Sự đa dạng, sống động trong các chi tiết xây dựng mang đậm phong cách Tây Âu kết hợp hài hòa với cảnh quan ngoạn mục vùng cao nguyên đã tạo nên một ‘bảo tàng kiến trúc Pháp’ độc nhất ở Đà Lạt. Đáng tiếc, quỹ biệt thự quý giá này teo tóp dần, nhiều công trình hoang phế theo thời gian.
Từng là “bảo tàng kiến trúc Pháp” đặc sắc
Trước năm 1975, Đà Lạt có không dưới 1.500 biệt thự phong cách kiến trúc châu Âu (chủ yếu là nước Pháp), được quy hoạch và thiết kế bởi những những kiến trúc sư (KTS) tài hoa như E.Hébrard, Pineau, Lagisquet…, trong đó KTS Paul Veysseyre thiết kế dinh III cho vua Bảo Đại, biệt thự nghỉ hè cho toàn quyền Jean Decoux (nay là dinh II) cùng nhiều công trình tôn giáo và 54 biệt thự.
Theo Tiến sĩ kiến trúc Emmanuel Cerise, đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, dấu ấn kiến trúc Pháp rất đa dạng ở TP Đà Lạt. Người Pháp sớm nhận ra không gian cảnh quan, thiên nhiên, khí hậu của Đà Lạt tương tự quê hương mình nên đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc để tái hiện một đô thị kiểu Pháp tại đây.
Mỗi công trình là mẫu hình tiêu biểu của kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20; hầu như không căn nào bị trùng lắp về hình thức bên ngoài và cách bố trí nội thất bên trong. Các biệt thự đều hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên, tạo sự cộng hưởng giữa vẻ đẹp thiên nhiên (núi đồi, rừng thông, hoa cỏ) và vẻ đẹp kiến trúc. Vì tính đa dạng trong kiểu dáng và dấu ấn thiết kế các vùng miền châu Âu nên Đà Lạt được nhìn nhận như một bảo tàng kiến trúc Pháp thế kỷ 20 tại Việt Nam.
Các biệt thự đều thấp thoáng trong rừng thông, có khuôn viên rộng rãi thắm sắc hoa và tầm nhìn thoáng đãng ra cảnh quan xung quanh, như KTS tài danh Ngô Viết Thụ từng nhận xét: “Ở Đà Lạt, nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền…”.
Teo tóp dần
Theo giới nghiên cứu, sau năm 1975, gần 1.000 người, chủ yếu là công nhân viên nhà nước, được đưa vào ở trong những căn biệt thự cổ; đó là chưa kể những người vô gia cư “nhảy dù” vào ở, sang tay. Mỗi biệt thự thường có từ 7-30 hộ cùng cư ngụ. Các hộ mặc sức sửa chữa, cơi nới; tùy tiện xây thêm công trình phụ hoặc xây quán để kinh doanh trong khuôn viên khiến nhiều biệt thự xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn.
Các quần thể biệt thự trên đường Hoàng Diệu, Quang Trung, Hùng Vương, hồ Mê Linh, hồ Vạn Kiếp… trước đây vốn là những khu sang trọng bậc nhất, nay trở nên nhếch nhác vì có hàng trăm hộ ngăn phòng, cơi nới để sinh sống. Rõ nhất là các biệt thự số 1 và số 2 đường Đống Đa (khu vực cửa ngõ vào TP Đà Lạt) đã xuống cấp trầm trọng trông thật thảm hại. Cột, kèo, tường gỗ tầng lầu đều bị mục nát, kết cấu đỡ mái không còn đảm bảo.
Là di tích kiến trúc cấp quốc gia nhưng nhiều năm qua trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cũng bị nhiều hộ dân chiếm dụng và tự ý sang nhượng, mua bán các căn hộ trong khu tập thể. Cách đó vài cây số, căn biệt thự cổ ở số 2 đường Hàn Thuyên có diện tích sử dụng 370m2, tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 2.800m2, từng được đánh giá có giá trị về kiến trúc cần được bảo tồn.
