Công cuộc ‘cứu nguy’ biển Cửa Đại

Câu chuyện ‘cứu nguy’ cho bãi biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) luôn là vấn đề nóng suốt nhiều năm nay kể từ khi biển bắt đầu lấn sâu vào đất liền. Nhiều giải pháp đưa ra tạm thời có, căn cơ có nhưng để thực sự bắt tay vào thực hiện thì không hề dễ dàng.

Giải pháp tạm thời

Cuộc giải cứu bờ biển Cửa Đại được quan tâm từ rất sớm với hàng trăm tỷ đồng và hàng chục phương án, hội thảo đã được đưa ra nhằm “cứu” một trong những bãi biển từng được đánh giá là đẹp nhất hành tinh. Từ năm 2013 đến nay, hầu như năm nào chính quyền tỉnh Quảng Nam và Trung ương cũng ưu tiên bố trí vốn chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại. Thế nhưng đến thời điểm này các phương án trên đều chỉ là phương án “cầm cự”, biển vẫn ngày một ăn sâu hơn vào đất liền.

Cụ thể, năm 2014 kè mềm hơn 400m từ khách sạn Victoria đến khách sạn Hội An; năm 2015 kè mềm 240m từ nhà hàng Hòa Hưng đến nhà hàng Sen và gia cố 714m chân kè đoạn từ khách sạn Pusionalya đến SunRise bằng đá hộc; năm 2017 kè mềm hơn 1km từ khách sạn Victoria về hướng khách sạn Palm Garden. Đó là chưa kể chủ đầu tư các khu resort, khách sạn tự bỏ tiền kè để bảo vệ tài sản và tính mạng của du khách và các đợt ứng phó khẩn cấp do mưa lũ của TP Hội An. Tháng 1-2019, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục đề nghị Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, trình Thủ tướng ưu tiên hỗ trợ 700 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại.

Ông Nguyễn Thế Hùng–Phó chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: “Các giải pháp được đưa ra để khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển có rất nhiều như kè cứng, kè mềm, đóng cọc cừ Larsen… Thực tế có một thời gian cát đã bồi trở lại tuy nhiên sau đó thời tiết diễn biến xấu thì tình trạng này lại tiếp diễn và mở rộng. Sạt lở diễn ra liên tục vượt quá khả năng ứng phó của thành phố. Mới đây nhất, do ảnh hưởng của không khí lạnh cộng triều cường đợt cuối năm 2018 và đầu 2019, sóng lớn cùng mưa kéo dài nhiều ngày đã khiến hàng trăm mét bờ biển Cửa Đại sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào bờ. Tuyến kè mềm được đầu tư tiền tỉ bị sóng biển phá nát. Sau khi kết thúc đợt không khí lạnh, thành phố đã giao các ngành chức năng kiểm tra và có phương án xử lý tạm thời. Còn hiện tại để giải quyết căn cơ đối với bờ biển Cửa Đại phải chờ giải pháp tổng thể mà hiện nay tỉnh đang tính”.

Muốn “nuôi” biển phải “nuôi” sông

Trước thực trạng bờ biển Cửa Đại đã và đang sạt lở nghiêm trọng, chiều 20-2, TP Hội An đã tổ chức buổi họp báo cáo tình hình và tìm giải pháp bảo vệ bờ biển. Tại đây, ông Lê Trí Thanh–Phó Chủ tịch UBND tỉnh “cảnh báo”: “Tiền bạc và công sức sẽ trôi sông đổ biển nếu không có giải pháp chống xói lở bờ biển Cửa Đại một cách tổng thể, đồng bộ”. Có 3 nhóm giải pháp khả thi để bảo vệ bờ biển đã được đề ra là nuôi bãi và đê ngầm để giữ chân bãi; đập phá sóng xa bờ và nuôi bãi; kè mỏ hàn chữ T và nuôi bãi. Phân tích về các ưu nhược điểm của từng phương án dựa trên hiệu quả kĩ thuật, mức độ ảnh hưởng vùng ven và yếu tố kinh tế, các chuyên gia thống nhất rằng phương án sử dụng kè ngầm xa bờ kết hợp kè mỏ hàn và nuôi bãi là phương án tối ưu nhất.

Đối với vấn đề nuôi bãi, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự cho rằng vấn đề của bãi biển Cửa Đại không chỉ đơn thuần là giải pháp nào, kè ra sao mà còn phải có sự cân nhắc tổng thể từ thượng nguồn đến hạ du. Nếu chỉ lo giải quyết phần ngọn, bỏ dở phần gốc thì công sức sẽ đổ sông đổ biển. “Phải xác định nguyên nhân gốc rễ của việc xói lở là gì, giải quyết vấn đề đó và phải gấp rút thực hiện ngay. Hiện nay chúng ta chỉ quan tâm đến phần biển xói lở mà bỏ qua các con sông nên dù có nuôi bãi mà thượng nguồn cứ khai thác cát thì đến mùa mưa lại vẫn sạt lở. Phải đảm bảo dòng chảy tự nhiên, xuyên suốt từ sông ra biển”. Còn ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh cho rằng nguyên nhân gây xói lở là thiếu hụt trầm tích ở vùng biển Hội An.

Đó là sự suy giảm lưu lượng trầm tích từ sông Thu Bồn và lượng cát chảy vào vùng biển Cửa Đại gây bất đối xứng dòng chảy trầm tích đi ra từ Cửa Đại vì vậy không thể “quên” các con sông trong quá trình tính toán. Thực tế, tháng 8 -2017, tại buổi làm việc với nhóm nghiên cứu, tư vấn chống xói lở bờ biển Cửa Đại thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, UBND tỉnh đã từng thống nhất phương án nuôi bãi chống sạt lở bờ biển Cửa Đại. Tuy nhiên, để “theo” được phương án này, các chuyên gia đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cấm tất cả các hình thức khai thác cát dọc theo sông Thu Bồn, quanh biển Cửa Đại và khu vực ven biển Hội An. Cấm xả thải xác trầm tích từ các hồ chứa thượng lưu, cấm xây dựng các kè bảo vệ các khách sạn một cách cục bộ…Như vậy, từ năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã xác định phương án nuôi bãi là kế hoạch khả thi, lâu dài nhưng lại rất khó thực hiện vì “xung đột” với các lợi ích kinh tế khác.

Được biết, kết quả sau buổi họp ngày 20-2, UBND tỉnh sẽ căn cứ vào đó để chọn ra phương án khả thi nhất. Thế nhưng, phương án nuôi bãi mà đa phần các nhà nghiên cứu ủng hộ lại đặt Quảng Nam vào thế khó bởi hiện nay có quá nhiều các thủy điện đầu nguồn và tình trạng khai thác cát trên sông Thu Bồn và Vu Gia thì đáng báo động không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Thiết nghĩ, bài toán chống sạt lở bờ biển Cửa Đại đã có “cách giải” nhưng để “giải” như thế nào còn phải trông đợi vào sự quyết tâm của chính quyền tỉnh Quảng Nam.

Đồng Dao – Báo CAĐN

Theo Công An Đà Nẵng

Ảnh: Đa số các chuyên gia đều thống nhất phương án nuôi bãi là khả thi và có hiệu quả lâu dài đối với biển Cửa Đại.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://cadn.com.vn/news/99_202584_cong-cuoc-cuu-nguy-bien-cua-dai.aspx