Đoạn đê tả Cầu qua xã Thái Sơn và Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) chỉ dài vài km nhưng biển báo tải trọng không thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý. Nhiều đoạn mặt đê hỏng, nát, nguyên nhân do doanh nghiệp khai thác cát sỏi không cải tạo đê theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trên đoạn đê này, khu vực đầu xã Thái Sơn có đặt biển báo tải trọng 12 tấn nhưng chỉ cách đoạn ngắn, ở giữa lại xuất hiện các biển báo tải trọng 20 tấn. Điều khiến nhiều người khó hiểu là khi đoạn đê được cải tạo, nâng cấp xong (tháng 9/2020) được cắm biển 12 tấn nhưng sau một thời gian sử dụng, mặt đê có điểm bị bong tróc, xuống cấp thì biển báo 12 tấn bị dỡ đi, thay vào đó là biển báo tải trọng 20 tấn.
Cát sỏi khai thác từ sông Cầu được chất lên các xe ô tô chở đi tiêu thụ.
Tìm hiểu được biết, Công ty TNHH Phát triển xây dựng Long Dương (gọi tắt là Công ty Long Dương) được UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép khai thác khoáng sản trên diện tích khoảng 5ha ở khu vực bãi soi Xạ, xã Hòa Sơn. Việc vận chuyển cát sỏi từ dưới sông đi tiêu thụ bằng đường bộ chỉ có thể sử dụng mặt đê tả Cầu, kết nối ra đường tỉnh 288 qua xã Thái Sơn, một số xe khác đi qua xã Hòa Sơn.
Theo quy định, mặt đê tả Cầu chỉ cho phép xe có tải trọng không quá 12 tấn hoạt động, trong khi thực tế, nhiều xe ô tô tải trọng lớn chở cát sỏi từ khu vực khai thác của Công ty Long Dương đi qua đoạn đê này. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ngày 2/2/2021, UBND tỉnh Bắc Giang có Công văn số 443/UBND-NNN đồng ý cho phép Công ty Long Dương cải tạo mặt đê kết hợp làm đường giao thông đoạn từ K0+400 đến K3+148 đê tả Cầu.
Đoạn đê tả Cầu chưa được cải tạo nhưng vẫn được cắm biển tải trọng 20 tấn.
Trong Công văn 443 nêu rõ: Giải pháp thiết kế mặt đê rộng 6 m (phần bê tông rộng 5 m, lề mỗi bên 0,5 m), tải trọng xe cho phép đi trên đê không quá 20 tấn. Công ty Long Dương có trách nhiệm thi công cải tạo mặt đê xong trong năm 2021, khi hoàn thành được phép thay thế các biển báo tải trọng từ 12 tấn lên 20 tấn, tháo dỡ barie và trụ ngăn xe tại K0+400.
Thế nhưng quá thời hạn trên và thực tế đến tháng 11/2022 (chậm gần một năm so với mốc thời gian của Công văn 443), Công ty Long Dương không thực hiện đúng yêu cầu. Cùng cán bộ xã Thái Sơn khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, Công ty Long Dương chỉ cải tạo từ K1+800 đến K2+180 với chiều dài hơn 440 m (bằng hơn 16% so với tổng số chiều dài yêu cầu cải tạo). Còn lại các đoạn từ K0+400 đến K1+800 và từ K2+180 đến K3+148 chưa được cải tạo.
Chỉ đoạn ngắn trước đó là biển cấm xe quá 12 tấn.
Mặc dù chưa cải tạo mặt đê để đáp ứng yêu cầu tải trọng và an toàn đê nhưng Công ty Long Dương đã vội vàng “nhổ” các biển báo 12 tấn, đặt biển báo 20 tấn và phá bỏ toàn bộ barie, trụ ngăn xe quá tải; không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang.
Hằng ngày chứng kiến các xe chở cát sỏi gây nguy hiểm tuyến đê, mặt bê tông nhiều đoạn vỡ nát, bong tróc, ảnh hưởng đến việc đi lại, mất an toàn giao thông, ông L.V.P ở xã Hòa Sơn bức xúc: “Đã có nhiều người đi xe máy bị ngã khi đi qua các đoạn đê bị xuống cấp, hỏng hóc do xe chở cát sỏi, vật liệu xây dựng hoạt động suốt thời gian dài. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh nhưng đến nay chưa được giải quyết”.
Ông Nguyễn Xuân Hạ, cán bộ xây dựng UBND xã Thái Sơn cho biết, cử tri và nhân dân địa phương thường xuyên có ý kiến về những bất cập từ đặt biển báo tải trọng trên đê tả Cầu và việc Công ty Long Dương chưa cải tạo, nâng cấp đê. Những phản ánh này đều được xã ghi nhận, gửi lên UBND huyện Hiệp Hòa và HĐND tỉnh trong các cuộc tiếp xúc cử tri.
Hằng ngày có nhiều xe chở cát sỏi hoạt động trên tuyến đê tả Cầu đoạn qua xã Thái Sơn.
Về phía Công ty Long Dương, chúng tôi đã liên hệ làm việc song bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Công ty viện lý do bận, không trao đổi trực tiếp mà chỉ gửi cho phóng viên văn bản lý giải việc chưa thực hiện cải tạo đoạn đê từ K2+180 đến K3+148 do “Công ty không còn khả năng về nguồn lực kinh tế” và “Thực tế xe mua bán vật liệu của Công ty không đi qua đoạn đường đó”.
Phải chăng đây là sự chối bỏ trách nhiệm vì ngày 18/1/2021, chính Công ty Long Dương đã có tờ trình số 18/TTr/LD gửi UBND tỉnh Bắc Giang về đề nghị cho phép cải tạo đê mặt cầu đoạn từ K0+400 đến K3+148. Trong tờ trình nêu rõ: “Để phục vụ việc vận chuyển sản phẩm cát sỏi đến các địa bàn tiêu thụ”.
Làm việc với ông Khổng Văn Nguyên, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) về vấn đề này, ông Nguyên cho biết hiện trạng đúng như phóng viên phản ánh.
Từ ngày 20/7/2022, Chi cục đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT có công văn đôn đốc Công ty Long Dương thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, thời hạn phải xong trước ngày 31/10/2022. Tuy nhiên, đến nay Công ty Long Dương vẫn không chấp hành.
Sở Nông nghiệp và PTNT có công văn đề nghị Công ty Long Dương khẩn trương thi công hoàn thành các hạng mục như cam kết. Nếu không thực hiện, Sở sẽ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để thu hồi giấy phép cải tạo mặt đê kết hợp làm đường giao thông trên đê tả Cầu và yêu cầu Công ty hoàn trả các biển báo tải trọng 12 tấn, barie hạn chế xe quá tải trọng. Đồng thời đề nghị UBND huyện Hiệp Hòa xử lý các xe quá tải trọng hoạt động trên tuyến đê.
Đoạn đê qua xã Thái Sơn đã bị vỡ nát do xe chở cát sỏi hoạt động.
Tiếp nhận phản ánh của cử tri các xã Thái Sơn và Hòa Sơn, ông Đặng Hồng Chiến, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Hiệp Hòa, các ngành chức năng tham mưu biện pháp để xử lý kiên quyết đối với Công ty Long Dương.
Bài, ảnh: Quốc Phương – Báo Bắc Giang
Theo Bắc Giang
Ảnh: Khu vực khai thác, tập kết cát sỏi của Công ty Long Dương thuộc địa bàn xã Hòa Sơn.
Xem bài viết gốc tại đây: