Công trình xanh ở Việt Nam dưới góc nhìn chuyên gia pháp lý

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM), chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng phải xử phạt nghiêm các chủ đầu tư dự án bất động sản “nổ” công trình xanh để bán hàng.

Công trình xanh ở Việt Nam nặng tính hình thức

– Mấy năm trở lại đây, các chủ đầu tư dự án bất động sản ở Việt Nam như Capital House, Phúc Khang Corporation… đang định hướng phát triển các dự án của mình theo các tiêu chuẩn công trình xanh trên thế giới như LOTUS, LEED, Green Mark… Theo luật sư, công trình xanh trên thế giới và các công trình xanh mà chủ đầu tư ở Việt Nam đang thực hiện có gì giống và khác nhau? 

– Khác nhau rất nhiều và thậm chí là thực hiện theo cách trái ngược nhau. Ở nước ngoài, việc đầu tiên là họ có tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn để đánh giá cụ thể đối với đối tượng, sau đó mới cấp các chứng nhận cho đối tượng đạt được các tiêu chí đã đề ra. Thậm chí họ kiểm tra và giám sát sau đó hoặc thu hồi luôn chứng nhận dù đã được cấp nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn hoặc vi phạm tuyên bố.

Ở Việt Nam thì ngược lại, có tình trạng tự hô “xanh” theo một số kiểu.

Thứ nhất là tự tuyên bố sẽ “xanh” bằng cách học theo, làm theo các tiêu chuẩn của nước ngoài, rồi sau đó giới thiệu một số tổ chức nước ngoài. Nhưng thực chất họ không nộp hồ sơ cho các tổ chức này chứng nhận. Đây chỉ là cách làm cho giống nước ngoài, hoặc chỉ làm theo một vài tiêu chuẩn để dễ dàng hơn trong công tác bán hàng.

Thứ hai, trường hợp tuyên bố “sẽ” nộp hồ sơ để đạt được các chuẩn mực công trình xanh của tổ chức nước ngoài. Nhưng đây là việc chủ đầu tư chưa làm đã tuyên bố để giới thiệu sản phẩm. Sau các chương trình đó thì không thấy ai nhắc đến có nộp hồ sơ hay không, chính họ cũng “bơ” đi và không nhắc đến.

Tôi cho rằng, nhận thức về công trình xanh là một xu hướng tiến bộ, nhưng những gì đang làm ở Việt Nam thì chưa thực sự đạt được, vẫn nặng về việc lấy tiếng với khách hàng hơn là việc tổ chức làm, chưa làm đã lo khai thác lợi ích.

– Như luật sư nói thì các bộ tiêu chí công trình xanh trên thế giới khi về Việt Nam đã bị biến tướng và khó thành công như các nước đang áp dụng?

 Tư tưởng công trình xanh là tốt, còn việc nhận thức và cả mức độ tiêu chí thì tùy theo từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Các chứng nhận của nước ngoài với điều kiện xã hội ở nước ngoài có kiểm soát tốt nên sẽ có mức độ cao hơn và thậm chí nó còn được kiểm soát ngay ở các lĩnh vực khác.

Hiện có nhiều tổ chức chứng nhận, mỗi tổ chức sẽ theo các xu hướng hay lĩnh vực cụ thể khác nhau. Để đạt được sự công nhận thì mỗi tổ chức chứng nhận đó phải đảm bảo sự uy tín của mình. Như vậy, trên thực tế, doanh nghiệp hoặc tổ chức sẽ lựa chọn tổ chức chứng nhận nào phù hợp với họ nhất (lĩnh vực của họ, thị trường tiêu thụ của họ,…)

Với Việt Nam, tổ chức hoặc doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện theo bộ tiêu chí của nước ngoài để họ cấp chứng nhận, hoặc tổ chức Việt Nam tự xây dựng bộ tiêu chí riêng để cấp chứng nhận của tổ chức mình cho chính cộng đồng Việt Nam. Điểm chính là tổ chức Việt Nam thực hiện để có sự uy tín đối với chính bộ tiêu chí và sự quản trị của tổ chức chứng nhận.

