Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh về việc Công ty TNHH MTV Vĩnh Long chỉ được phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp mặt bằng) để phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Lục Nam và tỉnh Bắc Giang, tuy nhiên thời gian qua tại đây có dấu hiệu khai thác vượt sản lượng, vận chuyển đất ra ngoài tỉnh tiêu thụ?!
Được biết, UBND tỉnh Bắc Giang có Quyết định số 579/ QĐ – UBND, ngày 18/4/2019 do ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ký về việc cho phép Công ty TNHH MTV Vĩnh Long (Công ty Vĩnh Long) khai thác khóang sản tại khu vực núi Bòng, xã Phượng Sơn, diện tích khai thác 7 ha, trữ lượng khoáng sản 2.073.900m3, trữ lượng khoáng sản dược phép khai thác 1.144.500m3, công suất khai thác 150.000m3/năm, thời hạn khai thác 8 năm.
Công ty Vĩnh Long có trách nhiệm tiến hành hoạt động khai thác đất theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu trữ lượng, công suất quy định tại văn bản cho phép khai thác; phải thu hồi tối đa sản phẩm khai thác từ mỏ và các sản phẩm khác (nếu có); báo cáo đúng sản lượng khai thác, cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với dự án khai thác đất san lấp đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-UBND ngày 5/3/2019 và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Những chiếc tàu mang biển hiệu Bắc Ninh, Hải Dương đang nằm chờ để ăn đất. |
Đồng thời, lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày được cấp phép khai thác, lắp đặt camera giám sát tại khu vực khai thác để lưu trữ thông tin, thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông… Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn phải dừng ngay hoạt đông khai thác, khắc phục kịp thời và báo cáo bằng văn bản với các cơ quan chức năng.
Theo nguồn tin của phóng viên trước đó, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cũng mới kiểm tra mỏ và tạm thời không cho phép mỏ của Công ty Vĩnh Long đưa đất ra khỏi mỏ và tạm đình chỉ hoạt động của mỏ đất này để hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Cảng rót đất xuống tàu nằm sát điểm mỏ của Công ty Vĩnh Long không tuân thủ quy định của pháp luật. |
Theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 22/4/2021 khu vực này đã hình thành một đại công trường khai thác đất với nhiều máy xúc cỡ lớn, ô-tô tải và tàu thủy tham gia khai thác, vận chuyển rầm rộ, bị đào bới nham nhỡ, xe tải, máy xúc thi nhau gầm rú, dưới sông là 5 – 6 con tàu vận tải cỡ lớn mang biển hiệu Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên đang đợi được “ăn đất”.
Công ty Vĩnh Long vẫn không lắp đặt trạm cân tại vị trí khai thác, không lắp đặt cầu rửa xe, những chiếc tàu đất chở đi sai vị trí. Không những thế việc khai thác đất tại công ty này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi tiếng ồn, trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy lội, nhếch nhác khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.
Chính quyền huyện Lục Ngạn có tiếp tay cho sai phạm? |
Ông Thân Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Sơn cho biết, Công ty Vĩnh Long đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác, tuy nhiên, trong quá trình hoạt động Công ty đã không thực hiện đúng giấy phép. Còn việc gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác đất là có, nhiều lần người dân cũng đã phản ánh, UBND xã nhiều lần lập biên bản và đã báo cáo UBND huyện rồi. Khi được hỏi về việc Công ty Vĩnh Long mang đất vận chuyển đi đâu thì ông Huy khẳng định mang đi nhiều nơi như Bắc Ninh, Hải Dương để bán, nhưng phóng viên cho rằng việc đưa đất ra ngoài tỉnh là sai so với giấy phép.
Trước đó làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Đức Đại, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Lục Ngạn khẳng định Công ty Vĩnh Long được UBND tỉnh cấp phép nhưng phía công ty chỉ được đưa đất đi san lấp một số dự án tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, chứ không được mang đất ra ngoài tỉnh.
Ông Thân Văn Huy lúc này thừa nhận: Công ty Vĩnh Long làm như vậy là quá sai rồi và họ phải tự chịu trách nhiệm. Phóng viên đề nghị ông Huy cung cấp hồ sơ, biên bản về việc khai thác đất thì ông Huy lấy lý do cán bộ địa chính không có ở cơ quan nên không cung cấp được.
Theo quy định tại Điều 42, Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, từ ngày 15/01/2017, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (trừ hộ kinh doanh) phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản khai nguyên ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.
Việc yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp lắp đặt trạm cân, camera tại khu vực mỏ là chủ trương đúng đắn, cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông. Chủ trương này nhằm kiểm soát tài nguyên khoáng sản, tránh thất thoát, góp phần ngăn chặn xe quá khổ, quá tải tại nguồn, bảo đảm an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Quy định là vậy, nhưng việc Công ty Vĩnh Long được cấp phép khai thác trên địa bàn huyện Lục Ngạn đang cố tình không thực hiện. Đồng thời, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương biết rõ tình trạng này nhưng không có động thái xử lý khiến dư luận không khỏi hoài nghi về việc có hay không dấu hiệu chính quyền địa phương bao che cho doanh nghiệp làm trái quy định pháp luật?
Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, Công an tỉnh và các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan.
Lê Tí – Quán Dũng – Báo TNMT
Theo Tài nguyên & Môi trường
Ảnh: Hằng loạt quả đồi bị Công ty Vĩnh Long khai thác nham nhở.
Xem bài viết gốc tại đây: