Đồ án điều chỉnh quy hoạch Công viên Xuân Hương (Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cần hạn chế tối đa việc tác động đến cây xanh hiện hữu.
Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa ra thông báo kết luận của ông Phạm S, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, sau đây gọi tắt là Chủ tịch Hội đồng thẩm định) về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết công viên Xuân Hương, TP. Đà Lạt.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhận xét Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Xuân Hương, thành phố Đà Lạt, tỷ lệ 1/500 đã bám sát các định hướng theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, đồ án Thiết kế đô thị cảnh quan xung quanh hồ Xuân Hương, quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.
Đồ án đã được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan đến khu vực lập quy hoạch bằng hình thức niêm yết công khai, phát phiếu ý kiến và văn bản tham gia ý kiến, đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình thẩm định theo quy định.
Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã phối hợp rất tốt với các sở, ngành, địa phương có liên quan trong quá trình triển khai, có cách tiếp cận các xu hướng, vận dụng cách làm đảm bảo trình tự và khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong điều tra, khảo sát; phối hợp các chuyên gia đầu ngành về quy hoạch, kiến trúc với năng lực đảm bảo yêu cầu và quy định nhằm hoàn thiện đồ án với các thành phần hồ sơ theo quy định. Hội đồng thống nhất thông qua nội dung đồ án.
Tuy nhiên, để hồ sơ đủ điều kiện trình phê duyệt, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị chủ đầu tư phối hợp đơn vị tư vấn cần bổ sung đánh giá cụ thể hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đồng thời với đặc thù là khu vực rừng nội ô của thành phố Đà Lạt, cần bổ sung đánh giá hiện trạng số lượng, vị trí của hệ thống cây xanh hiện hữu trong khu vực lập quy hoạch; đồng thời có giải pháp cân bằng diện tích cây xanh đảm bảo hạn chế tối đa việc tác động đến cây xanh hiện hữu (theo đồ án giảm khoảng 3.000 m2 diện tích cây xanh, rừng thông).
Về định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan, Chủ tịch Hội đồng thẩm định cần xác định rõ hạng mục Trung tâm triển lãm là công trình điểm nhấn của khu vực lập quy hoạch, có chức năng triển lãm, cung cấp thông tin du lịch, tổ chức hội nghị, hội thảo; bổ sung quy mô công suất của Trung tâm triểm lãm.
Đối với hình thức kiến trúc của công trình phải tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình trước khi xây dựng theo quy định của Luật Kiến trúc.
Đối với các hạng mục công trình khác cần nghiên cứu, đề xuất thêm về hình thái kiến trúc tạo sự độc đáo, hài hòa trong không gian tổng thể của khu công viên.
Về các dự án ưu tiên đầu tư, nguồn vốn và phân kỳ đầu tư, theo kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định: “Tổng chi phí đầu tư dự kiến khoảng 183 tỷ đồng, để thuận lợi trong quá trình triển khai và đảm bảo tính khả thi đồ án, đề nghị bổ sung thuyết minh cụ thể về nguồn vốn thực hiện cho từng giai đoạn; giải pháp huy động các nguồn lực (ưu tiên nguồn vốn xã hội hóa).
Về quy định quản lý, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị cần bổ sung và nhấn mạnh thêm về định hướng quản lý kiến trúc xây dựng công trình, các vật thể kiến trúc và vấn đề bản sắc kiến trúc theo quy định của Luật Kiến trúc.
Về cơ sở pháp lý, ông Phạm S đề nghị bổ sung Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001; Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 15/01/2021 của UBND tỉnh quy định về Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài ra, ông Phạm S cũng đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Đà Lạt (đại diện chủ đầu tư) và đơn vị tư vấn tiếp thu, chọn lọc các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ trong tháng 2/2022 để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận trước khi phê duyệt theo quy định.
Linh Đan – Báo Đầu Tư
Theo Đầu Tư
Ảnh: Hồ Xuân Hương, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Xem bài viết gốc tại đây: