Có nên xây đảo nổi giữa sông Sài Gòn?

Theo các chuyên gia, lợi ích mà các đảo nổi mang lại là không lớn. Trong khi đó, nguy cơ làm thay đổi dòng chảy, xói lở bờ sẽ đem đến nhiều hệ lụy.

Lợi bất cập hại

Ý tưởng xây các đảo vườn kết hợp với cầu đi bộ tại đoạn sông Sài Gòn chảy qua khu trung tâm TP.HCM do liên danh tư vấn Viện Quy hoạch vùng Paris (Pháp) cùng Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đề xuất. Đây là liên danh đang hỗ trợ Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM nghiên cứu quy hoạch, phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, việc xây dựng đảo nổi trên sông Sài Gòn không phải không có lợi ích. Tuy nhiên, lợi ích mang lại nhỏ hơn rất nhiều so với tác hại nó mang lại.

Đầu tiên, về cảnh quan dựa trên bản phối cảnh, nhìn từ trên cao xuống không còn nhận ra hình hài sông Sài Gòn. Với các loại cầu bắc qua sông dày đặc, dễ liên tưởng như một cái đầm hơn là sông. Sông Sài Gòn vốn có vẻ đẹp là bề mặt rộng, dòng chảy hiền hòa, khi thu hẹp lòng sông bằng đảo nổi và các cây cầu sẽ làm mất đi vẻ đẹp này”, ông Nguyên nói.

Cũng theo ông Nguyên, khi xây dựng các đảo nổi, làm hẹp lòng sông, dòng nước chảy xiết hơn, chắc chắn sẽ gây tác động tới đôi bờ, gây xói mòn, thậm chí là sạt lở. Bên cạnh đó, giao thông đường thủy cũng sẽ bị ảnh hưởng, các loại tàu lớn nhỏ đi qua các đảo nổi sẽ khó khăn hơn, nhất là vào mùa nước.

Tốn kém và gây ô nhiễm môi trường

Về mặt kinh tế và kỹ thuật, ông Nguyên cho rằng, việc xây đảo nổi trên sông sẽ rất tốn kém. Đối với việc tạo thêm mảng xanh dưới sông cũng như cải thiện môi trường, điều này đồng nghĩa với việc lấy đi diện tích mặt nước: “Mặt nước có thể bốc hơi, giúp độ ẩm cao hơn, đỡ bụi và giảm nhiệt độ vùng nội đô. Số lượng mảng xanh trên đảo nổi có tác dụng nhưng không đáng kể, không thể bằng mặt nước. Việc xây nhà hàng, khu vui chơi trên đảo nổi chắc chắn gây ô nhiễm”.

Thêm vào đó, ông Nguyên cho rằng, với một khoảng cách khá xa của đôi bờ, sẽ không có nhiều người đi bộ. Xây dựng một cây cầu chỉ để phục vụ đi bộ qua sông là lãng phí, giá trị sử dụng rất thấp.

“Với điều kiện thời tiết đặc thù, cộng với thói quen di chuyển của người dân, nếu làm tới 3 – 4 cây cầu đi bộ bắc qua sông, không chỉ phá vỡ cảnh quan mà không mang lại ý nghĩa. Chưa kể, thành phố cũng phải tính toán thêm các điểm giữ xe ở đôi bờ.

Không nên can thiệp, làm thay đổi hiện trạng của thiên nhiên. Chúng ta cần bảo vệ, tôn tạo sông, đừng xâm phạm nó. Việc này rất khác việc lấn biển. Biển mênh mông, có lấn cũng không đáng kể, còn lấn sông sẽ dẫn theo nhiều hệ lụy”, ông Nguyên nhận định.

Chỉ cần 1 cầu đi bộ là đủ

KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định, việc tạo liên kết, kéo gần khoảng cách đôi bờ là nhiệm vụ quan trọng để khai thác tiềm năng kinh tế sông Sài Gòn và thúc đẩy phát triển cho Thủ Thiêm. Tuy nhiên, khu vực quận 1 – Thủ Thiêm chỉ cần một cây cầu đi bộ là đủ. Theo ông, người dân chỉ quen đi bộ ở đoạn ngắn, trong bóng mát, nên nếu làm nhiều cầu đi bộ sẽ rất lãng phí.

Ông Sơn cũng cho rằng, nên tổ chức một phố đi bộ liên thông, nối từ quận 1 (phố đi bộ Nguyễn Huệ) sang Thủ Thiêm. Với không gian liên thông như vậy, giá trị sông Sài Gòn sẽ được nâng tầm. Đây cũng là nơi tổ chức những sự kiện lớn, nơi bắn pháo hoa trong các dịp lễ, Tết để người dân đôi bờ chiêm ngưỡng.

