Theo Chỉ thị 15 của UBND TP.Hà Nội thì đến năm 2021 sẽ xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn. Tuy nhiên, các bếp than tổ ong vẫn đỏ lửa khi chỉ còn một ngày nữa là hết hạn lộ trình xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong.
Việc đốt than tổ ong là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Nhất là vào mùa đông nhu cầu đun nấu, sưởi ấm của người dân tăng cao, việc sử dụng than nhiều cộng thêm với các điều kiện thời tiết dẫn đến chất lượng không khí thường ở mức kém thậm chí nguy hại.
Từ sự ô nhiễm quá mức bầu không khí đô thị do than tổ ong gây ra, ngày 30/10/2019, UBND TP.Hà Nộii ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ của 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Theo đó đến ngày 31/12/2020 việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ phải chấm dứt hoàn toàn.
Mới đây, báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội về việc triển khai Chỉ thị số 15 cho thấy tính đến quý III/2020, Hà Nội còn khoảng 11.081 bếp than tổ ong, sau khi đã loại bỏ được 43.411 bếp (giảm 79,66% so với năm 2017). Trong đó, quận Hoàn Kiếm và huyện Thạch Thất đã xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ.
Các địa bàn có tỉ lệ giảm bếp than tổ ong cao nhất so với năm 2017 là quận Hoàn Kiếm (giảm 100%), huyện Thạch Thất (giảm 100%), huyện Sóc Sơn (giảm 98,9%). Trong khi đó, 5 quận/huyện vẫn còn số lượng bếp than ở mức cao nhất lần lượt là quận Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng, quận Ba Đình, quận Đống Đa, huyện Đan Phượng.
Trao đổi với Ngày Nay, ông Mai Trọng Thái – Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, hiện nay, mỗi ngày, người dân TP.Hà Nội tiêu thụ hơn 520 tấn than, từ đó thải ra môi trường gần 1.900 tấn khí CO2, bụi mịn (PM2.5) và nhiều khí thải độc hại khác. Đây không phải là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất nhưng cần loại bỏ, bởi khi đốt than sẽ thải ra môi trường các khí độc hại, như: CO, CO2, SO4. Nếu hít thở thường xuyên các khí này sẽ gây ra hiện tượng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… Bụi thải trong quá trình đốt than cũng đi vào đường thở, gây viêm phế quản, hen suyễn và ảnh hưởng đến chức năng phổi, suy giảm khả năng hoạt động tim mạch. Nhiều gia đình sử dụng bếp than tổ ong trong nhà, lượng khí độc hại thải ra khiến thành viên sinh sống trong nhà đó bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe; nếu đặt bếp ở vỉa hè, đường phố thì ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường… Vậy nên, việc Hà Nội loại bỏ bếp than tổ ong trong sinh hoạt hằng ngày là việc làm cần thiết và cấp thiết.
Theo kế hoạch, từ ngày mai (1/1/2021), Công an TP.Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng sử dụng bếp than tổ ong theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
170.000 người ở Hà Nội cải thiện sức khỏe nhờ “xóa sổ” than tổ ong Nghiên cứu của Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu Stockhom (Anh) được thực hiện trên cơ sở ứng dụng công cụ mô hình LEAP – IBC trong tính toán phát thải từ hoạt động sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ cho giai đoạn 2017 – 2020 đã cho thấy sức khỏe người dân và môi trường được cải thiện sau khi lượng than tổ ong sử dụng ít đi. Cụ thể: Lượng khí CO thải ra từ bếp than tổ ong tính đến hết tháng 9/2020 đã giảm được 19.000 tấn so với năm 2017. Cùng với giảm thải CO, việc giảm và chấm dứt sử dụng than tổ ong còn giúp giảm phát thải bụi mịn PM2.5. Năm 2017, ước tính lượng phát thải PM2.5 hằng năm trên toàn địa bàn Hà Nội là 2.228 tấn/năm. Nhưng tính đến tháng 9/2020, con số này đã giảm xuống chỉ còn 570 tấn/năm (giảm 1.658 tấn/năm). Đặc biệt, việc giảm sử dụng than tổ ong còn giúp giảm tiếp xúc với khí thải và ảnh hưởng đến sức khỏe do sử dụng bếp than tổ ong. Trong quá trình đốt than, người tham gia đốt than có thể phơi nhiễm với CO và PM2.5 thông qua 3 con đường là hít thở, tiếp xúc và tiêu hóa. Tính từ năm 2017- tháng 9/2020, việc giảm số lượng bếp than tổ ong đã làm giảm tiếp xúc các chất ô nhiễm và cải thiện đáng kể sức khỏe cho khoảng 170.000 người ở Hà Nội. |
Minh Phương – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Đã đến lúc ‘xóa sổ’ bếp than tổ ong.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/da-den-luc-xoa-so-bep-than-to-ong-52188.html