Thế nhưng hiện nay đã bị nhiều người chiếm đất, cất nhà, chỉ còn một lối nhỏ dẫn lên biệt thự. Bên trong biệt thự trông rất nhếch nhác do các hộ đã “cải tạo” các căn phòng, bao chiếm hành lang để xây thêm các công trình phụ như nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm.
Biệt thự số 7 đường Lê Thánh Tôn cũng trong tình trạng tương tự. Ban đầu, cơ quan chức năng cho 5 hộ gia đình thuê để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở. Đến năm 1993, Nhà nước có chủ trương dừng cho thuê và yêu cầu các hộ dân tại đây trả nhà, di dời. Tuy nhiên, các hộ không dời đi mà còn phát sinh thêm 4 hộ nữa.
Chưa hết, có 9 hộ đã bao chiếm toàn bộ khuôn viên biệt thự và xây trái phép 9 căn nhà. Giờ đây, chỉ còn một lối đi nhỏ để đi vào biệt thự; bên trong đã bị thay đổi gần như toàn bộ về kết cấu, hành lang trở nên tối om, cầu thang gỗ ọp ẹp, tường tróc lở, đà gỗ bị mục nhiều chỗ, mái ngói bị thay bằng tôn. Ông T.Đ.Đ luôn miệng nhắc tôi bước cẩn thận kẻo ngã và tâm sự rằng rất lo lắng sợ trần nhà bất ngờ sụp xuống.
Hãi hùng nhất là vụ hỏa hoạn xảy ra trong khuôn viên biệt thự số 13 Trần Hưng Đạo khiến 5 người bị chết cháy. Biệt thự này đã xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn có hàng chục hộ sinh sống bên trong hoặc chiếm đất quanh biệt thự để dựng lên hàng loạt căn nhà cấp 4.
Vào tháng 3/2018, do mâu thuẫn cá nhân, một người đàn ông đã mang can nhựa đựng xăng và bình khò gas loại mini đi vào nhà ông T. gây ra vụ nổ khiến 4 người trong gia đình ông này và cả thủ phạm đều chết cháy. Căn nhà của ông T. xây cất tạm bợ, dựa lưng vào ta luy của biệt thự, chỉ có duy nhất 1 cửa ra vào mà thủ phạm đang án ngữ nên toàn bộ số người trong nhà không thể chạy ra ngoài.
Một trong những khu biệt thự hiếm hoi được tôn tạo nguyên trạng ở Đà Lạt. Ảnh: Kim Anh
Nhiều biệt thự cổ hoang tàn, biến dạng
Vào tháng 3 năm ngoái, tại công trình sửa chữa, trùng tu dãy nhà cổ trên đường Hùng Vương, TP Đà Lạt của trường Đại học kiến trúc TPHCM đã xảy ra sự cố khiến 2 công nhân tử vong. Nguyên nhân, sàn nhà tầng trên bị sập đè chết người đang làm việc ở tầng dưới. Được biết, nơi xảy ra sự cố trước đây là một tu viện cổ đã bị bỏ hoang nhiều năm.
Năm 2011, chỉ còn 178 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước; đến cuộc khảo sát năm 2017, rơi rụng thêm 16 biệt thự nữa, chủ yếu là do bị hư hỏng trầm trọng, không thể cứu vãn… |
Đáng lưu ý, nhiều biệt thự đã được giao cho các doanh nghiệp sử dụng kinh doanh từ lâu nhưng vẫn bị bỏ hoang, xuống cấp từng ngày gây bức xúc dư luận, chẳng hạn các biệt thự số 1 và 2 (đường Đống Đa), dãy biệt thự số 1, 3, 5, 7 (đường Cô Giang)…
Mặc dù đã được giao cho Công ty TNHH Én Việt đầu tư tôn tạo nhưng hàng loạt hạng mục của biệt thự số 5 Trần Hưng Đạo vẫn trong tình trạng mục nát: Hầu hết các kết cấu làm bằng gỗ để đỡ mái ngói biến thành gỗ mục, ngói rơi vỡ từng mảng; nhiều cánh cửa bị mất hoặc trật bản lề siêu vẹo. Biệt thự cổ có kiến trúc đẹp này có nguy cơ bị xóa sổ nếu không cấp tốc tôn tạo.