Để kết nối trực tiếp khi làm 2 không gian phố đi bộ nối nhau, ngoài những cây cầu theo quy hoạch hiện hữu, nên xây dựng thêm tuyến xe điện đi ngầm dưới sông. Tuyến này bắt đầu từ ga Nhà hát TP đến ga Bạch Đằng, sau đó chạy qua sông sang phía ga Thủ Thiêm, nối dài tới ga trung tâm hành chính mới của TP.HCM.

“Nếu thực hiện, đường hầm này sẽ đi xuyên qua sông Sài Gòn như hầm Thủ Thiêm nhưng quy mô nhỏ hơn, chỉ cần 1 làn mỗi bên cho giao thông công cộng chuyên chở người dân kết nối đôi bờ. Khi đã làm đường ngầm, có thể cân nhắc số lượng các cây cầu bắc qua sông. Điều này phụ thuộc chủ trương phát triển giao thông thủy của TP”, ông Sơn góp ý.

Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, thay vì xây dựng cầu dành cho người đi bộ, hãy xây dựng luôn cây cầu kiên cố cho xe ô tô, xe máy và có vỉa hè dành cho người đi bộ. Để làm việc này, cần dựa trên cơ sở khảo sát các điểm kết nối hiện hữu, xem đã bị quá tải chưa. Đồng thời, dựa vào tầm nhìn những năm tiếp theo về quy mô dân số, lưu lượng phương tiện ra sao, sự phát triển của Thủ Thiêm đến đâu để đón đầu các phương án kết nối.

Một chuyên gia trong lĩnh vực đường thủy cho biết, để tăng sự kết nối đôi bờ, thu hút người dân và du khách, có thể tính tới phương án xây dựng cáp treo thay vì thu hẹp lòng sông: “Cáp treo hoàn toàn không ảnh hưởng tới lòng sông, tàu thuyền vẫn sẽ lưu thông bình thường và chắc chắn thu hút người dân”.

Năm 2025 khởi công cầu đi bộ qua sông Sài Gòn

Tháng 12/2023, Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood thỏa thuận tài trợ cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Nutifood cam kết thực hiện đầu tư xây dựng công trình đảm bảo các quy định và theo hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, đây là lần đầu tiên Sở tiếp nhận tài trợ một công trình có quy mô, giá trị lớn nhất cả nước. Công trình nằm ở vị trí quan trọng sẽ là điểm nhấn cảnh quan kiến trúc, biểu tượng mới của TP. Mặc dù là cầu đi bộ nhưng thiết kế, quy mô, thiết kế rất đặc biệt khác với các công trình đi bộ thông thường.

Vì sao đề xuất làm đảo nổi?

Từ một vùng đất trũng, những cánh đồng lau sậy, ngày nay bán đảo Thủ Thiêm đã được quy hoạch, xây dựng trở thành một trung tâm tài chính, thương mại năng động của TP.HCM.

Để kết nối với Thủ Thiêm, TP.HCM đã có nhiều công trình quan trọng như hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Ba Son, Thủ Thiêm. Trong tương lai là cầu Thủ Thiêm 3, 4 kết nối Thủ Thiêm với quận 4, 7. Tuy nhiên, theo đánh giá, ở hai bờ sông Sài Gòn đoạn chảy qua khu trung tâm quận 1 – Thủ Thiêm vẫn thiếu sự kết nối và không gian xanh.

Từ đó, Liên danh AVSE Global cùng IPR đã đưa ra ý tưởng xây thêm một hoặc hai cầu cho người đi bộ và xe đạp bắc ngang sông Sài Gòn. Điểm đặc biệt là những cây cầu này sẽ nối xuống một số đảo vườn xây trên mặt sông, tạo ra những điểm dừng chân khi đi từ quận 1 sang Thủ Thiêm. Đảo vườn trên sông có thể xây cố định hoặc nổi ở gần bờ, nơi có dòng chảy chậm. Trên đảo vườn là hệ thống rào cây tự nhiên, có thể tổ chức các hoạt động giải trí như quán nhạc, cà phê, nhà hàng nổi…

Mỹ Quỳnh – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Đoạn sông Sài Gòn được đề xuất làm cầu đi bộ gắn với các đảo nổi.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/co-nen-xay-dao-noi-giua-song-sai-gon-192240531095503312.htm