Công nghệ thông gió giúp giảm lây lan bệnh dịch trong không khí

Các hệ thống thông gió cần được thiết kế không chỉ nhằm để có không khí thoáng mát mà còn nhằm giảm thiểu lây lan bệnh dịch trong không khí.

Mới đây, nhóm nghiên cứu Estonia do Jarek Kurnitski và Martin Kiil dẫn dắt đã phát triển một phương pháp mới để thiết kế hệ thống thông gió mới nhằm tính toán tốc độ thông gió của không khí ngoài trời, từ đó đưa ra lượng thông gió trong nhà tương ứng với mức độ lây nhiễm nhất định. 

Như đã biết, COVID-19 lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần với người bệnh hoặc thiếu sự thông gió nơi đông người. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp nhiễm bệnh từ phía đối diện căn phòng với mức thông gió từ 1 – 2 lít/giây cho mỗi người. Mức này thấp hơn 5 – 10 lần so với mức 10 lít/giây/người theo các tiêu chuẩn hiện hành. Điều này đã đặt ra câu hỏi về mức thông gió cần thiết để giảm lây truyền SARS-CoV-2 qua không khí.

Phương pháp mới cho phép tính toán tốc độ thông gió cần thiết dựa trên lượng virus một người thải ra trong một giờ (quanta/giờ), và tốc độ lây nhiễm dự kiến. 1 quanta là lượng mầm bệnh cần thiết trong trường hợp có 63% khả năng lây nhiễm. Khác với hệ số lây nhiễm cơ bản dùng để mô tả sự lây lan dịch bệnh, phương pháp này sử dụng hệ số lây nhiễm sự kiện cho biết có bao nhiêu người trong phòng có thể nhiễm bệnh khi có người mang virus. Do khả năng tiếp xúc với người lây lan virus trong nhiều sự kiện, nên hệ số lây nhiễm sự kiện có giá trị là R = 0,5. 

Nghiên cứu đã sử dụng tốc độ phát tán SARS-CoV-2 khi tính toán nhu cầu thông gió, ngoài ra phương pháp này cũng có thể dùng để ngăn chặn sự lây nhiễm của các loại virus đường hô hấp khác. 

Kurnitski nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp thiết kế mới trong việc thiết kế các phòng có nguy cơ lây nhiễm thấp. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp này trên những căn phòng ở các tòa nhà công cộng. Họ thấy rằng thông số quan trọng nhất để giảm nguy cơ lây nhiễm là luồng không khí cung cấp trong toàn bộ căn phòng trên mỗi người bị nhiễm, tuy nhiên số lượng người trong phòng cũng rất quan trọng. Tốc độ thông gió loại I, theo tiêu chuẩn khí hậu trong nhà EN 16798-1 phù hợp với một số, nhưng không phải tất cả các phòng. Tốc độ thông gió yêu cầu bắt đầu từ khoảng 80 lít/giây mỗi phòng.

Các nhà nghiên cứu đề xuất áp dụng phương pháp này trong các tiêu chuẩn thông gió trong tương lai để bổ sung cho các tiêu chuẩn hiện tại. Tuy nhiên do những khác biệt lớn nên không thể đưa ra quy tắc chung đơn giản để điều chỉnh tốc độ thông gió hiện tại. 

Như Huy

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Thiết kế hệ thống thông gió theo phương pháp mới có thể giảm lây truyền SARS-CoV-2 qua không khí