Cần xử nghiêm chủ đầu tư “nổ” công trình xanh

Theo thống kê của tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), tính đến quý III/2020, Việt Nam chỉ có 155 công trình đạt chứng nhận xanh.Nhưng thực tế có tình trạng chủ đầu tư sử dụng mác công trình xanh để thương mại hóa sản phẩm. Nhiều khách hàng bỏ tiền mua căn hộ được quảng cáo là công trình xanh nhưng thực chất không xanh.Để giải quyết vấn đề này dưới góc độ pháp lý, theo luật sư cơ quan chức năng cần phải giải thực hiện và thực hiện như thế nào?

 Với việc lập lờ trong gắn mác “công trình xanh” gồm các hành vi như: Không đúng sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng… Hiện nay, xét về hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam có nhiều quy định để xử lý về vấn đề này.

Để xử lý việc này, các cơ quan Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ và xử lý một số trường hợp để kiểu gắn mác gây nhầm lẫn này. Việc này vừa tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm thật có cơ hội phát triển khẳng định giá trị của mình và người dân không bị lừa dối, các chuẩn mực không bị lợi dụng.

tm-img-alt
Luật sư Trần Đức Phượng.

Các hành vi vi phạm nếu có có thể được xử lý tại các quy định khác như: Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 xử phạt về các hành vi gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa dịch vụ hay sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác.

Hầu hết các bộ tiêu chí của giấy chứng nhận công trình xanh thường sẽ quy định chặt chẽ từ việc đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn sau khi được cấp giấy chứng nhận và các trường hợp thu hồi nếu để xảy ra các sự cố. Thậm chí, không phải cứ nộp hồ sơ thì tổ chức chứng nhận sẽ chấp thuận. Họ sẽ sàng lọc và từ chối nếu các doanh nghiệp đó tiềm ẩn những vấn đề.

– Với tư cách là chuyên gia pháp lý về bất động sản, ông có ý kiến gìcho phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong tương lai?

 Với công trình xanh ở Việt Nam, chúng ta cần có những tiêu chí cụ thể để các chủ thể hướng đến đạt được các tiêu chí đó. Chúng ta cần có sự định lượng và định tính bằng kết quả, không thể theo kiểu đi tắt đón đầu, khai thác lợi ích theo kiểu xanh chỉ bằng diễn đạt ngôn ngữ công trình xanh theo kiểu chung chung.

Hoặc dù doanh nghiệp có tự nhận thức về các tiêu chí và tự thực hiện theo mà không cần được tổ chức nào chứng nhận đã là giá  trị cho xã hội. Do đó, tùy theo từng hoàn cảnh, từng trường hợp có thể tự làm theo cách của mình, nhưng tất cả cần phải sự rõ ràng, không thể nhậm nhèm để trục lợi.

Xin cảm ơn luật sư!

Ngày 1/3, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), ông Nguyễn Công Thịnh đã ký Văn bản số 633/BXD-KHCN phản hồi Công văn số 261/CV-KTMT ngày 26/11/2020 và Công văn số 45/CV-KTMT của Tạp chí Kinh tế Môi trường về việc đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến hiện trạng phát triển công trình xanh tại Việt Nam.

Sau khi nghiên cứu, rà soát và làm việc với các đơn vị tư vấn đánh giá, cấp chứng nhận công trình xanh tại Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết, về mặt pháp lý, nội hàm của “công trình xanh” được quy định tại Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng với nội dung khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, quy định cụ thể tại Khoản 4, Điều 10 của Luật. Việc đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, đánh giá, chứng nhận công trình xanh là hoạt động tự nguyện, khuyến khích áp dụng.

Sau khi Luật được ban hành, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đưa các nội dung hướng dẫn cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, trong đó có nội dung hướng dẫn về việc đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh.

“Vấn đề này cần sự tham gia của các Bộ, ngành địa phương liên quan đến các lĩnh vực cụ thể nêu trên. Để ban hành khung pháp lý đầy đủ, cần có thời gian rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các quy định của pháp luật và các cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển công trình xanh”, Văn bản của Bộ Xây dựng cho biết.

Đông Tẩu (thực hiện) – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Công trình xanh Diamond Lotus Riverside do Phúc Khang Corporation phát triển tại TP.HCM.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/cong-trinh-xanh-o-viet-nam-duoi-goc-nhin-chuyen-gia-phap-ly-56240.html