháp ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng tại TP Hà Nội”, “Tiết kiệm năng lượng trong việc chuyển đổi mô hình chiếu sáng ngõ hẻm tại TPHCM”, “Xu hướng phát triển công nghệ chiếu sáng thông minh và tiết kiệm năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh”, “Nghệ thuật ánh sáng trong chiếu sáng cảnh quan kiến trúc. Chiếu sáng các công trình tâm linh và chiếu sáng đường phố thông minh”…

tm-img-alt
Ông Vũ Quang Đăng, đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) phát biểu tham luận về: “Xu hướng phát triển công nghệ chiếu sáng thông minh  và tiết kiệm năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh”. 

 

Các phát biểu tham luận tại hội nghị hướng tới việc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, câu chuyện sống còn của doanh nghiệp. Chiếu sáng thông minh, ngành chiếu sáng thế giới và Việt Nam đang chuyển sang tầng công nghệ thứ tư gồm Đèn sợi đốt, Đèn phóng điện, Chiếu sáng rắn (SSL-LED). Hiện nay chiếu sáng thông minh ở quy mô nghiên cứu phạm vi hẹp đã xuất hiện LI-FI, dùng sóng ánh sáng để điều khiển.

Chiếu sáng thông minh tiết kiệm năng lượng là một trong cơ cấu của đô thị thông minh, chiếu sáng thông minh với sự điều khiển của bộ óc điện tử sẽ cho chúng ta hiệu quả chiếu sáng tối ưu nhất về công năng, về trường thị giác, về thẩm mỹ đô thị và sử dụng điện năng thấp nhất. Chiếu sáng vì sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường hướng tới phát thải ròng bằng 0, góp phần thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh.

tm-img-alt
Ông Lê Mạnh Phương, đại diện Cty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị Đô thị trình bày tham luận về “Hapulico – Smart giải pháp ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng tại TP Hà Nội”.

 

Chiếu sáng phục vụ phát triển các ngành nông nghiệp, thuỷ sản hướng tới tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải nâng cao năng lực sản xuất góp phần phát triển kinh tế xã hội. Quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, tạo vẻ đẹp không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị góp phần an ninh, an toàn, thân thiện môi trường và thu hút khách du lịch…

tm-img-alt
Ông Tsuyoshi Meaki, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng Nhật Bản phát biểu tham luận về “Tầm nhìn chiếu sáng 2030”.

 

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam, chiếu sáng, đặc biệt là chiếu sáng LED phát triển như vũ bão, nhiều vấn đề mới đã và đang đặt ra trong nghiên cứu, ứng dụng cũng như trong quản lý nói chung. Quản lý vận hành và khai thác nhằm thúc đẩy các công nghệ mới này phát triển đúng hướng để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng phải bảo vệ môi trường. Cùng với triển lãm công nghệ và sản phẩm chiếu sáng mới nhất của các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, từ các doanh nghiệp của Việt Nam, hội thảo lần này thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội.

tm-img-alt
Toàn cảnh hội nghị khoa học chiếu sáng toàn quốc năm 2023 tại Đà Nẵng.

 

Đại diện TP Đà Nẵng, nơi diễn ra hội nghị khoa học, ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, tính đến tháng 2/2203, toàn thành phố có 97.881 điểm đèn chiếu sáng (Sodium, Compact, Metal Halide, cao áp Thuỷ ngân và LED), trong đó LED chiếm khoảng 30%. Theo quy hoạch đến năm 2025, thành phố sẽ thay đổi hệ thống đèn công nghệ cũ sang công nghệ mới, hiệu qủa cao, tiết kiệm điện.

tm-img-alt
Ông Lê Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị khoa học chiếu sáng toàn quốc năm 2023.

 

Cũng theo ông Tuấn, Đà Nẵng là một trong số ít địa phương xây dựng được trung tâm điều khiển, giám sát điện chiếu sáng công cộng và hiện đã kết nối 450/1.866 tủ điện, phấn đấu đến năm 2025 kết nối 100%. Hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án “Dòng sông ánh sáng”, bao gồm cải tạo, đầu tư mới chiếu sáng trang trí các cầu, chiếu sáng hiệu ứng trên mặt nước, bờ kè, công viên và các công trình điểm nhấn kiến trúc dọc 2 bờ sông, đoạn từ cầu Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn nhằm tạo không gian lung linh, hài hòa về màu sắc và điểm nhấn đặc biệt cho dòng sông Hàn về đêm; kết nối và điều khiển thông minh theo từng kịch bản, linh động và phù hợp theo từng chủ đề, sự kiện thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang triển khai nghiên cứu để đầu tư chiếu sáng trang trí các điểm nhấn khu vực núi Sơn Trà, tạo sản phẩm đặc sắc về hiệu ứng ánh sáng phục vụ du lịch. Xây dựng đô thị thông minh mà trong đó có chiếu sáng thông minh hiện đang là trào lưu và nhiệm vụ đặt ra đối với quá trình phát triển đô thị, đây là mục tiêu mà đô thị Đà Nẵng đang hướng đến.

Phát biểu tại hội nghị khoa học chiếu sáng toàn quốc năm 2023, bà Đặng Anh Thư, Phó cục Trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) nêu rõ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Nghị quyết 55/NQ-BCT ngày 11/2/2020 của Bộ chính trị về Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến năm 2030, định hướng đến 2045 nêu rõ: “Tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội”.

tm-img-alt
Bà Đặng Anh Thư, Phó cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội nghị khoa học chiếu sáng toàn quốc năm 2023.

 

Chiếu sáng luôn gắng với quá trình phát triển của nền kinh tế. Trong những năm qua, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chiếu sáng đô thị đã hướng đến việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng… Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ mới, mô hình mới trong quản lý, vận hành, áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và đã hiểu được lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm.

tm-img-alt
Các thiết bị, công nghệ về chiếu sáng của doanh nghiệp tham gia giới thiệu tại hội nghị khoa học chiếu sáng toàn quốc năm 2023.

 

Ứng dụng các công nghệ mới, thay đổi mô hình quản lý phương thức kinh doanh, tạo dựng cơ sở dữ liệu số hóa… đòi hỏi các đơn vị cung cấp dịch vụ chiếu sáng, các nhà thiết kế, nhà sản xuất cần nâng cao nhận thức, tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, xác định được trách nhiệm cũng là lợi ích không nhỏ của mình trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm về hiệu quả, có kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài và bền vững. Vì vậy, rất cần sự chung tay, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho những thành tựu trong quá trình phát triển của ngành chiếu sáng trong thời gian tới.

Đinh Nga

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Sông Hàn sẽ được đầu tư, xây dựng thành dòng sông ánh sáng về đêm.