Dạo một vòng quanh các tuyến phố nội ô TP Đà Lạt như Hùng Vương, Hoàng Diệu, Hàn Thuyên, Ba Tháng Tư…, không khó để bắt gặp những biệt thự sang trọng kiểu Pháp bị bỏ hoang hàng chục năm khiến sàn gỗ xập xệ, cửa sổ và mái ngói rơi vỡ khi mưa to gió lớn.
Trò chuyện với chúng tôi, một người dân sống cạnh nhà hoang không khỏi tâm tư: “Biệt thự cổ sang trọng mà để hoang tàn, thành nơi phóng uế của người qua đường và tụ điểm của các đối tượng nghiện hút, mại dâm, thật xót xa!”. Các khu vực ven thành phố như đèo Prenn, Vạn Thành, Xuân Thọ… cũng có nhiều biệt thự bị bỏ hoang. Một số ngôi, căn bị đồn thổi là nhà ma khiến nhiều người dân địa phương và khách du lịch tìm đến tham quan, chụp ảnh; xì xụp quỳ lạy, khấn vái.
Là người tâm huyết với việc gìn giữ nét đẹp truyền thống của TP Đà Lạt, PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh cho rằng: Các biệt thự cổ ở Đà Lạt được xem như bộ sưu tập kiến trúc tiêu biểu của các vùng miền nước Pháp; không chỉ phong phú về thể loại mà còn đa dạng về phong cách, thẩm mỹ mà không đô thị nào của Việt Nam có được, do đó để xảy ra tình trạng hoang phế như hiện nay là rất lãng phí.
Bảo tồn, tôn tạo thế nào? Theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, dù số biệt thự bị hư hao khá nhiều so với trước đây; tuy nhiên, quỹ biệt thự cổ ở Đà Lạt vẫn còn khá lớn; nếu quản lý, khai thác hiệu quả sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương. Thời gian tới phải triển khai đúng mức công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng các biệt thự. UBND TP Đà Lạt cho hay sẽ tăng cường tổ chức kiểm tra, rà soát lại tất cả các công trình đã giao cho doanh nghiệp. Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân không sử dụng hoặc để tình trạng xuống cấp diễn ra đối với các công trình đã tiếp quản thì địa phương sẽ thu hồi. Hiện nay, TP Đà Lạt đang gặp khó trong việc bố trí chung cư cho các trường hợp đã có quyết định bồi thường để di dời khỏi biệt thự. Thời gian tới, thành phố sẽ phát triển quỹ nhà chung cư tái định cư, chung cư nhà ở xã hội phục vụ công tác giải tỏa, bồi thường giải phóng mặt bằng tại các biệt thự để sớm bàn giao cho nhà đầu tư. KTS Khương Văn Mười, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, chia sẻ: Biệt thự đẹp nhờ cảnh quan xung quanh, do đó quá trình bảo tồn biệt thự cổ, không chỉ giữ nguyên hiện trạng công trình kiến trúc mà phải bảo vệ cho được không gian của cả khu biệt thự. Hãy trả lại cho Đà Lạt những mảng xanh đã mất. |
Kim Anh – Báo Tiền Phong
Theo Tiền Phong
Ảnh: Biệt thự số 5 Trần Hưng Đạo xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Kim Anh
Xem bài viết gốc tại đây:
https://tienphong.vn/da-lat-hang-loat-biet-thu-hoang-phe-post1438873.tpo